Đời chuột chũi trong rừng ma túy ở xứ người: Thương hiệu "giang hồ Việt" trên "đồng cỏ" quốc tế (Kỳ 5)
![]() |
(TTTĐ) - Khi mới đặt chân lên Canada, Lê Thị Phương Mai chỉ là phận cuốc đất, bón gốc và thu hoạch thuê cho dân “trồng cỏ” bản xứ. Nhưng Mai đã nhanh chóng tiếp cận nghề “trồng cỏ” và trở thành “trùm của mọi trùm”, cung cấp tới 16% toàn bộ thị phần ma tuý Bắc Mỹ.
>>Đời chuột chũi trong rừng ma túy ở xứ người:
* Người "rơm" buôn không gian đi trồng "cỏ" (Kỳ 1)
* Hành trình khốn khổ đến “miền đất hứa” (Kỳ 2)
* Chui rúc trong lò thiêu tương lai (Kỳ 3)
* Bí mật về những “trang trại” ở trong nhà (Kỳ 4)
![]() |
Đời chuột chũi trong rừng ma túy ở xứ người: Thương hiệu "giang hồ Việt" trên "đồng cỏ" quốc tế (Kỳ 5)
Đốt nóng xứ lạnh
Giang hồ người Việt không thua kém giang hồ hay những băng đảng gangster khác trên thế giới vì sự tàn bạo, liều mạng. Tuy nhiên, trong tổ chức hoạt động phạm tội, chúng chưa bao giờ có số má gì.
Trên bình diện quốc tế, tội phạm người Việt, nếu có, cũng chỉ là những băng nhóm lẻ tẻ. Nếu làm “đầu sai” cho các băng đảng tội phạm châu Á hùng mạnh như Tam Hoàng, 14K, Trúc Liên… của Trung Quốc, Đài Loan, Yakuza của Nhật hay Machii của Triều Tiên, chúng cũng chưa bao giờ đủ sức tồn tại.
Trở thành một lực lượng đối trọng đủ thực lực để có thể phân chia lãnh địa, lãnh vực hoạt động phạm tội với các băng nhóm giang hồ quốc tế lại càng không. Nói chung, trên bản đồ các băng nhóm quốc tế, không có khu nào cho người Việt. Cũng không có ông trùm nào đáng được lưu tên.
Cho đến khi cần sa lên ngôi và phủ trùm khu vực Bắc Mỹ, khu vực Đông – Bắc Âu và toàn bộ châu Úc thì thực tế này thay đổi hoàn toàn. Nhắc đến cần sa (canabis), giang hồ quốc tế phải nhắc đến gangster gốc Việt.
Tuy vẫn chưa có ông trùm nào đạt đến “quyền lực tối thượng”, nhưng đám “công nhân nông nghiệp” chuyên làm “trang trại” người Việt cũng đã xuất hiện một số cái tên thuộc hàng thế lực, nắm trong tay gần như trọn gói toàn bộ thị trường lẫn nguồn cung cấp cần sa trên toàn thế giới.
Anh quốc là nơi phong trào “dân rơm trồng cỏ” của người Việt diễn ra rầm rộ nhất. Nhưng nếu vẽ một bản đồ hình gân lá về ngành công nghiệp trồng và chế biến cần sa do tội phạm gốc Việt thống lĩnh, cuống lá - điểm xuất phát - sẽ là một chấm nhỏ nằm ở miền Tây Nam trên bản đồ Canada, vùng Vancouver thuộc tỉnh British Columbia.
Nửa sau thế kỷ XX, hầu hết nguồn cần sa cung cấp cho dân chơi Bắc Mỹ, gồm cả Canada hầu như đều có nguồn gốc từ Mexico. Cần sa Trung Mỹ được bán lẻ đến tay dân chơi Bắc Mỹ dưới dạng cao marijuana, được đóng thành bánh như thuốc phiện sống vùng Tam Giác Vàng.
Khách hàng thường trực của loại chất gây nghiện này chủ yếu là thành viên của các băng đảng “Những thiên thần địa ngục” (Hells Angles). Thập niên 60 – 70 của thế kỷ XX, nhiều thanh niên xứ Cờ Hoa đã trốn sang miền nam Canada để tránh bị chính phủ bắt đi quân dịch và quẳng sang chiến trường Nam Việt Nam.
Đội ngũ “Những thiên thần địa ngục” tăng vọt về số lượng. Một bộ phận đã dạt vào các khu vực rừng núi hẻo lánh của tỉnh British Columbia để trồng cần sa, vừa để thoả mãn nhu cầu, vừa bán lại cho đồng bọn và bán ngược về Mỹ.
Cần sa quấn điếu hoặc trộn với thuốc lá hút sống (người Việt thường gọi là bồ đà) nhanh chóng trở thành mốt, được lớp thanh niên đường phố của Canada và Hoa Kỳ ưa chuộng. Luật pháp Canada lại chỉ xem cần sa là chất gây nghiện.
![]() |
Cảnh sát Canada thu giữ cần sa tại một "trang trại" |
Người trồng và sử dụng nó chỉ bị phạt, cùng lắm bị trục xuất hoặc án treo chứ không phải ngồi tù như với heroin hoặc cocain. Gió đổi chiều, từng đoàn xe tải chở cần sa đã qua chế biến từ Vancouver chạy ngược về Mỹ, cạnh tranh ráo riết và chiếm ưu thế so với marijuana Trung Mỹ.
Theo ước tính được công khai trên trang web của Cơ quan bài trừ ma túy Hoa Kỳ (DEA), thập niên 1990, mỗi năm giá trị thương mại của cần sa ở riêng tỉnh Britsh Columbia lên đến 6,5 tỷ USD, nguồn thu lớn thứ hai chỉ sau dầu mỏ và khí đốt! Toàn bộ số hàng “cỏ” và khoản lợi nhuận này đều do “Những thiên thần địa ngục” điều phối.
Cần sa đang hồi cực thịnh đối với các nhóm dân chơi Bắc Mỹ thì dân chơi người Việt nhấp nhứ nhảy vào. Những năm 1980, một bộ phận thuyền nhân Việt Nam các tỉnh phía Bắc từ các trại ở Hồng Kông được tiếp nhận định cư tại Canada.
Hầu hết họ đều không có trình độ và lại rặt là những tên xuất thân đầu trộm đuôi cướp nên rất ít trong số thuyền nhân này có cơ hội định cư ở những đô thị như Ottawa hay Montreal vùng Quebec miền Đông Nam Canada.
Để mưu sinh và kiếm tiền nhanh, họ đã tham gia “trồng cỏ”. Chủ yếu họ “làm vườn thuê” cho băng nhóm “Những thiên thần địa ngục”.
Dân chơi người Việt “tiến bộ” rất nhanh. Họ nhanh chóng nhận ra rằng, dù có thiết lập ở những nơi thâm sơn cùng cốc, các “trang trại” cũng rất dễ bị cảnh sát phát hiện và triệt phá.
Hơn nữa, cần sa trồng trong tự nhiên, mùa vụ kéo dài cả năm, vừa “bé hạt thóc, vừa lâu đồng tiền”, lại dễ bị lộ. Các băng nhóm người Việt nhanh chóng đưa “trang trại” vào trồng thử nghiệm trong nhà kín, các tầng hầm hoặc tầng áp mái, dễ che mắt cảnh sát.
Kiểu canh tác này gọi là Grow Ops. Công nghệ sinh học, giống cây trồng cũng được nghiên cứu ứng dụng triệt để. Bằng cách sưởi ấm và thắp sáng bằng đèn điện suốt đêm ngày, “vườn cỏ” trồng trong nhà cho thu hoạch một năm tới 4 vụ.
Cây cần sa trồng trong chậu tuy có kích thước nhỏ, chỉ cao bằng ½ cần sa trồng ngoài trời nhưng bù lại có nồng độ marijuana cao gấp bội, được thị trường chào đón nhiệt liệt hơn. Trồng bao nhiêu, “Những thiên thần địa ngục” bao tiêu hết bấy nhiêu.
Các băng nhóm “công nhân nông nghiệp” người Việt giàu lên vùn vụt, lấn át rồi dần dần đánh bật “Những thiên thần địa ngục” ra khỏi cuộc chơi “trồng cỏ”.
Ngoài khoản cuốc đất, bón phân thạo hơn nhiều giang hồ Bắc Mỹ, đám giang hồ gốc Việt đa phần xuất thân nông dân lại ưa chơi tiểu xảo, vác luôn cả sự cò con, lọc lừa từ bên kia đại dương sang làm vũ khí cạnh tranh.
Giang hồ sở tại có bung ra “cày” được “mảnh ruộng” cần sa nào thì gần thu hoạch lại bị đám người Việt rình mò phát hiện và láu cá… mật báo cho cảnh sát đến nhổ sạch.
Bước sang thế kỷ XXI, “Những thiên thần địa ngục” đành ngậm ngùi giã từ nghề “trồng cỏ”, bằng lòng với vị trí khách hàng lệ thuộc, nhường sân chơi cho người Việt nhập cư “múa gậy vườn hoang”. Chỉ khoảng 10 năm sau, toàn bộ nguồn cung cấp cần sa từ Canada vào thị trường Bắc Mỹ, người Việt đều nắm hết.
Nữ quái siêu cao thủ
Với nghề “trồng cỏ”, các tập đoàn tội phạm người Việt ở miền Nam Canada bành trướng thế lực rất nhanh. Từ miền Tây Nam heo hút, thưa thớt dân cư, tiền bẩn đã giúp chúng vươn tay sang các đô thị sầm uất, tấp nập ở Đông Nam, trở thành “chủ nhân” của nhiều cơ sở thương mại, tập đoàn kinh tế lớn.
Quyền lực tuyệt đối, trùm của mọi trùm là một phụ nữ có cái tên khả ái: Lê Thị Phương Mai. Đối tác kiêm đối thủ cạnh tranh, phân chia quyền lợi với Phương Mai trong lĩnh vực “trồng cỏ” cũng là người Việt.
Về phân chia địa bàn, hồ sơ cảnh sát Canada ghi nhận: Lai Thành Hữu (tức Ngô Tiến Dũng) và gia đình bà Lee (gốc Hoa) trấn giữ Toronto. Hai mảnh đất màu mỡ nhất là Ottawa và Vancouver, một mình nữ quái Lê Thị Phương Mai độc chiếm.
Lê Thị Phương Mai sinh năm 1966, quê gốc ở Kiến Thụy, Hải Phòng, cùng trang lứa với Dung “Hà”, Thành “chân”. Nhưng trong hộ chiếu, Lê Thị Phương Mai lại khai sinh năm 1973 và quê ở Phú Yên.
Khi mới đặt chân lên Canada, Mai khai gian tuổi để được hưởng trợ cấp vị thành niên. Từ phận cuốc đất, bón gốc và thu hoạch thuê, Lê Thị Phương Mai đã nhanh chóng tiếp cận nghề “trồng cỏ” và buôn ma tuý.
![]() |
Trồng cần sa trong nhà (Grow Ops) tại Canada |
Khi chỗ đứng giang hồ bắt đầu vững, Mai kết hợp và chỉ huy một loạt đàn em gốc Bắc do Hoàng Công Ty (người Quảng Ninh) và Nguyễn Văn Minh (quê Hải Phòng) cầm đầu, tổ chức chuyên môn hoá cao nghề “trồng cỏ”.
Canada đất rộng người thưa, ở những vùng hẻo lánh, đất đai rất rẻ. Mai mua và thuê hàng loạt những ngôi nhà lớn ở những nơi khuất nhất vùng Vancouver để lập “trang trại”. Mỗi “vườn” có một đàn em tin cẩn trông coi và không tên nào được biết “vườn” của kẻ khác, phòng khi bị bắt sẽ khai báo lung tung làm bể dây chuyền.
“Công nhân nông nghiệp”, Mai và những tên cầm đầu về Quảng Ninh, Hải Phòng tuyển lựa, làm hộ chiếu du lịch thăm thân nhân đưa sang Canada. Cứ 6 tháng (2 vụ), các “trang trại” lại thay công nhân một lần, tuyển công nhân mới hoặc luân chuyển trang trại theo từng nhóm. Mọi chi phí, Mai lo tất.
Tiền kiếm được ở Vancouver, Lê Thị Phương Mai đem sang Ottawa, Toronto và Montreal mua bất động sản mở hàng loạt nhà hàng, khách sạn, siêu thị 24/7 (phục vụ liên tục mọi ngày, mọi giờ). Trước cửa ngõ thế kỷ XXI, Lê Thị Phương Mai đã được xem như nữ doanh nhân thành đạt nhất Canada, một ngôi sao thành đạt của cộng đồng người Việt ở Bắc Mỹ.
Không mấy ai biết, sau lớp áo doanh nhân là “bà trùm” lớn đứng đầu một tập đoàn chuyên sản xuất cần sa, chế biến, đóng viên các loại thuốc lắc, thiết kế và điều hành đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy xuyên Bắc Mỹ, đồng thời cầm đầu cả một hệ thống rửa tiền và tín dụng đen xuyên lục địa.
(Còn nữa)
Nguyễn Hồng Lam
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Làng chài miền Tây giữa đại ngàn Tây Nguyên

Bài 5: Điểm tựa tâm linh trên đảo tiền tiêu

Bài 4: Sức sống xanh giữa mặn mòi biển cả

Bài 3: “ Mắt biển ” không bao giờ tắt

Bài 2: Lớp học đặc biệt giữa trùng khơi sóng gió

Những “cột mốc sống” ở Trường Sa

Những người lính quân hàm xanh vững vàng nơi biên cương

Hương Tết "làng" chổi đót

Bài 4: Gửi niềm tin, yêu thương ở lại
