Điểm sáng trong công tác Mặt trận Thủ đô
Lấy "dân là gốc", là trung tâm trong triển khai hoạt động Mặt trận Đề xuất tăng phụ cấp đối với Trưởng ban công tác Mặt trận Vị thế của Mặt trận phải tiếp tục được khẳng định, nâng cao |
Nét đẹp văn hóa truyền thống trong cộng đồng dân cư
Sau gần 20 năm triển khai, đến nay, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức tại các khu dân cư trên địa bàn TP Hà Nội vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam hằng năm (18 /11) đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống, tạo không khí đoàn kết, phấn khởi vui tươi; góp phần gắn kết đồng bào, phát huy sức mạnh của cộng đồng dân cư, tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên với Nhân dân.
Việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn TP cũng thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp quan trọng, tạo nên những thành tựu kinh tế xã hội của Thủ đô trong 20 năm qua.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng trờ chuyện cùng người dân tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc của Thôn Vang, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh |
Kinh tế Thủ đô phát triển nhanh, bền vững: Giai đoạn 2011-2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,83%/năm (gấp 1,15 lần mức tăng chung của cả nước); tỷ lệ hộ nghèo TP còn 0,095 %; xây dựng Nông thôn mới, đạt được nhiều kết quả tích cực với 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn Nông thôn mới, 111 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu. Chất lượng đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao; an sinh xã hội được đảm bảo.
Qua rất nhiều khó khăn, thử thách, đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thủ đô bình an, tiếp tục phục hồi, phát triển, là minh chứng rõ nét trong việc thực hiện quan điểm đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân.
Việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành là một trong những điểm sáng công tác Mặt trận Thủ đô giai đoạn 2003 - 2023. Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước ban hành Kế hoạch liên tịch giữa Ủy ban MTTQ TP và UBND TP, tạo điều kiện về cơ sở vật chất và kinh phí để tổ chức Ngày hội một cách thiết thực, sáng tạo, hiệu quả tại 100% khu dân cư.
Hơn 23 nghìn khu dân cư tổ chức “Bữa cơm đại đoàn kết”; biểu dương 172.478 tập thể và 613.211 hộ gia đình và cá nhân tiêu biểu trong thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động.
Thông qua Ngày hội cũng đã phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư, từng gia đình trong thực hiện cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, đóng góp sức người, sức của, xây dựng Nông thôn mới, đời sống văn hoá, nếp sống văn minh; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Các danh hiệu văn hóa được giữ vững và phát huy, tỷ lệ “Gia đình văn hoá”, Tổ dân phố, Khu dân cư văn hoá, ngày càng tăng cả về số lượng, chất lượng.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân ngày càng được tổ chức phong phú, sinh động, thu hút đông đảo người dân tham gia |
Coi việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết là nhiệm vụ chung
Qua 20 năm duy trì tổ chức cho thấy, Ngày hội đã phát huy tình đoàn kết, nghĩa đồng bào trong mỗi cộng đồng dân cư, giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Nhân dân tích cực hưởng ứng ủng hộ các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Cứu trợ”, “Vì biển, đảo Việt Nam”, Quỹ “Vì người nghèo”. Đã có 4.385 Công trình dân sinh được xây dựng; 9.978 nhà đại đoàn kết được xây mới, 3.940 nhà đại đoàn kết được sửa chữa, trong đó có 5.878 nhà đại đoàn kết được trao tặng trong dịp diễn ra Ngày hội.
Đặc biệt, tại nhiều địa phương Mặt trận các xã, nhất là Ban công tác Mặt trận thôn đã năng động, sáng tạo trong lan tỏa ý nghĩa ngày hội đến từng gia đình, khơi dậy sự chung tay, góp sức của các tầng lớp Nhân dân tham gia xây dựng các công trình phúc lợi.
Những kết quả mang lại từ Ngày hội đại đoàn kết toàn dân giai đoạn 2003 - 2023 đã cho thấy sự quan tâm của hệ thống chính trị TP, coi đây là kênh quan trọng để phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trong tham gia xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền.
Các đồng chí lãnh đạo từ Trung ương, TP đến quận, huyện, xã, phường tham dự ngày hội đại đoàn kết ở các khu dân cư chính là dịp trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, thể hiện phong cách người cán bộ “gần dân, học dân, trọng dân, có trách nhiệm với dân”, đổi mới, nâng cao hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân. Qua đó động viên tinh thần, cổ vũ Nhân dân vượt qua khó khăn, thách thức, chung sức xây dựng phát triển Thủ đô.
Các đồng chí lãnh đạo từ Trung ương, TP đến quận, huyện, xã, phường tham dự ngày hội đại đoàn kết ở các khu dân cư là dịp trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân |
Bên cạnh những kết quả trên, việc tổ chức triển khai Ngày hội có nơi còn chưa linh hoạt, sáng tạo; công tác tham mưu, đề xuất, phối hợp thực hiện có nơi chưa chặt chẽ; chất lượng tổ chức chưa đồng đều giữa các địa phương, khu dân cư; một số nơi còn hình thức, chưa thu hút được đông đảo người dân tham gia.
Ủy viên trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các cấp ủy, chính quyền và Mặt trận các cấp có giải pháp khắc phục những hạn chế; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, tổ chức thực hiện tốt các chủ trương của Đảng về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để tổ chức có hiệu quả Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư.
Từ những bài học kinh nghiệm đúc rút, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy đề nghị, các cấp ủy đảng, chính quyền TP Hà Nội tiếp tục quan tâm chỉ đạo để các cấp, ngành, đoàn thể phối hợp cùng MTTQ, coi việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết là trách nhiệm, nhiệm vụ chung chứ không phải là nhiệm vụ riêng của Mặt trận.