Đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến
Mùa mua sắm trực tuyến
Trong 10 năm qua, Online Friday đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của người tiêu dùng thông qua các chương trình khuyến mại thực chất, các chương trình đồng hành nghiêm túc của các nhãn hàng, doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử lớn và các nền tảng hỗ trợ bán hàng.
Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday đã trở thành một sự kiện rất quen thuộc của doanh nghiệp và người dân trên cả nước. Chương trình này được người tiêu dùng xem như “mùa mua sắm trực tuyến đặc biệt” trong năm.
Online Friday 2023 đặt mục tiêu tiếp cận khoảng 1 tỷ lượt xem trên các nền tảng của chương trình, 3 triệu đơn hàng được chốt, 10 triệu người tiếp cận với Chương trình, 500 nhãn hàng và 3000 doanh nghiệp tham gia trong 60 giờ Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2023. Ban tổ chức Chương trình kỳ vọng chương trình năm nay sẽ là một điểm sáng trong bức tranh chung của lĩnh vực thương mại điện tử, cũng như kinh tế số tại Việt Nam nói chung và điểm nhấn đánh dấu 10 năm chương trình được tổ chức.
Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday đã trở thành một sự kiện rất quen thuộc của doanh nghiệp và người dân trên cả nước |
Đặc biệt, năm nay Ban tổ chức chương trình đã có những kế hoạch hành động thiết thực và kịp thời hướng tới bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến. Cụ thể, ngay tại sự kiện cơ quan quản lý và các sàn thương mại điện tử, trung gian thanh toán, ngân hàng… sẽ cam kết chung tay xây dựng thị trường thương mại điện tử bền vững trong Tuần lễ thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday.
Từ sự chung tay này, các sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp sản xuất sẽ có sự cộng hưởng để tạo ra hệ sinh thái bảo vệ người tiêu dùng. Đồng thời cùng nhau triển khai nhiều giải pháp cam kết về chất lượng hàng hóa để mang lại trải nghiệm tốt cho người tiêu dùng và mua sắm.
Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương chia sẻ: “Một khi tạo được niềm tin cho người người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến, doanh nghiệp cũng sẽ có thêm cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ trên các nền tảng thương mại điện tử, mở rộng thị trường cũng như được tăng cường quảng bá hình ảnh sản phẩm qua môi trường trực tuyến, ứng dụng các giải pháp số chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”.
Tuần lễ thương mại điện tử quốc gia năm nay, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cùng phối hợp Báo Công Thương, các Cục/Vụ chức năng, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các Hiệp hội ngành hàng, Văn phòng phẩm Deli, các nhãn hàng, doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử lớn và các nền tảng hỗ trợ bán hàng như TikTok Shop, Shopee, Lazada, Tiki, VNPAY, ZaloPay, Viettel Post, VnPost, Access Trade… tổ chức các hoạt động cụ thể như: Hội nghị Phát triển thương mại điện tử Việt Nam; sự kiện trực tuyến 60h mua sắm trên các nền tảng trực tuyến tại Việt Nam.
Đặc biệt, sẽ có lễ hội trải nghiệm thương mại điện tử và âm nhạc tại phố đi bộ Hồ Gươm, Hà Nội; các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, trải nghiệm đối với người tiêu dùng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý thông qua Hệ sinh thái số tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử…
Mỗi người tiêu dùng phải tự bảo vệ chính mình
Dự báo, Việt Nam sẽ trở thành thị trường phát triển thương mại điện tử nhanh nhất ASEAN vào năm 2026. Trong bối cảnh đó, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được xác định có mối quan hệ hữu cơ, mật thiết với sự phát triển của thương mại điện tử. Do đó, bên cạnh sự quyết liệt của cơ quan chức năng, thì việc hoàn thiện hành lang pháp lý để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử là yêu cầu cấp bách hiện nay.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 có chương riêng quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh, trong đó có không gian mạng. Đây là tín hiệu đáng mừng để người tiêu dùng có thêm kênh bảo vệ quyền lợi khi tham gia mua sắm.
mỗi người tiêu dùng phải tự bảo vệ chính mình trên không gian mạng (Ảnh minh hoạ) |
Đối với các tổ chức, cá nhân, đơn vị kinh doanh và người tiêu dùng, luật pháp càng quy định rõ ràng thì càng dễ quản lý và dễ để họ nhận thức tốt hơn. Người kinh doanh phải là người đầu tiên nhận thức rằng muốn kinh doanh bền vững thì phải có trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng. Quy định còn là cơ sở để người tiêu dùng có thể kiểm tra, giám sát, yêu cầu quyền lợi của mình đối với hoạt động của cả cơ quan chức năng, đơn vị trung gian và người bán hàng.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý vừa là người xây dựng, thiết kế luật, tuyên truyền, phổ biến chính sách và là người bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Cơ quan quản lý phải kiểm tra, giám sát thông qua số hóa, cần vận dụng chuyển đổi số, công nghệ số trong quản lý, điều hành vừa tiết kiệm, vừa sâu sát, vừa minh bạch và phù hợp trong thời đại công nghệ 4.0.
Đồng thời với đó, công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đặc biệt trong thương mại điện tử cần được chú trọng hơn nữa. Mỗi cán bộ quản lý, thực thi nhiệm vụ cần trang bị thêm kiến thức về công nghệ thông tin, thương mại điện tử; có thể phối hợp, liên kết với các chuyên gia công nghệ thông tin để nâng cao năng lực phát hiện, xử lý những sai phạm ngày càng tinh vi của thương mại điện tử, vì mục tiêu cao nhất là bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ Nhân dân.
Cuối cùng, mỗi người tiêu dùng phải tự bảo vệ chính mình trên không gian mạng. Khi thương mại điện tử là xu hướng của thời đại, thì việc trang bị thêm cho mình kiến thức pháp luật về lĩnh vực này là vô cùng cần thiết. Ngoài việc lựa chọn những đơn vị bán hàng có thương hiệu, có uy tín, người tiêu dùng khi mua hàng cũng cần tìm những phương thức thanh toán đảm bảo, đồng thời tự nâng cao năng lực phát hiện những dấu hiệu lừa đảo, không ham rẻ để đặt mình vào những tình huống “không biết kêu ai”.