Dự án thủy điện và nỗi lo mất rừng tiếp tục "nóng" tại nghị trường Quốc hội
Yêu cầu thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ trôi nhà dân báo cáo thiệt hại về Bộ Công thương |
Kiên quyết dừng, loại bỏ các dự án, công trình ảnh hướng đến rừng
Thảo luận tại Hội trường sáng 3/11 về kinh tế - xã hội, đại biểu (ĐB) Hoàng Đức Thắng (Trưởng đoàn Quảng Trị) cho rằng, nguyên nhân của việc sụt lở, ngập lụt kéo dài ở miền Trung thời gian qua chắc chắn do chúng ta đã mất quá nhiều rừng tự nhiên làm lá chắn.
Trong hơn 20 năm qua, các dự án thủy điện nhỏ ồ ạt xây dựng với quy mô khác nhau cùng với mưu sinh của người dân và nhu cầu phát triển hạ tầng, hàng chục nghìn héc-ta rừng đầu nguồn mất đi. Chỉ tiêu phấn đấu về độ che phủ rừng hằng năm đều tăng nhưng không nói được nhiều về chất lượng, khả năng giữ đất, giữ nước, chắn giữ thiên tai khi rừng tự nhiên, rừng phòng hộ ngày càng thu hẹp.
Phần lớn các vùng bị lũ dữ, sạt lở đất xảy ra ở nơi đồi núi trọc, rừng nghèo, tỷ lệ rừng giàu tự nhiên thấp. Mất rừng mất đất, khả năng điều tiết nước tự nhiên từ thượng nguồn thấp là nguyên nhân xảy ra lũ quét và sạt lở đất, lũ đi nhanh hơn, tai họa khủng khiếp hơn.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng thảo luận tại hội trường |
"Thủy điện có thể không làm ra lũ nhưng thủy điện làm mất rừng và tạo nên lũ dữ, tàn phá nặng nề hơn”, vị ĐB đoàn Quảng Trị khẳng định và đề nghị Chính phủ kiên quyết chỉ đạo rà soát, đánh giá về phát triển các dự án thủy điện nhỏ, nhất là khu vực miền Trung - Tây Nguyên để có giải pháp căn cơ và lâu dài về môi trường, khả năng chống chịu mưa bão, lũ lụt như vừa qua.
Ông Hoàng Đức Thắng cũng đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát tối cao để có các quyết sách mạnh mẽ, kiên quyết dừng, loại bỏ các dự án, công trình không hiệu quả, không bảo đảm an toàn và ảnh hướng đến rừng, nhất là rừng đầu nguồn, rừng tự nhiên, môi trường và đời sống người dân; Đồng thời phải nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai, các cơ quan quản lý giúp địa phương quy hoạch lại vùng bố trí dân cư, di dời dần khu vực sạt lở.
ĐB Phan Thái Bình (Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến dự án hồ thủy điện, việc chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ sang mục đích khác và đề nghị quan tâm, xem xem xét kỹ việc trồng rừng thay thế, không thể thay rừng phòng hộ với các cây gỗ lớn bằng các cây khác.
ĐB đề xuất tổng rà soát cơ sở giáo dục trên địa bàn những vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, bão lũ. Thực tế cho thấy, nơi nào đông dân cư, có nhiều học sinh thì dứt khoát nơi đó có điểm trường, khi di dời Nhân dân đến các nơi tránh trú bão thì cần đề xuất xây dựng kiên cố.
“Cần đổ bê tông, làm mái kiên cố để vừa làm nơi học, vừa làm nơi lưỡng dụng trong tránh trú bão, giúp dân yên tâm”, ông Phan Thái Bình nói và đề nghị rà soát lại toàn bộ hệ thống hồ đập, đặc biệt các thủy điện vừa và nhỏ trên cả nước để xem tác động đến môi trường thế nào nhằm đảm bảo an toàn; Thông tin rộng rãi cho Nhân dân yên tâm vì vừa qua vùng hạ lưu rất bất an khi xảy ra thiên tai, bão lũ.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu thảo luận tại hội trường |
Cũng trong phiên thảo luận tại Quốc hội sáng 3/11, vấn đề trồng rừng, bảo vệ rừng, ứng phó với thiên tai bão lũ, hạn hán, nước mặn xâm nhập ở vùng Tây Nam Bộ… được nhiều ĐBQH đặt câu hỏi.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) nhấn mạnh đến việc thiên tai, bão lụt, sạt lở… đang ngày càng nặng nề hơn. “Thảm họa có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào trên dải đất hình chữ S nếu chúng ta không thay đổi. Chúng ta hô hào trồng rừng nhưng vẫn cho phép những đại dự án khởi công ngay trong lõi rừng hay những thủy điện “cóc” vẫn tiếp tục được duy trì hoạt động thậm chí được cấp giấy phép mới. Nếu lại xảy ra những trận lũ lụt lịch sử thì sẽ lại có những cột mốc tang thương nữa”, ĐB Lân Hiếu nói.
Theo ĐB Hiếu, chúng ta phải thay đổi cách làm về bảo vệ rừng, đặc biệt là cần thay đổi trong tư duy chứ không chỉ thay đổi trên văn bản.
“Philippines là quốc gia chịu nhiều bão nhất ở Đông Nam Á. Chúng ta học được rất nhiều bài học từ họ. Họ giữ rừng già như giữ con ngươi của mắt mình bởi họ biết đây là thành trì quan trọng nhất để bảo vệ đất nước, con người trước sự giận giữ của thiên nhiên. Cơn bão số 10 đập vào dãy núi và rừng già Philippines đã bị giảm cấp là một ví dụ rất rõ ràng”, ĐB Lân Hiếu phân tích thêm.
Tháo gỡ dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông
Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) đề nghị Chính phủ, Quốc hội quan tâm tháo gỡ để dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cuối năm đi vào vận hành, không để sai hẹn đến lần thứ 9.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường thảo luận tại hội trường |
Theo ĐB Nguyễn Phi Thường, các dự án đường sắt đô thị được coi là giải pháp cứu cánh của cả Hà Nội và TP HCM những việc triển khai các dự án có nhiều vấn đề. Mẫu số chung là dự án lớn, tổng mức đầu tư lớn nhưng chậm tiến độ, đội vốn nhiều lần gây bức xúc trong dư luận như dự án Cát Linh - Hà Đông, Bến Thành - Suối Tiên, Nhổn - Ga Hà Nội.
Về dự án Cát Linh - Hà Đông, ĐB Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh, dự án này được cử tri Hà Nội đặc biệt quan tâm và có nhiều lần chất vấn Bộ Giao thông vận tải. Vừa qua Bí thư Thành ủy Hà Nội đã trực tiếp làm việc với bộ này, thành lập tổ công tác để tháo gỡ song hiện còn nhiều vướng mắc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Quốc hội. Đại biểu đề nghị Chính phủ, Quốc hội quan tâm tháo gỡ để dự án này cuối năm đi vào vận hành, không để sai hẹn đến lần thứ 9, gây bức xúc trong dư luận.
Về các nội dung cần lưu ý khi triển khai các dự án đường sắt đô thị, Đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng, cần đánh giá rút kinh nghiệm các dự án ODA về đường sắt đô thị một cách thận trọng, nhất là việc lựa chọn chỉ định tổng thầu. Bên cạnh đó, việc đầu tư đường sắt đô thị chỉ hiệu quả cao khu đầu tư toàn tuyến chứ không chỉ từng đoạn, tuyến riêng lẻ. Đặc biệt, khi ký hợp đồng với các nhà thầu cần chuẩn bị các điều kiện, đặc biệt là với hợp đồng EPC vì nếu chưa chốt được giá trị ngay từ đầu mà chỉ tạm tính sẽ rất rắc rối sau này.