Bài 5: Văn hóa - Yếu tố chính xây dựng giao thông an toàn
Nhân lên những hình ảnh đẹp về văn hóa nhường đường
Có một khoảng thời gian, nhiều người đã bàn luận về những chia sẻ trên báo chí của ông Akihiko Saeki (người Nhật, Giám đốc Công ty Du lịch Bloom-ing Vietnam) về vấn đề an toàn giao thông cho người đi bộ, sau cái chết thương tâm của một người phụ nữ Nhật do bị xe buýt cán ngay trên vạch trắng dành cho người đi bộ ở trạm xe buýt trung tâm TP Hồ Chí Minh.
Ông Akihiko Saeki kể, nhiều lần đứng bên bờ sông Sài Gòn nhìn đoàn du khách Nhật băng từ bên kia đường Nguyễn Huệ để sang bên này ăn tối trên các tàu nhà hàng đậu ở đây, ông mới thấy họ sợ hãi việc băng qua đường như thế nào. Cả đoàn người nắm chặt tay nhau do anh hướng dẫn viên dẫn qua đường trên khoảng vạch trắng dành cho người đi bộ, vậy mà những dòng ô tô, xe tải, xe buýt, xe máy... cứ thế lao đến, chẳng hề giảm tốc độ, thậm chí họ cứ lao đến sát người đi bộ rồi lạng qua. Nhiều du khách vừa đi vừa đặt tay lên ngực, chân thì cứ ríu lại... Chỉ băng được qua đường mà như họ vừa thoát khỏi bờ vực thẳm vậy.
Khi sang đường, nhiều người nước ngoài phải "dò dẫm" từng bước như thế này và mắt không ngừng quan sát |
Du khách Nhật đến Việt Nam ai cũng cầm một quyển hướng dẫn du lịch rất chi tiết về những điều nên và không nên làm khi tham gia giao thông ở Việt Nam. Trong đó, chú trọng đến việc sang đường an toàn: Khi đi xuống lòng đường, băng qua đường phải đặc biệt tập trung, quan sát, phán đoán hướng xe đi và tốc độ di chuyển của xe để chuẩn bị phương án né xe. Nếu bạn cảm thấy không an toàn thì không băng qua đường cho dù đang là đèn bật ưu tiên cho hướng mình băng qua đường; Tuyệt đối không được chạy băng ngang đường cho dù là đang đi trên phần đường có vạch trắng dành riêng cho người đi bộ vì chẳng có ai tránh bạn cả.
Những chia sẻ trên đã phần nào cho thấy tâm lý lo lắng, sợ hãi của du khách khi sang đường tại các tuyến phố của Việt Nam. Bởi đơn giản, họ không sang đường bằng “kinh nghiệm” mà sang đường theo quy định của luật pháp về giao thông.
Tại bài viết, ông Akihiko Saeki còn chia sẻ về văn hóa nhường đường cho người đi bộ của Nhật. Thực tế, không chỉ ở Nhật mà ở nhiều nước khác, người đi bộ luôn được ưu tiên. Khi người đi bộ băng qua đường, ngoài tín hiệu đèn tại các cột tín hiệu giao thông còn có âm thanh để cảnh báo, nhắc nhở họ đã sắp hết thời gian băng qua đường.
Thực tế, việc người điều khiển ô tô, xe máy tại Việt Nam chưa có ý thức nhường đường cho người đi bộ, thậm chí ở cả những nơi ưu tiên, đã tạo ra thói quen tùy tiện cho người đi bộ, không sang đường ở lối có đường dành riêng. Vì thế, để hoàn thiện hành lang pháp lý đảm bảo an toàn giao thông cho người đi bộ, Bộ Công an đã xây dựng dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ với nhiều điểm mới, trong đó có quy định phải nhường đường cho người đi bộ.
Cụ thể, dự thảo Luật quy định, tại nơi có vạch kẻ đường hoặc báo hiệu khác dành cho người đi bộ, người lái xe phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường. Không chỉ vậy, ngay tại nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người lái xe cũng phải quan sát, nếu thấy người đi bộ hoặc xe lăn của người khuyết tật đang qua đường hoặc có tín hiệu qua đường thì phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua.
Tại một số nước phát triển, việc nhường đường cho người đi bộ được coi là một nguyên tắc quan trọng trong điều khiển phương tiện và được nhấn mạnh trong quá trình dạy và đánh giá lấy bằng lái xe. Một người lái xe nếu như không nhường đường cho người đi bộ (trong thực tế khi đi đường trường) tại Pháp hay Đức có thể bị đánh trượt hoặc coi như không đủ điều kiện tham gia thi lấy bằng lái xe.
Tại Việt Nam, chúng ta cũng đã được nghe, chứng kiến nhiều hình ảnh đẹp về văn hóa nhường đường cho người đi bộ. Đó là hình ảnh một chiếc xe bus đã dừng lâu hơn so với tín hiệu, để đợi một cụ già sang đường; Là hình ảnh người cảnh sát giao thông dắt người già qua đường; Là hình ảnh những bạn sinh viên trẻ vui vẻ, lễ phép đưa người già qua các ngã ba, ngã tư; Là hình ảnh những người điều khiển ô tô, xe máy dừng đúng vạch quy định, đi đúng tín hiệu đèn báo, để nhường đường cho người đi bộ. Vì thế, cùng với việc luật hóa quy định nhường đường cho người đi bộ, tin rằng, những hình ảnh đẹp ấy sẽ được nhân rộng, lan tỏa hơn nữa, để văn hóa nhường đường ăn sâu vào trong hành động, thói quen hàng ngày của người tham gia giao thông.
Chiến sĩ cảnh sát giao thông giúp đỡ người già qua đường |
Pháp luật nghiêm minh
Việc nhường đường cho người đi bộ là hành động văn minh, vô cùng cần thiết. Thế nhưng, thực tế, có nhiều trường hợp người đi bộ cố tình vi phạm luật, sang đường bất chấp thì vẫn cần phải có những chế tài mạnh mẽ hơn để đủ sức răn đe.
Anh Nguyễn Văn Hiến (31 tuổi, ở Khu đô thị Kiến Hưng, Hà Nội) cho rằng, quy định về nhường đường cho người đi bộ, người yếu thế là rất cần thiết. Điều này thể hiện sự văn minh, đề cao sự an toàn của người đi bộ. Tuy nhiên, mật độ phương tiện tham gia giao thông tại các trục đường chính tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh thường đông đúc, việc giảm tốc độ bất ngờ có thể không đảm bảo an toàn, các xe phía sau bị khuất tầm nhìn dễ gây tai nạn. Các đơn vị nên nghiên cứu thêm ở điểm này để điều chỉnh thực sự phù hợp. Có thể tính toán bổ sung quy định chỉ nên nhường đường tại một số tuyến đường như trong khu dân cư, tuyến đường giới hạn tốc độ.
"Có lần, tôi lái ô tô trên đường thì bất ngờ thấy hai phụ nữ băng qua đường. Không có đèn tín hiệu nhưng tôi vẫn chủ động giảm tốc nhường đường. Thế nhưng do tôi phanh gấp nên hai xe ô tô đi phía sau tông vào phía sau xe tôi. Trong những trường hợp này mà không quy định chặt chẽ có thể rối loạn giao thông, tạo ùn tắc, tai nạn giao thông", anh Hiến băn khoăn.
Theo Luật Giao thông đường bộ, vi phạm của người đi bộ không chỉ bị xử lý hành chính mà còn có thể bị xử lý hình sự nếu là nguyên nhân gây tai nạn giao thông nghiêm trọng. Đơn cử, vào cuối năm 2009, Tòa án Nhân dân huyện Mỹ Hào (Hưng Yên) đã tuyên phạt bị cáo N.T.D (sinh năm 1990, trú tại huyện Văn Lâm) mức án 9 tháng tù (cho hưởng án treo) và 18 tháng thử thách bởi hành vi cản trở giao thông. Cụ thể, N.T.D đã trèo qua hàng rào phân cách để qua đường, khiến cho người điều khiển xe mô tô không kịp xử lý, đâm vào lề đường, tử vong. Đây là vụ xét xử hiếm hoi về vi phạm của người đi bộ suốt những năm qua.
Nhiều người vi phạm bị Cảnh sát giao thông chặn lại vẫn tỏ ra ngơ ngác không biết vì sao |
Đáng nói rất nhiều người dân không hề biết rằng, hành vi đi bộ sai quy định có thể bị xử phạt, thậm chí xử lý hình sự. Một lần, khi người viết ngăn cản một người phụ nữ trung niên sang đường sai quy định tại ngã tư Thạch Bàn giao Quốc lộ 5, người phụ nữ này liền quay lại và đáp: “Ôi giời, họ phải nhìn chứ, đâm vào mình thì phải đền, phải đi tù. Lo gì?”.
Theo chuyên gia giao thông Phan Lê Bình, người dân có thói quen đi bộ qua đường một cách tuỳ tiện, một phần là vì không bị xử phạt khi vi phạm và khi tai nạn giao thông xảy ra hiếm khi bị quy trách nhiệm.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học Giao thông vận tải nhận định, dù Luật Giao thông đường bộ đã quy định quy tắc giao thông dành cho người đi bộ và Nghị định 100/2019/NĐ-CP cũng đã quy định mức xử phạt đối với hành vi vi phạm giao thông của người đi bộ nhưng đến nay, thực tế Luật vẫn chưa đi vào được cuộc sống. Người dân có thể biết nhưng chưa nắm được các quy định cụ thể trong Nghị định này. Quan trọng hơn, việc xử phạt các trường hơp vi phạm chưa nhiều, dẫn đến tính hiệu lực của quy định không cao. Điều này có thể xuất phát từ việc lực lượng cảnh sát giao thông còn mỏng và phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Thêm vào đó, tình trạng vi phạm có thể quá phổ biến và diễn ra trên phạm vi rộng dẫn đến việc xử phạt gặp nhiều khó khăn, bỏ sót.
Đại diện Ban An toàn giao thông TP Hà Nội cũng cho biết, nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ trên địa bàn chủ yếu do ý thức của một bộ phận người dân khi đi bộ, không chú ý quan sát, sang đường không đúng quy định, không đi vào làn đường, cầu vượt hay hầm chui dành cho người đi bộ mà băng cắt qua dòng giao thông đông đúc của đường phố Hà Nội.
Vì vậy, đã đến lúc, chúng ta cần có những chế tài xử phạt cũng như những biện pháp cứng rắn hơn trong xử lý người đi bộ vi phạm an toàn giao thông, giống như cách chúng ta xử phạt vi phạm nồng độ cồn thời gian qua.
Đặc biệt, trong các vụ va chạm, cần xác định rõ lỗi của người đi bộ khi qua đường (nếu có) để từ đó đưa ra các hình phạt phù hợp, tránh tư tưởng người điều khiển phương tiện cơ giới luôn phải đền cho người đi bộ.
Theo chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình, cần xử phạt thật nghiêm đối với hành vi qua đường không đúng quy định của người đi bộ. Quy định ban hành nhưng không xử phạt thì không ai quan tâm. Thậm chí, với những trường hợp lấy lý do không có giấy tờ, không có tiền nộp phạt cần áp dụng thêm chế tài tạm giữ tại công an phường cho đến khi nộp phạt hoặc gọi người nhà đến nộp phạt thì được ra về.
Đối với những vụ tai nạn mà người đi bộ là nguyên nhân chính gây ra, cần quy trách nhiệm 100% đối với người đi bộ. Thậm chí nếu phương tiện xe máy, ô tô đâm phải bị hư hỏng, lái xe máy, ô tô bị thương tích, người đi bộ cũng cần phải bồi thường. Cần xử nghiêm như vậy, người dân mới có ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ khi đi bộ sang đường.
Xây dựng bằng được văn hóa giao thông
Không phải ngẫu nhiên mà chủ đề xuyên suốt 2 năm qua trong chương trình Hưởng ứng năm an toàn giao thông do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phát động đều liên quan đến văn hóa giao thông. Điều đó cho thấy sự coi trọng của chính quyền, cũng như sức nặng của văn hóa giao thông trong các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông nói chung, an toàn giao thông đường bộ nói riêng. Bởi dù có dùng biện pháp gì, cách thức ra sao thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là ý thức, văn hóa tham gia giao thông của người dân.
Giúp đỡ người già qua đường - nét đẹp trong văn hóa giao thông |
Theo Thạc sỹ Nguyễn Thanh Tuấn, Học viện Hành chính Quốc gia, xây dựng và hoàn thiện văn hóa giao thông là một quá trình lâu dài. Khi đã xây dựng và hoàn thiện văn hóa giao thông, nó sẽ trở thành biện pháp hữu hiệu nhất trong việc đảm bảo trật tự và an toàn giao thông.
“Trật tự và sự an toàn khi tham gia giao thông chỉ có thể có được khi các cá nhân có ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông. Văn hóa giao thông luôn tác động một cách trực tiếp đến ý thức của người tham gia giao thông”, ông Nguyễn Thanh Tuấn nói.
Tuy nhiên, để hình thành và duy trì nếp văn hóa giao thông, xây dựng văn hóa giao thông, ngoài trách nhiệm của các cơ quan quản lý, trách nhiệm của người thực thi công vụ về giao thông, việc chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và hành vi ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông là một trong các nội dung quan trọng nhất, có tính quyết định trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông.
“Văn hóa giao thông thôi thúc con người từng bước khắc phục sự thờ ơ, vô cảm với những người yếu thế, những người cần được giúp đỡ trong những hoàn cảnh giao thông cụ thể,” ông Nguyễn Thanh Tuấn đúc kết.
Công an huyện Đông Anh (Hà Nội) tập huấn kỹ năng về an toàn giao thông cho học sinh Trường THCS Mai Lâm |
Theo TS. Lê Thu Huyền (Trường Đại học Giao thông vận tải), phần lớn các nước trên thế giới đều có quy định nghiêm ngặt kiểm soát một số hành vi có nguy cơ cao dẫn tới TNGT. Tại hầu hết các quốc gia thực hiện thành công việc kiểm soát các hành vi vi phạm đều có điểm chung là: Quy định pháp luật cụ thể, chi tiết cho từng hành vi; Thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục; Xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm.
“Để thay đổi hành vi của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa tham gia giao thông đúng mực và an toàn, cần áp dụng đồng bộ các giải pháp. Từ đó, cho phép thay đổi nhận thức và thói quen của người tham gia giao thông”, TS. Lê Thu Huyền nhấn mạnh.
Đồng ý rằng, việc xây dựng văn hóa giao thông là một vấn đề khó, cần một quá trình lâu dài, bền bỉ. Thế nhưng, không phải là không làm được; Thực tế, rất nhiều lần khi triển khai một điều luật mới, một chương trình, hành động xã hội đến người dân không thành công, người ta thường dùng từ “thiếu ý thức” để chỉ trích. Nhìn nhận một cách khách quan, việc truyền tải thông điệp của cơ quan chức năng đến người dân đã thực sự hiệu quả? Nếu các biện pháp “truyền” không đúng, người dân không “thông”, không hiểu thì làm sao được?
Giống như việc tuyên truyền đội mũ bảo hiểm. Cách đây khoảng chục năm, ra đường không ai đội mũ bảo hiểm cả. Họ sợ xấu, sợ nặng đầu và coi đội mũ bảo hiểm như “đội nồi cơm điện”. Đến khi công tác tuyên truyền đúng hướng, tư tưởng người dân được thông, họ hiểu được tác hại cũng như lợi ích của việc đội mũ bảo hiểm rồi mỗi người chủ động “đội nồi cơm điện” lên đầu. Cũng giống như thế, nội dung và cách thức tuyên truyền về văn hóa giao thông đường bộ cũng cần được triển khai bài bản, linh hoạt, sinh động.
Nhìn nhận ở góc độ khác, đơn giản, thuần túy hơn thì văn hóa giao thông không phải là một khái niệm trừu tượng hay việc gì quá xa vời, đó đôi khi chỉ đơn giản là việc chúng ta chấp hành đúng quy định của pháp luật về an toàn giao thông thì bạn đã là người có văn hóa khi tham gia giao thông rồi. Vậy tại sao chúng ta không lựa chọn tuân thủ pháp luật giao thông để trở thành người có văn hóa và trên hết là để tính mạng của bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội được an toàn?.
Kiên quyết xử lý tình trạng rào chắn gây ùn tắc giao thông Đảm bảo an toàn giao thông Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV Hơn 8.800 vi phạm trật tự đô thị, an toàn giao thông bị xử lý |