Đặc xá phải thực hiện đúng thủ tục, đúng trình tự, đúng đối tượng
Về Luật Cảnh sát biển Việt Nam, các ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật này nhằm hoàn thiện pháp luật về Cảnh sát biển Việt Nam, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và xây dựng các lực lượng trên biển, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển, bảo vệ an ninh, trật tự an toàn, môi trường biển, bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên biển và yêu cầu hội nhập quốc tế.
Thảo luận tại tổ 1 gồm các ĐBQH đoàn TP Hà Nội về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam, ĐBQH đoàn TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh cần xác định rõ vị trí của Cảnh sát biển là lực lượng trực thuộc Bộ Quốc phòng. Trong các đầu tư cho lực lượng Cảnh sát biển ngoài đầu tư về vũ khí, trang bị kỹ thuật cần quan tâm đầu tư về con người. Vì đây là lực lượng yêu cầu rất cao về nhiều mặt: Thể lực, nhạy bén chính trị, tư duy tầm nhìn, đối ngoại… nên cần quan tâm đầu tư nguồn nhân lực.
Tiếp theo chương trình làm việc của Quốc hội, các ĐBQH tiếp tục thảo luận về Dự thảo Luật đặc xá (sửa đổi), nội dung được nhiều đại biểu cho ý kiến trong dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) là về quy định liên quan đến điều kiện được đề nghị đặc xá; thời điểm đặc xá.
Phát biểu ý kiến thảo luận tại Tổ 1 gồm các ĐBQH đoàn TP Hà Nội, ĐBQH đoàn TP Hà Nội – Phó Giám đốc CATP Hà Nội Đào Thanh Hải đồng tình với nhiều nội dung trong Dự thảo luật, đồng thời nhấn mạnh, đặc xá là ân huệ đặc biệt của Chủ tịch nước đối với người bị kết án phạt tù. Nếu quy định hàng năm xét đặc xá sẽ trùng với việc tha tù trước thời hạn, khiến đặc xá không còn ý nghĩa.
Thảo luận tại tổ ĐBQH đoàn TP Hà Nội
ĐB Đào Thanh Hải cũng đánh giá việc quy định như trong Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) là phù hợp với thực tiễn, đó là nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân các ngày lễ lớn và những thời điểm đặc biệt.
“Trong 10 năm qua chúng ta có 7 đợt đặc xá, trung bình 1,5 năm có 1 đợt. Nhằm đảm bảo tính cụ thể của Dự thảo luật, tạo tính chủ động cho các cơ quan khi triển khai thực hiện Luật Đặc xá, đề nghị quy định rõ trong luật theo hướng chỉ xét đặc xá nhân dịp Quốc khánh 2/9, không dưới 3 năm hoặc 5 năm một đợt. Bởi nếu quy định hàng năm xét đặc xá sẽ trùng với việc tha tù trước thời hạn, khiến việc đặc xá không còn ý nghĩa”, ĐB Hải nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, đặc xá là ân huệ đặc biệt của Chủ tịch nước đối với người bị kết án phạt tù. Quy định như trên phù hợp với Hiến pháp 2013, đảm bảo tính thời điểm cần thiết, mang ý nghĩa chính trị, xã hội.
Ngoài ra, trong thời điểm nào đó không phải Quốc khánh, không phải ngày lễ đặc biệt nhưng để phục vụ công tác đối ngoại, đối nội, việc thực hiện đặc xá sẽ mang lại ý nghĩa lớn.
Về điều kiện được đặc xá, Đại biểu Đào Thanh Hải phân tích, mỗi khi Chủ tịch nước quyết định đặc xá đều mang lại tác động xã hội rất lớn, tạo động lực cho người phạm tội phấn đấu, rèn luyện cải tạo, sớm trở về hòa nhập với xã hội phù hợp với mong muốn của họ và gia đình. Do đó, trong mỗi đợt có thể đặc xá 10.000 người hoặc nhiều hơn nữa. Luật không cần thiết quy định số lượng cụ thể miễn sao đúng trình tự, thủ tục, đối tượng và đảm bảo minh bạch sẽ có tác động to lớn, tích cực đối với việc thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước.
Theo Đại biểu Đào Thanh Hải, cần mở rộng đối tượng có thể được đề nghị đặc xá nhằm thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước song cũng cần cân nhắc các vấn đề đối nội, đối ngoại, chính trị, xã hội, tình hình tội phạm…Vấn đề này nên để Chủ tịch nước quyết định cụ thể đối với từng đợt về đối tượng, điều kiện được hưởng đặc xá, tránh quy định cứng trong luật để sau đó lại phải sửa đổi khi tình hình kinh tế chính trị thay đổi.
Ngoài ra, đại biểu Đào Thanh Hải đề nghị bổ sung quy định Chủ tịch nước xem xét đặc xá đối với một số trường hợp khi chưa thực hiện xong hình phạt bổ sung như hình phạt phạt tiền đối với một số tội cần khắc phục hậu quả, chưa thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại…nhưng vẫn đồng ý bồi thường sau khi được đặc xá. Bởi, thực tế có phạm nhân gia đình khó khăn, không đủ điều kiện bồi thường ngay, sau này ra ngoài, họ đi làm mới thực hiện được việc bồi thường – điều này nhằm tạo điều kiện cho phạm nhân phấn đấu cải tạo tốt.
"Về người được đặc xá trong trường hợp đặc biệt, Dự thảo quy định đây là các trường hợp đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước, Chủ tịch nước có thể quyết định đặc xá cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân mà không phụ thuộc vào các trường hợp được quy định tại Điều 10 Dự thảo luật là phù hợp. Thực tế trong 10 năm thực hiện Luật Đặc xá đã có 13 trường hợp phạm nhân được đặc xá, không xảy ra vướng mắc gì nên cần tiếp tục duy trì", vị đại biểu này đưa dẫn chứng.
Về đặc xá đối với phạm nhân là người nước ngoài, Luật Đặc xá 2007 chưa quy định cụ thể về trình tự, thủ tục. Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) đã bổ sung phải có người đại diện cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự của nước có công dân được đặc xá…
“Trường hợp các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự của công dân này nhưng họ không đến hoặc chưa đến nhận người nước ngoài được đặc xá thì việc bố trí lưu trú do cơ quan thi hành án thi hành án dân sự chỉ định trong thời gian chờ làm thủ tục là cần thiết. Quy định này không trái với các công ước, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia” – Đại biểu Đào Thanh Hải nói.
Về thời điểm đặc xá, Khoản 1 Điều 5 Luật Đặc xá năm 2007 quy định 2 thời điểm Chủ tịch nước có thể ban hành Quyết định về đặc xá, đó là sự kiện trọng đại hoặc ngày lễ lớn của đất nước. Còn theo Dự thảo Luật Đặc xá sửa đổi, tại Khoản 1 Điều 5 quy định, chỉ còn 1 thời điểm Chủ tịch nước có thể ban hành Quyết định về đặc xá là "sự kiện trọng đại của đất nước". Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu đề nghị quy định chi tiết về sự kiện trọng đại của đất nước.
ĐBQH đoàn TP Hà Nội Đào Tú Hoa đề nghị quy định ngay trong dự thảo Luật "sự kiện trọng đại của đất nước" là những sự kiện gì để đảm bảo sự minh bạch, hiểu và áp dụng thống nhất trên thực tiễn.
"Sự kiện trọng đại của đất nước cần phải ghi ngay trong Luật chứ không nên quy định trong các văn bản hướng dẫn, văn bản dưới luật. Tôi đề nghị ghi rõ thời điểm đặc xá vào ngày Quốc khánh mùng 2/9 hoặc Tết nguyên đán... Quy định như vậy mới đảm bảo tính thống nhất", đại biểu Hoa nhấn mạnh.