Cuộc chay đua nước rút trong nghiên cứu vắc-xin ngừa Covid-19
Những container vận chuyển từ cá ngừ đến vắc-xin ngừa Covid-19 Triển khai tiêm chủng đại trà vắc-xin ngừa Covid-19 đồng thời tại khoảng 50 bệnh viện ở Anh |
2,1 triệu người trên thế giới đã được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19
Theo dữ liệu do hãng tin Bloomberg thu thập, 2,1 triệu người ở sáu quốc gia đã được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trên thế giới. Đây là bước khởi đầu của chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử và là một trong những thách thức hậu cần lớn nhất từng được thực hiện.
2,1 triệu người trên thế giới đã được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 (Ảnh: AP) |
Các nhân viên y tế tại Mỹ đã bắt đầu tiêm vắc-xin do hãng Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phát triển chung vào ngày 14/12. Đến nay đã có trên 614.000 liều văc-xin được phân phối, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).
Con số này dự kiến sẽ tăng lên trong những ngày tới khi Mỹ tiếp tục phân phối vắc-xin thứ hai của hãng Moderna. Vắc-xin của Pfizer-BioNTech và Moderna có thể đạt hiệu quả phòng bệnh lên đến 95% trong các cuộc thử nghiệm với hàng chục ngàn tình nguyện viên tham gia.
Nga và Trung Quốc đã cho phép tiêm vắc-xin của riêng các nước này hồi tháng 7 - 8 trước khi chúng được thử nghiệm đầy đủ. Kể từ đó, vắc-xin đã được tiêm cho hàng trăm ngàn người.
Liên minh Châu Âu (EU), Canada và Vương quốc Anh cũng vừa phê duyệt vắc xin Pfizer-BioNTech. Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, chia sẻ, đây là một chương quan trọng trong cuộc chiến chống lại dịch Covid-19 của EU.
Bà cho biết những lô vắc-xin đầu tiên sẽ được vận chuyển từ nơi sản xuất của Pfizer ở Bỉ trong vài ngày tới, với việc tiêm chủng bắt đầu từ ngày 27/12. Cơ quan Dược phẩm Châu Âu sẽ tiếp tục đưa ra phán quyết về vắc-xin của Moderna vào ngày 6/1, có khả năng mang lại cho Châu Âu loại vắc-xin thứ 2 để chống lại đại dịch vào đầu năm mới.
Vừa mua vừa tự phát triển vắc-xin
Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia tại Đại học Y tế Cộng đồng Johns Hopkins, Mỹ, ngay cả khi tất cả các nhà sản xuất có thể tạo ra những loại vắc-xin hiệu quả, an toàn và đáp ứng các mục tiêu sản xuất tối đa thì ít nhất 1/5 dân số thế giới cũng không được tiếp cận cho đến năm 2022. Điều này đặt ra lo ngại rằng, nhiều nước sẽ bị bỏ lại đằng sau.
Nghiên cứu cũng cho thấy thực tế vào giữa tháng 11, các nước đã đặt mua 7,48 tỷ liều, tương đương với 3,76 tỷ người được tiêm, bởi hầu hết các loại vắc-xin ngừa Covid-19 đều phải tiêm hai mũi. Con số này vượt xa khả năng sản xuất tối đa dự kiến chỉ đủ cho 5,96 tỷ người được tiêm vào cuối năm 2021.
Do đó, bên cạnh việc tìm kiếm các thỏa thuận vắc-xin với những công ty lớn trên thế giới và chương trình vắc-xin toàn cầu COVAX, nhiều quốc gia đã và đang tham gia vào cuộc đua nóng nhất hiện nay là tự phát triển vắc-xin ngừa Covid-19.
Ngoài việc đặt hàng vắc-xin từ các hãng dược, Indonesia cũng đang tự phát triển 57,6 triệu liều vắc-xin Merah Putih. Bên cạnh đó, Chính phủ Indonesia sẽ đầu tư 2.000 tỷ rupiah (142,83 triệu USD) cho công ty dược quốc doanh PT Bio Farma để xây dựng các cơ sở sản xuất vắc-xin, đặc biệt là các nguyên liệu sơ cấp, nhằm mục đích giảm nhập khẩu.
Với hy vọng vắc-xin có thể giúp chấm dứt đại dịch, các quốc gia đã bắt đầu các chương trình tiêm chủng đại trà (Ảnh: Getty) |
Chính phủ Thái Lan có mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 50% dân số trong năm 2021. Nước này cũng có kế hoạch nhận 26 triệu liều vắc-xin từ chương trình COVAX, 26 triệu liều từ AstraZeneca và 13 triệu liều từ các nguồn khác để cung cấp cho hơn 30 triệu người.
Không muốn dựa vào vắc-xin của nước ngoài, Thái Lan cũng đang phát triển vắc-xin sử dụng công nghệ mRNA của nước này. Dự kiến, vắc-xin sẽ sẵn sàng để cung cấp cho người dân Thái Lan vào cuối năm 2021.
Bên cạnh nhắm vào vắc-xin của Moderna, Pfizer và Sinovac, Singapore cũng đang hợp tác phát triển vắc-xin ngừa Covid-19 với Công ty Công nghệ sinh học Arcturus Therapeutics (Mỹ). Kết quả nghiên cứu vắc-xin của Arcturus với Singapore cho đến nay cho thấy, vắc-xin này có thể hiệu quả chỉ với một liều duy nhất.
Nga đã phát triển 2 loại vắc-xin ngừa Covid-19. Một là Sputnik V do Quỹ đầu tư trực tiếp Nga hỗ trợ phát triển. Một loại khác do Viện Vector của Siberia phát triển. Tại Nga, kết quả thử nghiệm mới nhất cho thấy, vắc-xin Sputnik V đạt hiệu quả 91,4% trong việc ngăn ngừa Covid-19.
Vào đầu tháng 12, nước này bắt đầu phân phối vắc-xin Sputnik V đến 70 phòng khám ở thủ đô Matxcơva - đánh dấu đợt tiêm chủng đại trà đầu tiên của Nga để phòng ngừa đại dịch.
Hiện Trung Quốc có 3 loại vắc-xin được cấp phép sử dụng khẩn cấp của các hãng dược trong nước, bao gồm 2 loại của Sinopharm và loại còn lại do hãng dược Sinovac phát triển. Các loại vắc-xin của Sinopharm hiện vẫn đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 ở nước ngoài.
Trung Quốc đã tiêm vắc-xin thử nghiệm cho hơn một triệu người, bao gồm các nhân viên y tế và những người có nguy cơ mắc Covid-19 cao, theo chương trình tiêm ngừa khẩn cấp. Ngoài ra, quốc gia tỷ dân có 5 loại vắc-xin từ 4 nhà sản xuất trong nước đang được thử nghiệm ở hơn 10 quốc gia khác.
Bên cạnh việc tìm kiếm thỏa thuận vắc-xin ngừa Covid-19 với các hãng dược lớn trên thế giới, Việt Nam cũng đang phát triển vắc-xin của riêng mình. Vừa qua, Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen phối hợp với Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) bắt đầu quá trình thử nghiệm vắc-xin ngừa Covid-19 trên người.
Như vậy, Việt Nam là một trong 40 quốc gia đã thử nghiệm vắc-xin ngừa Covid-19 trên người. Đây là một bước tiến đáng ghi nhận, mở ra kỳ vọng về vắc-xin mang thương hiệu “made in Việt Nam”. Dù phía trước vẫn còn nhiều thách thức nhưng cuộc thử nghiệm vắc-xin đầu tiên vừa qua ở nước ta đã chứng minh tính khoa học, tính trách nhiệm, nhanh nhạy và sự tự tin, tự lực, tự cường của Việt Nam trong bảo vệ người dân trước đại dịch lịch sử của thế giới. |