Để thủ tục hành chính không còn hành là chính…
Bài 1: Thủ tục hành chính, chỉ nghe thôi đã…sợ
Nhắc đến thủ tục hành chính, nhiều người dân cảm thấy ngao ngán vì chỉ đi làm một loại giấy tờ nào đó có thể mất tới cả buổi, thậm chí đi đến 2-3 lần vẫn chưa chắc đã xong. Nhiều người nói vui rằng, thủ tục hành chính có nghĩa hành là chính.
Tiếng thở dài của người dân
Chia sẻ hành trình xin cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, chị Hoàng Thu Trang (quận Thanh Xuân) cho biết đã chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ. Theo đúng hướng dẫn, chị đã tập hợp văn bản đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học; bản sao có chứng thực giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; danh sách đội ngũ nhân viên trực tiếp tư vấn du học (bao gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, vị trí công việc sẽ đảm nhiệm tại tổ chức dịch vụ tư vấn du học); bản sao có chứng thực văn bằng tốt nghiệp đại học, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học.
Hầu hết người dân đều lúng túng khi giải quyết thủ tục hành chính qua mạng |
Tuy nhiên, khi tiến hành thủ tục xin cấp giấy chứng nhận, chuyên viên của Sở Giáo dục và Đào tạo lại yêu cầu thêm rất nhiều văn bản, giấy tờ. Đối với doanh nghiệp, phải có văn bản, hợp đồng hợp tác giữa đối tác nước ngoài. Đối với nhân viên trực tiếp tư vấn du học, chuyên viên sở yêu cầu thêm có ít nhất 2 chứng chỉ nghiệp vụ bồi dưỡng, tư vấn du học.
Trong trường hợp có giảng dạy ngoại ngữ, chuyên viên tư vấn du học phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. “Mình thấy những thủ tục được yêu cầu thêm không được niêm yết công khai tại bộ phận “một cửa”, cũng như trang thông tin điện tử của Sở nên rất khó trong việc nắm bắt được thủ tụ đó. Vì vậy mình bắt buộc phải trực tiếp đến Sở để được chuyên viên của Sở hướng dẫn trực tiếp”, chị Trang thở dài tâm sự.
Ngày dài, năm rộng nhưng thủ tục vẫn chưa xong
Nhắc tới thủ tục hành chính, bà N.T (phường Bồ Đề, Long Biên) nghĩ ngay tới những trải nghiệm không tốt. Trong quá trình chuyển nơi hưởng lương hưu từ Phú Thọ về Hà Nội, bà gặp rất nhiều khó khăn.
Sau khi làm thủ tục cắt chuyển ở bộ phận "một cửa" của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Phú Thọ, cán bộ tại đây cho biết hồ sơ sẽ được cơ quan này chuyển thẳng về Hà Nội theo đường công vụ. Theo đó, từ tháng 12/2012, bà N.T. sẽ nhận lương tại nơi cư trú. Thế nhưng, đến ngày lấy lương, bà N.T. ra tổ chi trả lương hưu thì nhận được thông tin, bà chưa có bảng lương ở đây và được giới thiệu đến phường nơi cư trú.
Nhiều người dân "ngại" kê khai thủ tục hành chính qua mạng |
Khi đó, bà N.T. ra phường thì được hướng dẫn lên BHXH quận Long Biên. Tại BHXH quận Long Biên, cán bộ trả lời chưa thấy có hồ sơ ở đây và hướng dẫn bà lên BHXH TP Hà Nội hỏi. Cùng với đó, cán bộ tiếp nhận kiến nghị bảo bà làm thủ tục xác nhận hồ sơ đã chuyển về. Sau khi xác nhận, nhân viên này đưa cho bà tờ giấy hẹn 20 ngày sau đến BHXH quận Long Biên làm thủ tục.
Đúng ngày hẹn, bà N.T. đến BHXH quận Long Biên thì bảo vệ cho hay, cả cơ quan đi vắng. Ngày hôm sau, khi quay trở lại, bà được hẹn tiếp một tuần nữa vì hồ sơ chưa về đến nơi, cán bộ cũng dặn bà gọi điện trước khi đến.
Đến ngày hẹn, bà N.T. lại ra BHXH quận nhưng vẫn phải trở về tay không và hai ngày sau, hồ sơ của bà mới về tới BHXH quận. Như vậy là mất gần một tháng kể từ lúc làm thủ tục chuyển thì hồ sơ của bà N.T. mới về đến BHXH quận Long Biên. Song, khi bà N.T. đến BHXH quận Long Biên thì thẻ bảo hiểm y tế vẫn chưa có và một lần nữa bà lại nhận được lời hẹn “tuần sau,” cùng yêu cầu gọi điện trước khi đến.
Theo bà T tìm hiểu, trong thủ tục “giải quyết di chuyển hồ sơ hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng đối với người tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện đang hưởng chế độ, về nơi cư trú tại tỉnh, thành phố khác” ghi rõ: “Trường hợp do sức khỏe hoặc khó khăn trong việc đi lại thì người lao động làm đơn gửi theo đường công vụ để được chuyển hồ sơ nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng tại nơi cư trú mới”.
Bà N.T. dù đã làm đúng, đủ các giấy tờ, thủ tục theo đường công vụ nhưng kết quả nhận lại sau cả tháng mất công tới cơ quan một cửa nhiều lần, vị công dân lớn tuổi vẫn không biết hồ sơ của mình đã đến đâu và chậm trễ ở chỗ nào?
Hướng dẫn dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến
Hiện nay, Hà Nội có hơn 8,5 triệu dân và trên 300.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trên địa bàm thành phố. Chính vì vậy, nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính hằng ngày rất lớn. Trong đó, việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến là bước đột phá nhằm phục vụ người dân tốt hơn, đồng thời tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân về nhiều mặt.
Người dân được lực lượng áo xanh hướng dẫn, giúp kê khai thủ tục hành chính qua mạng |
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thủ tục hành chính công, nhiều người dân vẫn gặp khó khăn. Bà Trần Thị Hồng (quận Đống Đa) muốn làm xin cấp lại giấy khai sinh để đăng ký do cháu gửi đi học. Bố mẹ cháu đi làm xa nên chỉ có mình bà ở nhà lo thủ tục. Người phụ nữ sinh năm 1958 không thể tự kê khai lên hệ thống vì bà không có điện thoại thông minh để chụp ảnh, gửi kèm giấy tờ cần thiết. “Cán bộ tư pháp phường Ô Chợ Dừa phải giúp tôi làm thực hiện công việc này”.
Trong khi đó, ngay cả nhiều người trẻ tuổi với khả năng thao tác trên thiết bị kỹ thuật số thành thạo cũng gặp khó khi tiếp cận dịch vụ công trực tuyến vì không hiểu hết quy trình…
Muốn xin cấp lại bằng tốt nghiệp THPT vì đã bị thất lạc, Nguyễn Minh Tú, 24 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội vẫn gặp một vài điểm “tắc”. Các thủ tục dù được niêm yết rõ ràng trên cổng dịch vụ công trực tuyến nhưng theo anh Tú, quá trình thực hiện vẫn có những điểm khó hiểu.
Trước thực trạng đó, các cơ sở đoàn ở các quận, huyện, xã đã tổ chức giúp đỡ người dân kê khai và hướng dẫn họ thực hiện các thủ tục trực tuyến. Qua sự sự giúp đỡ của lực lượng áo xanh, nhiều người dân đã giải quyết các công việc nhanh chóng, bên cạnh đó, trước sự hướng dẫn của các đoàn viên thanh niên, người dân đã tiếp cận và tự làm được các thủ tục hành chính trên cổng điện tử của thành phố và quốc gia.
(Còn nữa)