Đèn tín hiệu cho người đi bộ qua đường "có cũng như không"
Hà Nội dỡ bỏ biển báo, đèn tín hiệu giao thông không phù hợp Điều chỉnh đèn tín hiệu ở đường vành đai 2 trên cao Phạt nguội gần 300 xe biển xanh, đỏ vi phạm giao thông |
Mỗi lần qua đường là mỗi lần “thót tim”
“Sợ hãi”, “lo lắng”, “chần chừ không dám qua” là cảm nhận chung của các em sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội mỗi khi phải sang đường. Theo quan sát của phóng viên, đây là khu vực tập trung nhiều các trung tâm thương mại, hàng quán nên lượng người tham gia giao thông lớn, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt là vào giờ cao điểm.
Biển chỉ dẫn đèn hiệu dành cho người đi bộ ở phố Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm |
Mặc dù chính quyền địa phương đã lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu cho người đi bộ trên tuyến đường này nhưng số người biết đến và sử dụng các nút bấm này hầu như chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Bạn Lê Tiến Hùng, sinh viên trường Đại học Công nghệ cho biết: “Mình chưa sử dụng nút ấn điều khiển giao thông cho người đi bộ bao giờ. Mình cũng thắc mắc là liệu đèn tín hiệu đó có hiệu quả thật hay không?”.
Giống như Tiến Hùng, chị Thư (quận Cầu Giấy) cũng lắc đầu khi được hỏi có biết đến công dụng của đèn tín hiệu cho người đi bộ qua đường không: “Tôi cũng không để ý có những nút bấm này dành cho người đi bộ. Bình thường, cứ đợi đèn xanh là đi qua hoặc lúc nào vội quá thì xin đường rồi cứ thế mà sang”.
“Đèn có cũng như không”, bạn Phạm Gia Linh, sinh viên Đại học Sư phạm chia sẻ thêm.
Ghi nhận thêm trên tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, mặc dù có biển chỉ dẫn “Nút ấn điều khiển đèn dành cho người đi bộ qua đường” được đề rõ ràng nhưng đa số người dân hoặc vô tình hoặc cố ý không để ý, vẫn giữ thói quen cũ khi sang đường mặc cho xe cộ đông đúc lao vun vút, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.
Du khách nước ngoài gặp khá nhiều khó khăn khi tham gia giao thông |
Tình trạng đèn tín hiệu “có cũng như không” không hoạt động gây khó khăn cho nhiều du khách nước ngoài khi tham gia giao thông ở Việt Nam. Chị Shea Goddard là một du khách đến từ Canada. Theo chân chị đi qua con phố Đinh Tiên Hoàng nườm nượp xe cộ, phóng viên không ít lần chứng kiến chị bấm nút đèn tín hiệu cho người đi bộ nhưng đèn mãi không chuyển đỏ hoặc đèn đã chuyển đỏ nhưng các phương tiện vẫn ngang nhiên di chuyển. Chia sẻ với phóng viên, chị Shea nói: “Ở Hà Nội, tôi thấy khá ít các nút ấn tín hiệu dành cho người đi bộ nên tôi cũng không hay sử dụng. Khi sang đường, tôi sợ nhất là bị va chạm với các xe đang lưu thông”.
Để đèn tín hiệu cho người đi bộ phát huy hiệu quả...
Từ năm 2017 đến nay, Hà Nội có tổng 13 nút đèn tín hiệu giao thông cho người đi bộ sang đường. Các cụm đèn này giúp đảm bảo an toàn, khuyến khích người dân đi bộ và phát triển giao thông công cộng. Mặc dù đã được đưa vào sử dụng hơn 5 năm nhưng đến nay người dân sống tại Thủ đô vẫn chưa có thói quen sử dụng đèn tín hiệu để sang đường hoặc đã sử dụng nhưng gặp nhiều trục trặc với hệ thống kỹ thuật của đèn.
Hà Nội có tổng cộng 13 nút đèn tín hiệu cho người đi bộ đang hoạt động |
Trước tình trạng này, Hà Nội đã có phương án chỉ đạo các sở ban ngành liên quan tuyên truyền cho người dân hiểu về tác dụng của đèn tín hiệu dành cho người bộ hành, hướng dẫn người dân chấp hành đúng Luật giao thông đường bộ và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.
Với trường hợp người đi bộ vi phạm, theo Điều 9, Nghị định 100 sẽ bị phạt tiền từ 60.000 - 100.000 đồng khi thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Không đi đúng phần đường quy định; Vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn…
Nghiêm trọng hơn nếu người đi bộ là người trực tiếp gây ra tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng có thể đối diện với việc bị phạt tù từ 7 đến 15 năm.
Nhiều mức xử phạt khác nhau được áp dụng cho những trường hợp vi phạm Luật giao thông đường bộ |
Với trường hợp người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy vượt đèn đỏ sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng (Theo điểm e, khoản 4, điểm b Khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP và điểm g Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
Còn với trường hợp người điều khiển ô tô vượt đèn đỏ sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng; Đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng; Từ 2 đến 4 tháng nếu gây tai nạn giao thông (Theo điểm a Khoản 5, điểm b, c Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP và điểm đ Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
Để đèn tín hiệu cho người đi bộ phát huy hiệu quả, các chuyên gia giao thông nhấn mạnh vai trò của công tác kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng khả năng hoạt động của đèn tín hiệu, tránh hiện tượng người dân đã bấm nút nhưng đèn hỏng không sáng hoặc chuyển báo hiệu chậm.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần lưu ý vị trí lắp đặt hệ thống đèn ở những tuyến phố có tình trạng giao thông phức tạp, lắp đặt ở vị trí cao vừa phải và có biển chỉ dẫn rõ ràng để người dân có thể dễ dàng sử dụng.