Đẩy mạnh phát triển kinh tế số từ thanh toán không dùng tiền mặt
Kích cầu tiêu dùng nhờ sự tiện dụng
Khoảng 1 năm trở lại đây, tại các trung tâm thương mại, chợ dân sinh, cửa hàng ăn, hàng tạp hóa... trên địa bàn TP Hà Nội đều được trang bị mã QRCode. Không cần dùng tiền mặt, không cần thẻ, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, khách hàng có thể thực hiện thanh toán đơn hàng nhanh chóng, tiện lợi.
Chị Lê Thị Kim Thoa, chủ một quán ăn trên phố Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) cho biết: "Từ sau dịch COVID-19, hầu hết khách mua hàng đều thanh toán không sử dụng tiền mặt, kể cả đơn hàng vài chục nghìn đồng tới vài trăm nghìn đồng. Để thuận tiện cho khách thanh toán tôi đã in, dán mã QR Code tại bàn, vị trí khách dễ xem nhất, hình thức thanh toán này rất tiện lợi cho cả người bán và người mua”.
Anh Lê Duy Linh, chủ một xe cà phê di động trên phố Hàng Bài (quận Hòa Kiếm) thì cho hay: Trung bình cứ 5 khách thì có 3 khách chuyển khoản, dù ly cà phê chỉ hơn 20 nghìn đồng. Theo anh Linh, phương thức thanh toán bằng chuyển khoản giúp kích cầu tiêu dùng hơn khi chỉ cần một chiếc smartphone trong tay, người dân có thể dễ dàng thực hiện các giao dịch.
Quầy hàng nhỏ trên phố Hàng Bài trang bị mã QR giúp khách hàng thanh toán thuận lợi |
Việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng được nhân rộng tại quận Long Biên với mô hình “Chợ 4.0 - Chợ không dùng tiền mặt” ở phường Thượng Thanh mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Mô hình nhận được sự ủng hộ rất lớn của tiểu thương và người dân. “Thanh toán không dùng tiền mặt thuận lợi cho người mua và bán. Chúng tôi cũng không mất công sức hay gặp khó khăn trong quá trình tạo mã QR vì đã được đoàn thanh niên hỗ trợ”, anh Nguyễn Văn Hải, chủ tiệm tạp hóa tại chợ Thượng Thanh chia sẻ.
Mới đây, quận Hoàn Kiếm được thành phố Hà Nội chọn để thí điểm xây dựng các tuyến phố không dùng tiền mặt, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, hướng đến tiêu dùng văn minh, hiện đại.
Theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, là một trong các đơn vị dẫn đầu về thu ngân sách của thành phố với các khoản thu thuần thuý là tài chính, thương mại, dịch vụ, vì vậy, việc thanh toán không tiền mặt là nhu cầu tự nhiên của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn quận.
Quận sẽ chọn những tuyến phố đặc thù như phố đi bộ, phố sách, phố ẩm thực, một số trung tâm thương mại, chợ truyền thống … để gắn biển công nhận “tuyến phố không dùng tiền mặt”, từ đó nhân rộng trên địa bàn.
Nâng tỷ trọng kinh tế số trong GRDP
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hà Nội và Sở Công thương, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố trong thời gian qua diễn ra an toàn, hiệu quả, thông suốt, các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh. Một số chỉ tiêu thanh toán không dùng tiền mặt đạt được trong năm 2022 như: Giao dịch điện tử ước đạt 45%; Hóa đơn tiền nước đạt 96,67%; Hóa đơn tiền điện đạt 99,9%,…
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải, với quyết tâm đến năm 2030, xây dựng Thủ đô Hà Nội cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó nhiều nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế số được Thành ủy đề ra hướng tới mục tiêu đến năm 2030 tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của Hà Nội khoảng 30%.
Các bạn trẻ thử nghiệm dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại Lễ phát động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn quận Hoàn Kiếm |
Mới đây nhất, tại Kế hoạch số 239/KH-UBND ngày 27/9/2023 về việc chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng 2030, thành phố đã chỉ đạo đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, Hà Nội triển khai hiệu quả các kế hoạch phát triển hóa đơn điện tử, biên lai điện tử; Khuyến khích các ngân hàng, doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng trên địa bàn thành phố đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển, cung ứng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt an toàn, tiện lợi, đem lại lợi ích, giá trị thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.
“Việc triển khai tuyến phố không dùng tiền mặt có ý nghĩa quan trọng, là điều kiện thuận lợi cho người dân trên địa bàn thành phố được trải nghiệm những hình thức thanh toán mới, hiện đại, giúp người dân dần tiếp cận nhanh các ứng dụng, tiện ích trong thời đại số, góp phần xây dựng các công dân số, xây dựng xã hội số... Qua đó, từng bước hỗ trợ đưa phương thức thanh toán số trở thành công cụ thanh toán chủ yếu trong quá trình giao dịch mua bán hàng hóa của người dân, tạo động lực cho sự phát triển của các dịch vụ thanh toán số thông minh” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết.
Để thúc đẩy mạnh mẽ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các cơ quan khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tăng cường sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, nhất là các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phát triển kinh tế số nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng, nghiên cứu, căn cứ tình hình thực tế của địa phương, tiếp tục nhân rộng mô hình này, hướng tới hình thành các tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.