Đánh thức tiềm năng, khơi dậy nguồn lực cho “vành đai xanh” Mỹ Đức
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn và Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong chủ trì hội nghị.
Quang cảnh buổi làm việc |
Kiến nghị lập quy hoạch chi tiết các phân khu chức năng song song với tu bổ di tích chùa Hương
Báo cáo với Thường trực Thành ủy, Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Nguyễn Anh Dũng cho biết: Năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022, huyện Mỹ Đức thực hiện thành công “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa hoàn thành 18/18 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,6%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 218% kế hoạch. Riêng quý I/2022, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện ước thực hiện đạt 66,5 tỷ đồng (bằng 36% dự toán TP giao); Thu ngân sách huyện, xã ước thực hiện đạt trên 1.108 tỷ đồng (bằng 66% dự toán thành phố giao và bằng 50% dự toán HĐND huyện giao, bằng 129% so với cùng kỳ).
Đến nay, toàn bộ 21/21 xã trên địa bàn huyện đã hoàn thành xây dựng Nông thôn mới. Ngoài ra, huyện đã triển khai đăng ký, đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP năm 2021 và giai đoạn 2021-2025; Phối hợp với Sở Công thương khảo sát, lựa chọn 1 điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP tại xã Phùng Xá...
Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Nguyễn Anh Dũng báo cáo tại buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, huyện Mỹ Đức nêu 6 nhóm kiến nghị lớn với thành phố trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, chuyển hình thức đầu tư dự án tuyến đường trục phát phát triển kinh tế Miếu Môn - Hương Sơn từ BT sang đầu tư công để kết nối chuỗi du lịch Hương Sơn - Quan Sơn - Tuy Lai đồng bộ với tuyến đường Bái Đính - Ba Sao - Mỹ Đình; Đề xuất cho phép kêu gọi nhà đầu tư đủ năng lực nghiên cứu, lập đồ án quy hoạch chi tiết, ý tưởng dự án và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Quần thể khu du lịch Hương Sơn - An Phú - Quan Sơn.
Đối với việc lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt lịch sử và danh lam thắng cảnh quần thể Hương Sơn (Chùa Hương), huyện Mỹ Đức đề nghị cho phép triển khai lập quy hoạch chi tiết các phân khu chức năng nằm trong quần thể khu di tích thắng cảnh Hương Sơn song song với việc lập đồ án quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; Ngoài ra, hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng (giao thông, bến bãi, cải tạo mở rộng lòng suối, cải tạo hệ thống đường bộ) kết nối khu di tích thắng cảnh Hương Sơn với các khu du lịch của tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Hòa Bình hình thành chuỗi du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng để tiến tới đề nghị UNESCO công nhận Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn là di sản thiên nhiên thế giới.
Phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, cảnh quan thiên nhiên
Kết luận cuộc làm việc, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng cho biết, huyện Mỹ Đức là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, có tiềm năng cảnh quan thiên nhiên, hệ thống di tích phong phú; Được quy hoạch là vành đai xanh của thành phố, trọng tâm là phát triển du lịch, dịch vụ và sản xuất nông nghiệp chất lượng cao.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc |
Biểu dương, đánh giá cao kết quả và những cố gắng của cán bộ và Nhân dân huyện Mỹ Đức trong thời gian qua, tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy, đến nay, huyện Mỹ Đức còn rất khó khăn, mức độ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn mới đạt 53,9 triệu đồng/người/năm, là mức rất thấp.
Từ đó, Bí thư Thành ủy cho rằng, huyện Mỹ Đức phải xác định rõ định hướng là phát triển bền vững, trên cơ sở phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người, cảnh quan thiên nhiên, di tích tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng quyết định sự phát triển.
Mấu chốt để đánh thức tiềm năng, khơi thông nguồn lực đưa Mỹ Đức phát triển bứt lên là phải tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, trước hết là hạ tầng giao thông; Đầu tư, khai thác tiềm năng to lớn của Di tích quốc gia đặc biệt lịch sử và danh lam thắng cảnh Hương Sơn, Hồ Quan Sơn, Hồ Tuy Lai.
Bên cạnh đó, để khắc phục khó khăn, tạo sức bật cho địa phương, điều quan trọng là lãnh đạo huyện phải đổi mới tư duy, nhận thức và phương thức quản lý; Huy động sức mạnh tổng hợp, quyết tâm chính trị của cả hệ thống chính trị; Khơi dậy trong cán bộ và Nhân dân khát vọng vươn lên, mỗi người dân thực sự là chủ thể, cộng đồng trách nhiệm vì sự phát triển của quê hương.
“Tiềm năng cảnh quan, thiên nhiên dù giá trị đến mấy cũng sẽ bị mai một nên lãnh đạo huyện phải có tư duy đột phá, từ góc nhìn tổng thể để tính toán xây dựng kế hoạch phát triển” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo huyện và các Sở, ngành thành phố bám sát Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, khẩn trương lập các quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chi tiết các điểm phát triển du lịch nêu trên bảo đảm đồng bộ, hiệu quả gắn với bảo vệ vùng xanh, phát triển bền vững. Theo đó, chính quyền từ thành phố xuống huyện, xã phải thống nhất nhận thức và quyết tâm chính trị để phát triển huyện; Thật tâm, chân thành xoá bỏ mọi rào cản, tạo điều kiện thuận lợi nhất, kêu gọi, thu hút đầu tư vào các dự án.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Bí thư Thành ủy lưu ý, huyện rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai và trật tự xây dựng; Đẩy mạnh xây dựng Nông thôn mới; Xử lý nghiêm các sai phạm về quản lý sử dụng đất, quy hoạch. Đồng thời, huyện cần chủ động nhìn nhận hạn chế, có giải pháp khắc phục, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị năm 2022 và các năm tiếp theo.