Đảm bảo phương án cung ứng đủ hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán
Khẳng định vị thế doanh nghiệp, nâng tầm thương hiệu hàng Việt Bùng nổ livestream, hàng Việt lên ngôi cùng TikTok Shop Vinh danh Top 2 “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” 2024 |
Sáng 13/12, báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội tổ chức toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025”.
Tham dự toạ đàm có Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP Hà Nội Phạm Anh Tuấn; Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp.
Tổng Biên tập báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Thành Lợi phát biểu tại toạ đàm |
Phát biểu khai mạc toạ đàm, Tổng Biên tập báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh, toạ đàm “Hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025” là dịp để cùng nhìn lại những thành quả đã đạt được trong việc thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt, cũng là cơ hội để cùng nhau tìm ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, uy tín của hàng Việt Nam, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.
“Đồng hành cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội nhiều năm nay trong tuyên truyền đưa hàng Việt ngày càng đến gần và gắn bó hơn với người tiêu dùng, chúng tôi đã liên tục đa dạng các kênh truyền thông bằng nhiều hình thức từ tin bài đến tọa đàm, hội nghị, hội thảo, triển lãm, truyền thông trên các kênh mạng xã hội của báo.
Chúng tôi cũng đã tính toán đến việc mở những shop online trên các nền tảng trong hệ sinh thái của Báo để đồng hành và hỗ trợ cùng người dân, các hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp trao đổi, mua bán hàng Việt…”, ông Nguyễn Thành Lợi chia sẻ.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Phạm Anh Tuấn thông tin tại tọa đàm |
Điểm lại kết quả triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Phạm Anh Tuấn cho biết, qua 15 năm triển khai thực hiện, cuộc vận động đã tạo bước chuyển biến tích cực, lan tỏa rộng rãi. Các tầng lớp Nhân dân đã ý thức, ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước, sức tiêu thu hàng Việt Nam đã sôi động hơn, tâm lý tiêu dùng hàng nội địa trở thành thói quen của người dân.
Các giải pháp triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần phát triển nhiều mô hình, điển hình tốt trong sản xuất kinh doanh, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng, cân đối cung cầu hàng hóa. Từ đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, góp phần cùng Đảng và Nhà nước kiềm chế lạm phát, ổn định thị trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Để cuộc vận động tiếp tục phát huy tác dụng tích cực trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển thương hiệu, phát triển thị trường, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động TP Hà Nội đề ra nhiều giải pháp như: Tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng và doanh nghiệp về ý nghĩa cuộc vận động, phát huy vai trò hướng dẫn, hỗ trợ, kết nối, đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có sản phẩm hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích cần đẩy mạnh thông tin tiếp thị, quảng bá thương hiệu, kết nối phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu, đáp ứng niềm tin tưởng của người tiêu dùng.
Các đại biểu chia sẻ tại tọa đàm |
Vào dịp cuối năm, nhu cầu hàng hóa của người dân tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, phục vụ hàng hóa dịp Tết Ất Tỵ 2025, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, Sở từ sớm đã chủ động ban hành kế hoạch đảm bảo bình ổn thị trường với hàng hóa thiết yếu.
Ngành Công thương Hà Nội và các doanh nghiệp dự trữ lượng hàng hóa gồm 298.350 tấn gạo, 59.670 tấn thịt lợn hơi, 19.890 tấn thịt gia cầm, 16.500 tấn thịt bò, 396 triệu quả trứng gia cầm, 331.500 tấn rau củ, 16.560 thủy sản, thực phẩm chế biến 16.560 tấn, trái cây 238.500 tấn và 1.575 tấn bánh mứt kẹo…
Cùng với việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa, để tạo thuận tiện cho người dân Thủ đô tiếp cận, mua sắm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, hàng hóa Tết sẽ được phục vụ tại 30 trung tâm thương mại, 131 siêu thị, 455 chợ truyền thống, 2.000 cửa hàng tiện lợi, 110 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cùng hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn…
Ngoài ra, Sở Công thương Hà Nội cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều sự kiện, hội chợ, tuần hàng giới thiệu sản phẩm; tổ chức các chợ hoa Xuân… phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân tại các quận, huyện, thị xã, các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Ngoài ra, Sở cũng xây dựng kế hoạch phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, chất lượng hàng hóa để tránh những vi phạm về hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng phục vụ người dân dịp Tết.