Đọc truyện Kiều ngẫm chuyện Thúy Lan
Theo nhà thơ Hồng Vinh: Lúc ấy do điều kiện thời gian sát sao vì công tác quản lý, tôi chưa có điều kiện đọc kỹ, nhưng vẫn quý trọng sự nhiệt tình và đức khiêm tốn của Lê Hữu Bình, tôi đã gửi thư cho anh với những ý đóng góp mang tính tổng quát.
Thời gian trôi đi, cho đến năm 2017 Lê Hữu Bình đến thăm tôi tại nhà riêng và tặng tôi Truyện thơ Thúy Lan gồm 175 trang (khổ 13x21cm). Lần tái bản này với số lượng 1.000 cuốn do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Tôi càng nể trọng bởi vì biết đây là lần tái bản thứ 6 (3 lần trước do Nhà xuất bản Thanh niên, 2 lần do Nhà xuất bản Văn Học), là những người yêu mến thi ca qua hiện tượng đó cũng lý giải được vì sao bạn đọc lại thích truyện lần 6 Thúy Lan đến vậy.
Xuân Quý Mão này, tôi dành thời gian đọc kỹ truyện thơ Thúy Lan và liên hệ với hình tượng Thúy Kiều của Nguyễn Du đã phát hiện sự tương đồng cũng như sự khác biệt qua việc miêu tả hình tượng người phụ nữ Việt Nam…
Một Thúy Kiều với tài sắc vẹn toàn bị xã hội phong kiến vùi dập đủ bề, còn nay một Thúy Lan trọn vẹn sắc - tâm - tài nhưng cũng bị những kẻ cuồng sy tham lam đố kỵ, tìm mọi cách đẩy Thúy Lan vào tù tội oan khiến người đọc xót thương khôn xiết đến mức phải ra pháp trường tử hình về tội tham nhũng, hỏi còn đau xót nào hơn.
PGS.TS Hồng Vinh (thứ 4 bên phải) cùng các nhà thơ, nhà văn nhà phê bình văn học cùng vợ chồng tác giả bên phải |
Tôi muốn nói vài nét về tác giả: Được biết Lê Hữu Bình sinh 8/12/1951 ở Hoàng Học, Đông Hoàng, Đông Sơn, Thanh Hóa. Lớn lên đi học, luôn học giỏi, đặc biệt về văn. Năm 1964, từng đạt học sinh giỏi văn lớp 4 của huyện Đông Sơn. Giờ văn lớp 7, nghe thầy giới thiệu về sắc đẹp của nàng Kiều (truyện Kiều), tác giả rất quý phục Nguyễn Du, thầm ước lớn lên cũng viết được tác phẩm về người con gái Việt Nam đẹp không thua kém Thúy Kiều (dẫu đó là ước mơ hão và rồ dại như tác giả bộc bạch).
Năm 1968 học xong lớp 8, tác giả nhập ngũ rồi vào chiến đấu ở Trường Sơn, vào Nam ra Bắc liên tục cho đến 2005, Lê Hữu Bình về hưu với hàm Đại tá.
Nghỉ ngơi, ông có thời gian nghiền ngẫm và tự sáng tác nên Truyện thơ Thúy Lan dài 8 chương với 4.248 câu lục bát nói về sắc - tâm - tài của Thúy Lan người con gái Việt Nam ta, khiến bạn đọc ngưỡng mộ và nể phục.
Trở lại nội dung truyện thơ xin tạm dẫn ra mấy đoạn về sắc đẹp của Thúy Kiều và Thúy Lan. Đúng là Kiều đẹp đến chim sa cá lặn, hoa thẹn nguyệt mờ. Dân ta nhiều người biết, hầu như đã thuộc những câu thơ hay bậc nhất này của Nguyễn Du trong truyện Kiều:
…Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da
Kiều càng sắc sảo mặn mà
Xem bề tài sắc lại là phần hơn
Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh
Một hai ngiêng nước nghiêng thành
Sắc đành đò một tài đành họa hai…
… Rõ màu trong ngọc trắng ngà
Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên… (Kiều đi tắm)
Còn trong Truyện thơ Thúy Lan, tác giả mô tả người con gái Việt Nam chúng ta ở thời hiện đại. Xin được trích 2 đoạn ngắn: Đoạn tác giả tả, lúc Tổng giám đốc Phi Hổ ân ái với Thúy Lan, các đường nét của chị được chiêm ngưỡng mồn một:
… Vẫn còn khép góc giấu… nơi
Cành xuân gấu trúc róc tơi gọng kìm.
Ôi cha kiệt tác có tim
Một tòa nõn ngọc lịm lìm ngất ngây.
Thớ xuân lượng giữa bồng lai
Tinh hồng(1) chuốt dọc hương nhài thoa ngang
2409. Đường cong uyển dẻo mịn màng
Gờ thu mỏn mẻn ngậm trăng cận vành
Lạch đào non nõn mướt xanh
Song trâm(2) tuyết khảm, ngà trành thẳng thuôn.
Một, ba(3) vòng nở căng tròn
Phần nghiêng rỏ bóng khát mòn mắt mơ
Lim dim mi khép đẫn đờ...
Đoạn Thúy Lan đi Trung Quốc có công chuyện. Giữa buổi vui gặp mặt, các anh chị em Trung Hoa hết lời ca ngợi sắc đẹp mê hồn của Thúy Lan người con gái Việt chúng ta:
2269. Nét như mây nếp đầu cơn
Êm đềm mặt nước hoàng hôn rỗi chờ
Mỏng làn da mịn mê mơ
Đào hồng lên má mày gờ liễu xiêu
Diệu kỳ thay, tụ đủ điều
Ánh lồng trong nguyệt dáng chiêu dụ trời.
Lan chừng bẽn lẽn bồi hồi
Nhoẻn cười duyên chút sơn sôi thủy trầm.
Xưa nay tiếng bạn nghe thâm
Một lời là một khó nhầm lắm nao...
(1) Dùng sản xuất nước hoa cao cấp (2) Cặp đùi hai bên của (3) Vòng đo của Thúy Lan.
Tác giả Lê Hữu Bình chia sẻ về truyện thơ Thuý Lan trên VTV1 |
Tôi lại đọc kỹ đoạn thơ Nguyễn Du tả nỗi ghen của Hoạn Thư: Xem kỹ Kiều thì ai cũng thừa nhận cái ghen của Hoạn Thư là ghê gớm nhất. Lúc thì bà ta buộc Kiều gảy đàn hành hạ chồng Thúc Sinh, khi bà ta lại cho vả miệng bẻ răng những kẻ thị phi đàm tiếu Thúy Kiều như là vợ bé của chồng mình.
Một hành động giả vờ trong khi bà ta “đi guốc trong bụng” chàng Thúc đang say đắm Kiều như điếu đổ. Nguyễn Du đã mô tả rất hay tâm trạng của Hoạn Thư sám hối Kiều khi Thúy Kiều đang được cơ trả thù như sau:
… Rằng: "Tôi chút phận đàn bà,
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình.
Nghĩ cho khi các viết kinh,
Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo.
Lòng riêng riêng những kính yêu,
Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai.
Trót đà gây việc chông gai,
Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng".
Còn đây là đoạn ghen của cô Hiền thư ký (trích trong truyện thơ Thúy Lan). Hiền rất yêu Giám đốc Gâm Lang nhưng Gâm lại một mực yêu Thúy Lan bởi SẮC- TÂM- TÀI của Thúy Lan vượt xa Hiền, rất nhiều. Ban đầu Hiền còn mồi chài ve vãn thả dê Lang quân, biết khi không được sếp chấp nhận. Ả tự ty, tự trách mình: Vầng dương ngà ngọc, người ta/ Đây, vành trăng vẹt mờ xa cuối trời.
…Lang chừng ngắm cảnh trông mây
Hồn nghe da diết gửi say chốn nào?
Hiền càng phấp phỏm cồn cào
Đã lâu muốn gửi lòng vào Tổng Gâm.
779. Định tìm một chỗ cá tăm
Thả găm một bóng chim ngâm ý đồ.
Lạnh lùng Gâm cứ tỉnh bơ
Đằng soi soi nguyệt mảng mơ chân trời.
Hiền mong hè nóng chợt sôi
Vào cầu buông thả, lả lơi tức thì
Bao lần dử dứ bóng bay
Song thu cài lỏng đường mây để hờ
Gió là gió chẳng kiếm cơ
Ả đành lướt lẹ tay chờ Gâm Lang
789. Dẫn dần vào thế nóng căng:
Anh Gâm em đã… mặc chàng chàng ơi!
Ngại lời ra khó lắm thôi
Bữa nay có mặt trăng trời- tín ngôn.
Hiền run hồi hộp bồn chồn
Vẫn mong lồng trói nụ hôn của chàng.
Rút tay nhìn thẳng, Gâm Lang
Mà thương mà tội mà nàng giúp ta:
Hiền em thư ký đã đà
Bút thêu nối mực những là chung riêng.
799. Từng che gió trái mưa nghiêng
Đành cờ bên điếm trống chiêng bên đình.
Gục bàn hai mắt long lanh
Trùm lên thất vọng Hiền đành nói ra:
Vầng dương ngà ngọc người ta
Đây, vành trăng vẹt mờ xa cuối trời...
Dẫn ra 2 đoạn cảnh, tiêu biểu với những tình huống na ná nhau, tôi muốn nhấn mạnh một điều: Lê Hữu Bình có cách sáng tạo riêng không hề lặp lại một câu từ nào của Nguyễn Du. Đọc hết truyện thơ Thúy Lan, ta càng hiểu thêm về người phụ nữ Việt Nam ở thời hiện đại.
Tác phẩm toát lên sự bươn trải và vươn tới của người phu nữ nước ta, không cam chịu nghèo khó biết làm chủ cuộc đời bằng mọi cách làm ra nhiều của cải vật chất cho xã hội để cưu mang những mảnh đời bất hạnh với trái tim nhân ái yêu thương của Thúy Lan. Tác phẩm cũng phê phán một số cán bộ công quyền tiểu sắc…
Lãng quên việc công, sống sa đọa thỏa mãn dục vọng cá nhân, tìm thủ đoạn vơ vét của cải của nhân dân, đã và đang bị pháp luật trừng trị.
Tôi gập sách lại và suy ngẫm vì sao Truyện thơ Thúy Lan có sức thẩm thấu nhiều lớp người ở nhiều vùng đất? Tôi đọc kỹ 171 bình luận trên mạng cùng những dòng thư tay của một số vị có trọng trách trên lĩnh vực văn học nghệ thuật.
Bìa truyện thơ Thúy Lan |
Đây là ý kiến của nhà thơ Hữu Thỉnh nguyên Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam: “Hàng ngàn câu thơ tài hoa hay thế, hay quá đi mất”. Còn nhà báo nhà thơ PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh- Nguyên Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương: Hồng Vinh hầu như giành toàn bộ thời gian đọc Thúy Lan và những lời ngợi khen của nhiều người.
Nồng nhiệt chúc mừng sự lao động đầy sáng tạo của anh đã làm nên trái ngọt, được bạn bè sẻ chia sâu sắc. Tôi đặc biệt xúc động và trân trọng anh khi đọc lời kể về cuộc sống thời niên thiếu của anh và gia đình. “Đất nghèo nuôi những anh hùng”, nuôi hồn thơ đằm thắm, nhân văn, truyền lửa yêu thương con người và cuộc sống..!
Nhà thơ nhà phê bình văn học (PBVH) Hoàng Đạt – Nguyên BCH CLB thơ FB Việt Nam: Thật tuyệt vời, một ngòi bút sắc sảo, kỹ lưỡng đến từng câu chữ, chấm phẩy. Sự nghiêm túc trong nhận định và sự bao quát, từng trải, hiểu thấu lẽ đời đã làm nên ý tứ thăng hoa. Thúy Lan là một truyện thơ lục bát 4.248 câu, một tác phẩm đồ sộ đúng nghĩa...
Tầm tư tưởng, giá trị nhân văn; Tính thời đại… hội tụ đủ trong một cốt truyện hấp dẫn, mạch lạc. Truyện Thúy Lan thể hiện một cây bút xuất sắc hiếm có. Thúy Lan và Thúy Kiều mỗi người một vẻ. Ta không so sánh vì hai truyện ở hai thời điểm lịch sử khác nhau, nhưng mỗi tác phẩm luôn là tấm gương phản chiếu thời đại, trung thực.
Trung tâm vẫn là số phận con người... Đủ vị ngọt bùi cay đắng, đủ màu đen trắng, đủ sắc cầu vồng. Điều quan trọng nhất vẫn là khi gập sách lại, điều gì còn đọng trong ta, điều gì vang vọng trên thinh không... Thôi thúc ta làm ta khóc cười...
Chúng ta hãy đọc chậm truyện Thúy Lan và suy ngẫm, sẽ thấy nhiều điều thú vị, sẽ thấy những điều không có trong câu chữ mà tác giả gửi gắm. Nhà PBVH Nguyễn Xuân Hiến: “Với những cảm xúc siêu phàm và ngòi bút thần kỳ của tác giả đã khắc họa nên Thúy Lan một đại mỹ nhân mà từ trước đến nay không một đại mỹ nhân nào sánh nổi...
Giá như mỗi làng Việt Nam, mỗi trường học mỗi cơ quan đều có một cuốn truyện thơ Thúy Lan, thiết nghĩ chúng ta càng tự hào về dân nước mình hơn”.
Nhà thơ nhà giáo Phạm Thị Thương Hợp viết trên FB của trang thơ Quốc tế: Tôi là một người cầm bút đã hơn 30 năm nay ...! Đã từng là giảng viên văn chương cho trường Đại học Văn tổng hợp Hà Nội... Đã từng viết rất... rất nhiều những bài thơ lục bát... Nhưng để viết một bài thơ lục bát hay thì không hề dễ chút nào.
Xưa nay truyện thơ lục bát thì ngoài cụ Nguyễn Du ra... chưa có một tác giả nào dám qua mặt... Hay nói đúng hơn không ai dám cầm bút mài mực mà đọ với Cụ...! Nhưng quả là: Hậu sinh khả úy (Đây là câu nói của Khổng Tử)... Tác giả Lê Hữu Bình đã làm được điều không tưởng này...
Tôi phải viết vậy... bạn đọc mới thấy rằng tài năng của anh là tài sản của Quốc gia. Xin các anh chị và các bạn hãy tìm đọc Thúy Lan, thì sẽ kiểm chứng được những điều mà Phạm Thị Thương Hợp ... nhận xét ở đây.
Lan Lê - Chủ nhiệm trang FB Đất Tổ: Lê Hữu Bình anh! Em không chỉ đọc mà đang thưởng thức Thúy Lan truyện thơ của anh trong sự cảm phục và đam mê. Em cảm ơn anh Xuân Hiến cho em cơ hội gặp anh. Em cảm ơn anh đã tặng đời tác phẩm thơ bất hủ. Em chúc anh luôn vui và hạnh phúc!
Tặng đời thêm những kiệt tác vô giá ạ. Nhà văn Lê Hoài Nam: Cũng như Nguyễn Du, Lê Hữu Bình dùng thể thơ truyền thống là thơ lục bát để viết truyện thơ. Nhưng nhân vật của Lê Hữu Bình là nhân vật của thời hiện đại, lại được chuyển tải bằng hình thức thơ truyền thống thơ cổ, ấy là cái khó mà tác giả phải vượt qua và ông đã vượt qua rất ngoạn mục.
Nhà thơ Nguyễn Mạnh Hoàng - Chủ nhiệm trang thơ HNNYT (Là trang Quốc tế gồm các bạn yêu thơ người Việt trong nước và ở nước ngoài, một số bạn thơ nước khác): Với kho tàng từ ngữ đồ sộ khổng lồ nặng cân, mà tác giả đã lựa chọn vào Truyện thơ Thúy Lan một cách rất kỳ diệu, để tác phẩm trở nên hấp dẫn nhất thời đại.
Xin tặng tác giả: Việt Nam sử sách mãi ghi/ Truyện thơ lục bát nhất nhì tuyệt thay. Đọc đi đọc lại mới hay/ Bao điều thú vị ẩn đầy nặng cân. Thúy Kiều vẹn đủ mười phân/ Thúy Lan hơn cả mười phần ai ơi- Danh tài lục bát truyện thơ/ Thúy Lan nổi tiếng bến bờ hiển vinh.
Khép lại bài viết này, tôi muốn nhắc lại điều căn cốt sau đây: Giá trị của một tác phẩm là thể hiện ở sự đón nhận của đông đảo người đọc biểu thị qua những nhận xét tinh tế và có trách nhiệm ở sức sống trường tồn của tác phẩm qua thời gian. Hơn 10 năm truyện thơ xuất bản cho đến khi viết những dòng này, tôi vẫn tiếp tục đọc được những lời ngợi khen, bình phẩm về nhiều góc cạnh của truyện thơ Thúy Lan.
Nồng nhiệt chúc mừng tác giả Lê Hữu Bình và mong anh có thêm những bài thơ những thi phẩm mới nói về những hoài bão khát vọng của dân tộc ta trên con đường xây dựng đất nước Việt Nam cường thịnh.
Hà Nội đầu xuân Quý Mão 2023 - TS