Đối tượng dùng súng cướp ngân hàng có thể đối mặt với hình phạt tù chung thân
Như báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, vào hồi 11h30’ ngày 17/4, tại Phòng giao dịch Sacombank Bàu Bàng (trực thuộc Chi nhánh Bến Cát của Sacombank, tỉnh Bình Dương) đã xảy ra vụ việc đối tượng dùng súng uy hiếp, cướp ngân hàng. Lúc này lực lượng bảo vệ và cán bộ nhân viên của phòng giao dịch đã bình tĩnh ứng phó, kịp thời trấn áp đối tượng, thu giữ hung khí và số tiền đối tượng đã cướp.
Ngay sau đó, Sacombank đã thông báo cho công an địa phương và lực lượng chức năng phong tỏa hiện trường để xử lý. Hiện toàn bộ nhân sự và tài sản của Phòng giao dịch Sacombank Bàu Bàng được bảo đảm an toàn.
Lực lượng chức năng phong toả hiện trường, điều tra làm rõ vụ cướp ngân hàng tại thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng |
Bước đầu đối tượng khai nhận là Nguyễn Tấn Phát (SN 1997, HKTT huyện Chơn Thành, Bình Phước). Do không có tiền tiêu xài và trả nợ nên đối tượng đã nảy sinh ý định và đặt mua súng, đạn qua mạng xã hội để đi cướp ngân hàng.
Khoảng 10 giờ ngày 17/4, Phát mang theo súng đi đến Phòng giao dịch ngân hàng Sacombank (tại thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng), giả vờ làm khách hàng. Đến khi ngân hàng chuẩn bị đóng cửa để nghỉ trưa, thấy trong quầy giao dịch vắng người, Phát bất ngờ rút súng bắn chỉ thiên lên trần nhà uy hiếp nhân viên ngân hàng để cướp tiền.
Khi cầm balo tiền, chạy ra hướng cửa chính, thì bảo vệ đang đóng cửa cuốn. Phát giằng co với bảo vệ để thoát thân. Lúc này các nhân viên đã cùng bảo vệ khống chế nghi phạm giao công an xử lý. Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ một khẩu súng, 6 viên đạn và số tiền 800 triệu đồng mà Phát vừa cướp được.
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ việc trên, Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định: Đây là vụ cướp rất manh động, táo tợn khi đối tượng sử dụng vũ khí để tấn công, uy hiếp nhân viên ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên lực lượng bảo vệ cùng một số nhân viên ngân hàng đã bình tĩnh, dũng cảm khống chế, bắt giữ đối tượng ngay tại hiện trường vụ án.
“Theo quy định của pháp luật thì tội cướp tài sản là tội danh có "cấu thành hình thức", chỉ cần đối tượng thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có thủ đoạn khác khiến cho nạn nhân lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm, không phụ thuộc vào việc đối tượng đã chiếm đoạt được tài sản hay chưa và giá trị tài sản là bao nhiêu.
Hành vi sử dụng súng là "hung khí nguy hiểm" đe dọa uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi vi phạm pháp luật. Đối tượng thực hiện hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 168 bộ luật hình sự. Với số tài sản định chiếm đoạt hơn 700 triệu đồng thì đối tượng sẽ phải đối mặt với khung hình phạt lên tới 20 năm hoặc tù chung thân theo khoản 4, Điều 168 BLHS”, luật sư Cường phân tích.
Lực lượng bảo vệ cùng nhân viên ngân hàng đã khống chế bắt giữ tên cướp, thu được súng và số tiền hơn 700 triệu đồng |
Cũng theo luật sư Đặng Văn Cường, theo lời khai ban đầu của đối tượng thì chỉ vì không có khả năng trả nợ, bị nhiều đối tượng đòi nợ đe dọa uy hiếp nên đành làm liều. Với lời khai này, Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nội dung lời khai này để xác định nguyên nhân điều kiện phạm tội, làm rõ những yếu tố thúc đẩy đối tượng thực hiện hành vi phạm tội. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đã có đối tượng xúi giục, ép buộc đối tượng này thực hiện hành vi cướp tài sản thì đối tượng thực hiện hành vi xúi giục, ép buộc sẽ bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm theo quy định tại điều 17 BLHS.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ nguyên nhân khoản vay này như thế nào, có hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự hay không? Có hành vi cưỡng đoạt tài sản hay không để xem xét xử lý đối với các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật.
Dù lời khai của đối tượng này là đúng thì cũng không phải là tình tiết để loại sự trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Kể cả trường hợp đối tượng này nợ nần, bị ép buộc trả nợ thì cũng không phải là lý do khiến đối tượng này thực hiện hành vi vi phạm pháp luật là cướp tài sản. Trong những trường hợp bị đòi nợ, bị đe dọa, uy hiếp tinh thần thì con nợ hoàn toàn có quyền trình báo sự việc với cơ quan chức năng để được xem xét xử lý về hành vi xâm phạm đến danh dự nhân phẩm, sức khỏe, thậm chí tính mạng của người khác. Hành vi đòi nợ trái pháp luật sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào diễn biến hành vi và hậu quả cụ thể.
Cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ nguồn gốc khẩu súng mà đối tượng này đã sử dụng để thực hiện hành vi cướp tài sản. Trường hợp kết quả xác minh cho thấy khẩu súng côn quay thu được trên hiện trường vụ án là loại vũ khí quân dụng thì đối tượng này còn bị xử lý thêm một tội danh khác là tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng theo Điều 304 BLHS.
Trường hợp đối tượng bị xử lý về nhiều tội danh thì toà án sẽ bị tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc nếu hình phạt của nhiều tội danh đều là tù có thời hạn thì tổng mức hình phạt là tổng của các tội danh cộng lại nhưng không quá 30 năm tù. Trường hợp trong các tội danh có tội danh bị tòa án tuyên án ở mức cao nhất là tù chung thân thì hình phạt chung sẽ là tù chung thân theo nguyên tắc tổng hợp hình phạt mà bộ luật hình sự đã quy định. Vụ án này tiếp tục là bài học cho những kẻ lười lao động, coi thường pháp luật muốn chiếm đoạt thành quả lao động của người khác bằng vũ lực và cái giá phải trả là mức hình phạt rất nghiêm khắc.