Xây dựng chuỗi liên kết, củng cố, kiện toàn các hợp tác xã nông nghiệp
Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với mô hình du lịch nông thôn Đại diện các đoàn đại biểu Hội Nông dân thành phố Hà Nội viếng Lăng Bác Khai mạc Đại hội đại biểu Hội Nông dân TP Hà Nội lần thứ X |
Xây dựng hình ảnh người nông dân văn minh, chuyên nghiệp
Thông tin về công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Lâm Chu Anh Tuấn cho biết, trong nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp hội đã tuyên truyền 1.435 buổi thông qua các hội nghị, các buổi sinh hoạt chi hội, tuyên truyền trên nền tảng mạng xã hội như zalo, facebook... thu hút 124.802 lượt cán bộ, hội viên và Nhân dân tham gia, tương tác.
Các cấp hội đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp và phối hợp tổ chức được 754 buổi tuyên truyền, tư vấn pháp lý thu hút 67.475 lượt người; Chỉ đạo 20/20 cơ sở Hội xây dựng và duy trì 73 “Mô hình hội viên nông dân tự quản về an ninh trật tự” với 957 thành viên.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Lâm Chu Anh Tuấn tham luận tại Đại hội |
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Hội Nông dân huyện đã chủ động, sáng tạo phát động phong trào nông dân Gia Lâm thi đua thực hiện “3 nhóm mô hình 10 phần việc” gắn với xây dựng “Cánh đồng sạch”, “Tuyến đường nông dân kiểu mẫu” góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, phát triển đô thị gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng huyện Gia Lâm trở thành quận. Qua đó, các cấp hội đã xây dựng được 67 “Cánh đồng sạch” với 2.841 hội viên tham gia với tổng diện tích 455 ha; Gắn biển 59 “Tuyến đường nông dân kiểu mẫu” gồm 3.370 cây với tổng chiều dài 24.525m; Trồng mới và gắn biển 78 “Hàng cây nông dân” với 3.759 cây; 2 vườn hoa nông dân…
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng tại một số cơ sở Hội còn mang tính hình thức, chất lượng chưa cao. Nội dung chưa đảm bảo tính cụ thể, thiết thực với đời sống, xã hội của người nông dân.
Vì vậy, ông Tuấn đề xuất, các cấp hội thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống cách mạng cho hội viên nông dân; Đa dạng hoá các loại hình tổ chức tuyên truyền giáo dục, coi trọng công tác tuyên truyền giáo dục đối với nông dân thông qua các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, hình thức mua và đọc báo Hội.
Cùng với đó, Hội tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết, khơi dậy lòng tự chủ, tính tự cường và hình ảnh người nông dân văn minh, chuyên nghiệp, nâng cao vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, hoàn thành Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu góp phần xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại
Hỗ trợ các hộ nông dân được tiếp cận các nguồn vốn vay
Tham luận tại Đại hội, ông Thiều Văn Son, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng thông tin, phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững với nhiều mô hình hay và cách làm sáng tạo đã thu hút hàng trăm nghìn lượt hội viên đăng ký tham gia. Trong 5 năm qua, huyện đã có 68,318 lượt hộ hội viên đăng ký hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có 174 hộ đạt danh hiệu hộ SXKD giỏi cấp Trung ương; 1.342 hộ cấp thành phố; 9.370 hộ cấp huyện, 54.141 hộ cấp cơ sở .
Trên địa bàn huyện đã hình thành một số mô hình trồng trọt ứng dụng công nghệ để sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn, sản xuất hàng hóa tập trung cho năng suất vượt trội so với các mô hình truyền thống như: Rau hữu cơ công nghệ cao và bưởi tôm vàng Đan Phượng, hoa đồng tiền, nho hạ đen, rượu Long Trường Tỉu...; Đồng thời, xây dựng được 54 mô hình kinh tế tập thể điển hình.
Đến hết quý II năm 2023, huyện đã có 12 xã được UBND thành phố công nhận Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, còn 3 xã Thọ An, Hạ Mỗ, Liên Hồng phấn đấu trong năm 2023 hoàn thành về đích Nông thôn mới kiểu mẫu.
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XV và Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân thành phố Hà Nội lần thứ X được dự báo trong bối cảnh đứng trước những thời cơ và khó khăn thách thức mới, ông Son cho rằng, cần tiếp tục đổi mới nội dung hình thức xây dựng và tổ chức hoạt động các phong trào thi đua yêu nước; Trọng tâm là phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, sản phẩm sát yêu cầu thị trường, sản phẩm nông nghiệp an toàn; Liên kết, tạo sức mạnh vốn, xây dựng thương hiệu, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, áp dụng khoa học kĩ thuật, bảo vệ lợi ích của nông dân.
Nhiều mô hình sản xuất tại huyện Đan Phượng mang lại hiệu quả kinh tế tốt |
Cùng chung quan điểm, ông Phạm Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Xuyên cho biết, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã thực sự đem lại hiệu quả, giúp khơi dậy, khai thác tiềm năng, nội lực trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, để phong trào đổi mới và nâng cao chất lượng hơn nữa, ông Hùng kiến nghị, cần tiếp tục có những chính sách về phát triển sản xuất để tạo điều kiện cho nông dân thực hiện hiệu quả hơn trong việc mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực; Tuyên truyền, vận động xây dựng các hình thức kinh tế tập thể, hỗ trợ các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được tiếp cận các nguồn vốn vay, các chương trình vay quỹ hỗ trợ nông dân, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các ngân hàng thương mại khác, nâng cao chất lượng tín dụng.
Ông Hùng kiến nghị, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân TP Hà Nội tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng phong trào gắn bình xét với khen thưởng để kịp thời động viên, khích lệ và tôn vinh nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp hàng năm; Biểu dương khen thưởng kịp thời những mô hình hay, gương sáng trong phát triển kinh tế, đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi.
Bên cạnh đó, ông Hùng cũng kiến nghị, cần tổ chức các hoạt động đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tuyên truyền, vận động xây dựng các mô hình theo quy mô lớn, tập trung, góp phần chuyển biến nhận thức và thay đổi dần tập quán canh tác cũ để từng bước làm thay đổi diện mạo nền nông nghiệp, nông thôn trên tất cả các phương diện trong tình hình mới, chú trọng xây dựng các chi, tổ hội nghề nghiệp theo phương thức “5 tự, 5 cùng” ngày càng được nhân rộng.
Tăng cường kết nối giữa hộ nông dân, HTX với các doanh nghiệp
Thông tin về công tác phối hợp giữa ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Hội Nông dân các cấp trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng các chuỗi liên kết, củng cố, kiện toàn HTX nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, từ năm 2018 đến nay, Sở và Hội Nông dân thành phố đã phối hợp tổ chức nhiều hội nghị, tọa đàm, diễn đàn về phương pháp vận động nông dân tham gia phát triển mô hinh kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã. Điển hình như tổ chức 3 hội thảo về phát triển mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn; Phối hợp với Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới tổ chức 13 cuộc hội thảo tọa đàm vai trò của Hội Nông dân tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu cho 2078 hội viên tham dự; Phối hợp hỗ trợ 552 cán bộ, hội viên nông dân đăng ký khóa học trực tuyến bán hàng online, livetream…
Quang cảnh Đại hội đại biểu Hội Nông dân TP Hà Nội lần thứ X |
Đáng chú ý, đến nay, toàn thành phố Hà Nội đã có 166 HTX nông nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ và tiêu chuẩn tương đương; 134 HTX nông nghiệp với 448 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP; 80 HTX nông nghiệp có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ; 68 HTX nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (55 HTX trồng trọt; 9 HTX chăn nuôi; 4 HTX nuôi trông thủy sản); 6 HTX phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn; 4 HTX phát triển du lịch sinh thái.
Trong những năm tới, để khắc phục những hạn chế, khó khăn trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật, xây dựng chuỗi liên kết, kiện toàn các HTX nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Hội Nông dân thành phố triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp.
Cụ thể, đơn vị tiếp tục công tác phối hợp với Hội Nông dân các cấp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ địa phương, nông dân hiểu đúng và đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp; Vận động nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản hàng hóa; Đẩy mạnh thông tin về các mô hình HTX nông nghiệp tiêu biểu phát triển sản phẩm nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, chuyển đổi số, công nghệ cao, liên kết chuỗi và kinh tế tuần hoàn để người dân tham quan, học tập và tham gia phát triển, nhân rộng.
Sở sẽ tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch củng cố, kiện toàn HTX nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 4010/QĐ-UBND ngày 25/10/2022 của UBND thành phố; Đồng thời phối hợp hoàn thiện tham mưu HĐND thành phố ban hành Nghị quyết chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp và trang trại.
Bên cạnh đó, ông Tường cho rằng, cần tăng cường lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, Hội Nông dân các cấp để tăng cường kết nối giữa hộ nông dân, chủ trang trại, HTX với các doanh nghiệp để hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Từng bước xây dựng, phát triển và hoàn thiện các hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh bền vững trong nông nghiệp nhằm đẩy mạnh quá trình tập trung, tích tụ ruộng đất phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng lĩnh vực trong khu vực nông thôn.