Đồng bào Mường thoát nghèo nhờ mô hình hợp tác xã
Ứng dụng công nghệ trồng trọt sản phẩm hữu cơ
Long Cốc là một trong những xã miền núi thuộc diện xã 30A của huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ có trên 93,3% là người dân tộc Mường. Nguồn thu nhập chính của người dân là các sản phẩm nông nghiệp, trong đó cây chè được xác định là cây chủ lực.
Trước đây, sản phẩm chè của các hộ gia đình ở Long Cốc chủ yếu là chè búp tươi bán cho các thương lái, vì vậy giá chè búp bán không được giá cao, người dân thu nhập thấp, đời sống khó khăn, túng thiếu, tỷ lệ hộ nghèo cao.
Bà Phạm Thị Hạnh giám đốc Hợp tác xã sản xuất chè an toàn Long Cốc |
Do đó, năm 2018, Hợp tác xã Sản xuất chè an toàn Long Cốc được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ tổ hợp tác và kết nạp thêm 10 thành viên, nâng tổng số hội viên lên 13, liên kết với 20 hộ sản xuất chè nguyên liệu.
Nhờ vào mô hình hoạt động của hợp tác xã đã kết nối người sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ để tăng thu nhập cho người trồng chè, đồng thời góp phần vào công tác giảm nghèo của địa phương.
Bà Phạm Thị Hạnh, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất chè an toàn Long Cốc cho đầu tư đồng bộ hệ thống nhà xưởng, trang thiết bị phục vụ quy trình sản xuất và chế biến chè, áp dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình này để tạo ra sản phẩm chè sạch.
Ngoài việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng đạt tiêu chuẩn, chuyển giao các công nghệ mới, hợp tác xã còn hỗ trợ về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bao tiêu sản phẩm… Đặc biệt, để có được sản phẩm chè sạch, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, hợp tác xã luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng, chăm sóc, chế biến theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, an toàn sinh thái.
Bà Phạm Thị Hạnh cho biết, song song với sản xuất, phát triển kinh tế, hợp tác xã còn góp phần giải quyết việc làm thường xuyên có 10 lao động. Mức thu nhập bình quân mỗi lao động từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài ra, hợp tác xã tạo thu nhập cho các hộ liên kết (trên 20 hộ dân tộc Mường), thông qua việc thu mua nguyên liệu chè búp tươi với giá cao gấp đôi thậm chí gấp ba so với giá thị trường; gián tiếp tạo việc làm và thu nhập cho những người bán hàng, đại lý, quảng cáo, lưu thông, tiếp thị sản phẩm…
Phát triển các sản phẩm hữu cơ OCOP chất lượng cao
Xã miền núi Mỹ Lung, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ với trên 85% dân số là đồng bào dân tộc Mường, sinh sống chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp.
Thương hiệu sản phẩm gạo nếp gà gáy đã gắn bó lâu đời với người dân nơi đây. Năm 2010, sản phẩm lúa nếp gà gáy Mỹ Lung đã được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể và được công nhận đạt hạng OCOP 4 sao năm 2022.
Cánh đồng lúa nếp gà gáy ở Mỹ Lung |
Để bảo tồn giống lúa đặc biệt của dân tộc Mường, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc hữu cơ, áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, bảo quản đảm chất lượng và an toàn thực phẩm.
Lúa nếp gà gáy theo hướng hữu cơ được Hợp tác xã sản xuất gạo nếp gà gáy và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Mỹ Lung triển khai trên tổng diện tích 24ha với 125 hộ tham gia. Tổng kinh phí thực hiện mô hình gần 1,8 tỷ đồng, trong đó, kinh phí hỗ trợ sau đầu tư từ Chương trình Mặt trận Tổ quốc là 468 triệu đồng.
Đánh giá hiệu quả sau một thời gian thực hiện cho thấy, mô hình sản xuất lúa nếp gà gáy Mỹ Lung theo hướng hữu cơ đạt hiệu quả cao. Lợi nhuận thu được từ mô hình dự kiến đạt khoảng 722 triệu đồng.
Vào tháng 4/2022, Công ty CP đầu tư và dịch vụ Bảo Quang Minh (địa chỉ ở xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng) và HTX sản xuất gạo nếp gà gáy Mỹ Lung đã tiến hành ký kết thoả thuận phối hợp xây dựng mô hình trồng lúa nếp gà gáy hữu cơ theo quy trình công nghệ Thái Lan.
Sau khi ký kết, công ty cùng hợp tác xã đã triển khai và lựa chọn 12 hộ có diện tích trồng lúa nếp gà gáy đủ tiêu chuẩn để tham gia xây dựng mô hình trên tổng diện tích 6.500m2 theo quy trình công nghệ Thái Lan.
Về cơ chế phối hợp, công ty hỗ trợ toàn bộ vật tư, phân bón, chế phẩm vi sinh và hướng dẫn quy trình kỹ thuật; các hộ thành viên tham gia đầu tư giống và nhân công. Quy trình chăm sóc theo hướng dẫn của chuyên gia Thái Lan và các cơ quan chuyên môn.
Các mô hình hợp tác xã sản xuất theo hướng hữu cơ tại tỉnh Phú Thọ ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế cao còn góp phần thay đổi tập quán sản xuất, canh tác lạc hậu của đồng bào dân tộc Mường vùng cao; hướng đến sản xuất hàng hóa tập trung, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định giúp bà con phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.