Dấu ấn Việt Nam tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 mở rộng năm 2024
Hội nghị do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italia Antonio Tanjani chủ trì. Nhóm G7 bao gồm các nước: Italia, Canada, Pháp, Đức, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Mục tiêu chính của Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 mở rộng là giải quyết những căng thẳng và xung đột đang đe dọa thương mại toàn cầu và tăng trưởng bền vững và toàn diện.
Các đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 mở rộng tại Italia |
Bên cạnh Bộ trưởng của các nước thành viên G7, Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 mở rộng còn có sự tham dự của Bộ trưởng Thương mại và các quan chức Chính phủ từ: Ấn Độ, New Zealand, Argentina, Brazil, Hàn Quốc và Việt Nam cũng như đại diện từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Đây là lần đầu tiên Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 mời Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam tham dự. Sự kiện này không chỉ là hoạt động xã giao mà chứng tỏ Italia và các nước G7 thực sự đánh giá rất cao vai trò của Việt Nam trong thúc đẩy phát triển thương mại thế giới.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Antonio Tanjani - nước chủ nhà của hội nghị năm nay cũng nhận định, Việt Nam là “tấm gương sáng”, một hình mẫu thành công trong tăng trưởng kinh tế dựa trên các thành quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; từ đó thúc đẩy thương mại và thu hút đầu tư, tham gia thành công vào tiến trình toàn cầu hóa và tái định hình chuỗi cung ứng khu vực và quốc tế.
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 mở rộng, khi giới thiệu về các nước khách mời cùng tham dự hội nghị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italia Antonio Tanjani cho biết, Việt Nam đang là hình mẫu thành công trong tăng trưởng kinh tế. Do vậy, Việt Nam có nhiều kinh nghiệm để chia sẻ với hội nghị về những nỗ lực để phát triển kinh tế thông qua đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Tại hội nghị, Tổng Giám đốc WTO cũng nhấn mạnh, Việt Nam cùng một số thành viên đang phát triển khác là minh chứng cho sự thành công của quá trình hội nhập quốc tế và là một ví dụ thành công điển hình về việc thực thi đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Không những vậy, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) cũng đề cập đến các khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương với Việt Nam cũng như các thành viên trong G7. Nhật Bản cam kết dành hỗ trợ cho một số quốc gia đang phát triển và cũng đang hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động liên quan đến giảm phát thải cacbon.
Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 |
Trước đó, năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Hiroshima, Nhật Bản. Đây là lần thứ 3 Việt Nam được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng trong 8 năm trở lại đây. Điều này phản ánh sự ghi nhận tích cực của các nước G7 và cộng đồng quốc tế đối với vị thế, uy tín, cũng như những nỗ lực và đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam vào thúc đẩy hợp tác quốc tế trong giải quyết các thách thức toàn cầu trong thời gian qua.
Kế tiếp sự quan tâm đó, năm 2024, lần đầu tiên Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 mời Việt Nam tham dự và có bài phát biểu, chía sẻ về quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam cũng quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hội nghị Bộ trưởng thương mại G7 mở rộng là diễn đàn hết sức quan trọng, tháo gỡ những vướng mắc thương mại nội tại và định hình tương lai phát triển kinh tế thương mại toàn cầu.
Tại đây, Bộ trưởng các nước G7 cũng như các thành viên khách mời đánh giá rất cao vai trò của Việt Nam trong thúc đẩy phát triển thương mại thế giới. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italia Antonio Tanjani, Tổng Giám đốc WTO... cùng ghi nhận Việt Nam là “tấm gương sáng”, là một hình mẫu thành công trong tăng trưởng kinh tế dựa trên các thành quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italia Antonio Tanjani cho biết: Italia sẽ sớm tổ chức một Đoàn doanh nghiệp sang thăm Việt Nam để xúc tiến Hợp tác thương mại và đầu tư.