Dịch vụ OTT xuyên biên giới: Mối nguy lớn nếu không được kiểm soát chặt chẽ
Vi phạm của nhiều “ông lớn”
Thời gian gần đây, ứng dụng hay dịch vụ OTT (Over-The-Top) là thuật ngữ được sử dụng nhiều trong cung cấp nội dung chương trình trên không gian mạng internet, được xem là nền tảng công nghệ mới của thế giới. Dịch vụ OTT cung cấp nội dung, thực chất là các video chương trình, phim ảnh... được đóng gói và phát trên các ứng dụng OTT cũng giống như các kênh truyền hình truyền thống cung cấp nội dung chương trình.
Tuy là xu thế công nghệ mới nhưng hầu hết các đơn vị nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT xuyên biên giới không đăng ký cấp phép, có máy chủ đặt tại nước ngoài. Nội dung không qua kiểm duyệt, xuất hiện đầy rẫy hình ảnh kích động bạo lực, khiêu dâm, thậm chí xuyên tạc, phản động, chống phá, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Nhiều đơn vị OTT xuyên biên giới lại nằm ngoài vòng kiểm duyệt, chứa nhiều nội dung thô tục, bạo lực và vi phạm pháp luật Việt Nam (Ảnh minh họa) |
Đơn cử như nền tảng YouTube vẫn chứa nhiều nội dung xấu, độc, nhảm nhí, khiêu dâm, bạo lực, cờ bạc… Nguyên nhân do cơ chế kiểm duyệt của YouTube phụ thuộc vào hậu kiểm dẫn đến việc các clip vi phạm sau khi bị gỡ bỏ thì người dùng vẫn có thể dễ dàng đăng tải và YouTube cũng không có biện pháp ngăn chặn người dùng đăng lại những clip vi phạm đã bị bóc gỡ theo yêu cầu của cơ quan quản lý.
Bên cạnh đó, YouTube còn cho phép bật tính năng suggest (đề xuất) cho những kênh, clip xấu độc, khiến các nội dung xấu độc dù chiếm tỷ lệ rất nhỏ (0,1%) nhưng lại bị phát tán, lan truyền mạnh mẽ trên nền tảng này.
Một ông lớn khác rất phổ biến với người dùng Việt Nam là Facebook cũng có liên quan tới những vi phạm về quảng cáo và trốn thuế. Cụ thể, trong năm 2018, mức độ chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam ước đạt 550 triệu USD, trong đó Facebook chiếm đến gần 50% (235 triệu USD). Tuy nhiên, mạng xã hội lớn nhất hành tinh này vẫn trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế tại Việt Nam.
Ngoài ra, Netflix và nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ OTT nước ngoài khác như Amazon, Iflix, Tiktok… vẫn tồn tại nhiều nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam. Tiêu biểu trong đó, Netflix là đơn vị lâu đời (xuất hiện từ năm 1997), có phạm vi hoạt động phổ biến trên nhiều quốc gia, thư viện nội dung phong phú, có hỗ trợ nhiều ngôn ngữ (trong đó rất nhiều nội dung có phụ đề Tiếng Việt), video với chuẩn chất lượng 4K... nhưng, một số phim được trình chiếu trên Netflix có nội dung vi phạm pháp luật của Việt Nam như đã đề cập.
Giải pháp nào cho cạnh tranh sạch và an toàn đối với người tiếp nhận?
Có thể thấy, thời gian qua, dịch vụ OTT trực tuyến xuyên biên giới tại Việt Nam đang rơi vào tình trạng mất kiểm soát, tiềm ẩn nguy cơ các thế lực thù địch lợi dụng để xuyên tạc, đăng tải thông tin tiêu cực, rất nguy hiểm đối với người tiếp nhận. Tuy vậy, hiện nay nước ta vẫn chưa có khung pháp lý liên quan đến việc cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phù hợp để điều tiết hài hòa; Hay bất cập về việc cấp phép, quản lý kiểm soát nội dung dẫn đến các đơn vị trong nước vẫn đang phải chịu sự cạnh tranh bất bình đẳng do phải tuân thủ quy định pháp luật trong nước, trong khi các đơn vị nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT xuyên quốc gia lại không chấp hành...
Do đó, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (gọi tắt là VNPayTV) đã nhiều lần gửi công văn kiến nghị tới Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, đề nghị xem xét, có chủ trương và các biện pháp kịp thời nhằm ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam của các nhà cung cấp OTT trực tuyến xuyên biên giới đã, đang xâm nhập tại Việt Nam.
Ảnh minh họa |
Theo đó, VNPayTV đưa ra kiến nghị chưa thực hiện việc cấp phép các đơn vị nước ngoài hoạt động xuyên biên giới khi chưa hội đủ các điều kiện về công tác quản lý, kiểm soát, kiểm duyệt, biên tập, biên dịch nội dung chương trình theo quy định Luật Báo chí Việt Nam nhằm đảm bảo yêu cầu cao nhất về bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, an ninh thông tin truyền thông trên không gian mạng Internet. Đồng thời, tạo nên sự công bằng trong cạnh tranh đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung chương trình truyền hình, truyền thông, viễn thông trong nước, tránh tình trạng “bảo hộ ngược” (các đơn vị trong nước thì đang phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định Luật Báo chí còn các đơn vị nước ngoài thì không phải tuân thủ hoặc thả lỏng).
VNPayTV cho rằng, các đơn vị nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT trực tuyến xuyên biên giới trên lãnh thổ Việt Nam phải thực hiện thủ tục về đăng ký cấp phép hoạt động theo quy định và tất cả nội dung trước khi cung cấp tại Việt Nam phải thông qua khâu biên tập, biên dịch, kiểm duyệt đúng theo quy định Luật Báo chí, Luật Điện ảnh nhằm đảm bảo quản lý Nhà nước chặt chẽ về nội dung chương trình truyền hình, nội dung phim ảnh giống như các đơn vị cung cấp dịch vụ OTT trong nước.
Ngoài ra, VNPayTV kiến nghị cần phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật kèm theo chế tài đủ mạnh để kiểm soát việc tuân thủ các quy định về kiểm duyệt nội dung theo Luật Điện ảnh và Luật Báo chí đối với tất cả các phim, chương trình truyền hình được các tổ chức nước ngoài cung cấp thông qua dịch vụ ứng dụng viễn thông xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam.
Trả lời báo chí, ông Đinh Công Sỹ, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, giải pháp đầu tiên là hoàn thiện pháp luật theo hướng có các quy định thích ứng được với sự phát triển của các tác phẩm văn hóa trên nền tảng số.
Cùng với đó, ông Sỹ cho rằng cũng cần phải có sự hợp tác quốc tế như giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, các tập đoàn, doanh nghiệp… hoạt động trong lĩnh vực văn hóa trên không gian mạng, bao gồm cả các tập đoàn, tổ chức và cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa của nước ngoài.
“Thông qua cơ chế hợp tác kịp thời xóa bỏ hoặc có các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn tái phạm khi có vi phạm cho dù đối tượng vi phạm ở nước ngoài”, ông Sỹ nêu quan điểm.