Đồng Tháp: Phát hiện gần 350 sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật giả mạo nhãn hàng hóa
Ngày 29/11, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp phối hợp lực lượng chức năng vừa tiến hành kiểm tra cửa hàng vật tư nông nghiệp Việt Phát (Địa chỉ: QL54, ấp Bình An, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò) do ông Lê Hoài Nhân làm chủ.
Việc kiểm tra theo đơn yêu cầu của Công ty Cổ phần nông nghiệp HP (Địa chỉ: KCN Đức Hòa 1 – Hạnh Phúc, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) đề nghị kiểm tra, xử lý hành vi buôn bán hàng giả sản phẩm ASIAN GOLD 500SC của công ty đã được đăng ký lưu hành tại thị trường Việt Nam (sản phẩm đã đăng ký nhãn hiệu Asiangold 500SC).
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện tại cơ sở kinh doanh đang bày bán 349 chai thuốc trừ sâu nhện nhãn hiệu ASIAN GOLD 500SC, thể tích 240ml, đơn vị phân phối Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Bio Gold (Địa chỉ: 10/4/13, ấp 7, xã Tân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP HCM), số đăng ký 6725/CNĐKT-BVTV, ngày sản xuất 19/6/2021 và ngày 24/8/2021, thời hạn sử dụng 2 năm kể từ ngày sản xuất. Trị giá hàng hóa vi phạm 52.350.000 đồng.
Lực lượng chức năng kiểm tra cửa hàng vật tư nông nghiệp có dấu hiệu vi phạm. (Ảnh: DMS) |
Toàn bộ hàng hóa nêu trên đã được Công ty Cổ phần nông nghiệp HP xác định không phải là sản phẩm của công ty thiết kế, sản xuất và phân phối.
Hiện, lực lượng Quản lý thị trường đã chuyển vụ việc sang cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ, xử lý theo quy định.
Thời gian qua, các lực lượng chức năng đã phát huy hiệu quả tích cực, phát hiện, xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm, trong đó có các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp về buôn lậu, sản xuất, kinh doanh trái phép vật tư nông nghiệp trên các địa bàn trọng điểm; góp phần kiềm chế, ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên phạm vi cả nước.
Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, sản xuất, kinh doanh trái phép vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn diễn biến phức tạp ở hầu hết các địa bàn trên cả nước, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường; Tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường...
Các đối tượng đã lợi dụng quy định của pháp luật về hàm lượng, định lượng chất chính hoặc tổng các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản đối với phân bón để sản xuất hàng giả, kém chất lượng, trộn sản phẩm giá rẻ vào sản phẩm có thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng để bán ra thị trường, vi phạm về nhãn hiệu, bao bì để gây nhầm lẫn, ngộ nhận, đánh lừa người tiêu dùng…
Bên cạnh đó, các đối tượng còn tổ chức làm giả nhãn, bao bì, tên thương phẩm của doanh nghiệp khác có thương hiệu, hoặc giả tên thương phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đang bán chạy trên thị trường…
Do đó, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng trên địa bàn cả nước.