Du lịch cộng đồng chờ thời “cất cánh”
Số hóa “địa chỉ đỏ” để hiểu rõ hơn giá trị lịch sử Khai mạc ngày hội văn hóa dân tộc gắn với hội thi tuyên truyền Khai mạc Hội thi ẩm thực Quốc tế dược liệu núi rừng Ngọc Linh |
Du lịch cộng đồng chờ thờ để "cất cánh" |
Vùng đất giàu bản sắc văn hóa
Tỉnh Kon Tum nằm ở phía Bắc vùng Tây Nguyên, có đường biên giới giáp với hai nước bạn Lào và Campuchia; khoảng 54% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số gồm 6 dân tộc bản địa là: Ba Na, Xê Ðăng, Gia Rai, Brâu, Rơ Mâm, Giẻ Triêng và hơn 10 dân tộc thiểu số từ phía Bắc di cư vào.
Cùng với đó, vùng đất Kon Tum hiện còn lưu giữ những nét đẹp văn hóa vô cùng độc đáo của 43 dân tộc anh em. Trong đó, tập trung là 6 dân tộc bản địa hình thành hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của các tộc người thiểu số.
Điển hình, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là “Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại”. Bên cạnh đó, các dân tộc bản địa còn lưu giữ nét văn hóa đặc trưng như: Nhà rông, cồng chiêng, trang phục, luật tục...
Với những lợi thế sẵn có, du lịch cộng đồng đang được tỉnh quan tâm, định hướng đầu tư để đưa ngành mũi nhọn này “cất cánh” trong tương lai; đồng thời, góp phần lưu giữ, bảo tồn nét đẹp giá trị văn hóa độc đáo của các đồng bào dân tộc thiểu số; từng bước giúp người dân bản địa xóa đói, giảm nghèo bằng việc phát triển du lịch cộng đồng.
Nhận thấy được những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng, tỉnh Kon Tum đã ban hành đề án phát triển gắn với công tác xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, giai đoạn năm 2022-2025, Kon Tum phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 5 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số.
Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng cơ sử dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên toàn địa bàn; đồng thời tích hợp chung trong bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên toàn quốc; củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng.
Giai đoạn năm 2025-2030, Kon Tum phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; phấn đấu đến năm 2030 có 7 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 70% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số...
Người dân phấn khởi vì du lịch cộng đồng đã mang lại cuộc sống ấm no |
Du lịch cộng đồng phát huy hiệu quả
Làng Vi Rơ Ngheo là một trong số ít những làng của xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông) còn lưu giữ những nét đặc trưng riêng về kiến trúc của người Xơ Đăng ven sông Đăk Snghé. Cùng với những giá trị đặc sắc về văn hóa truyền thống, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp cũng tạo nên điểm nhấn về du lịch sinh thái buôn làng.
Ngày 7/4/2023, làng Vi Rơ Ngheo chính thức được UBND tỉnh Kon Tum quyết định công nhận là làng du lịch cộng đồng. Với những nét hoang sơ, yên bình và gần gũi thiên nhiên, du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo ngày càng thu hút du khách trong và ngoài nước.
Hầu hết, du khách chọn hình thức du lịch homestay để được sống trong môi trường yên tĩnh, trong lành và tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống, phong tục của dân tộc nơi đây.
Chị Nguyễn Thị Thương đến từ TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tôi và gia đình đến đây nghỉ ngơi, tìm hiểu về phong tục, văn hóa của người dân bản địa. Cuộc sống của người dân ở nơi đây rất yên bình, thong thả; phong cảnh, con người ở làng du lịch gần gũi, thân thiện.
Đặc biệt, trong những ngày sống ở đây, gia đình tôi đã được trải nghiệm rất nhiều ẩm thực mang hương vị của núi rừng Tây Nguyên”.
Ngược về phía Bắc, làng du lịch cộng đồng Đăk Răng (xã Đăk Dục, Ngọc Hồi) được UBND tỉnh Kon Tum công nhận là điểm du lịch từ cuối tháng 11/2023. Điều đó khiến cuộc sống của người dân đang dần thay đổi.
Làng Đăk Răng hiện còn gìn giữ được một số bản sắc văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng như: Các lễ hội văn hóa truyền thống; làm rượu cần; dệt thổ cẩm; chế tác các loại nhạc cụ độc đáo; lễ hội cồng chiêng, múa xoang và đặc biệt là lễ ăn trâu của dân tộc Giẻ Triêng.
Với việc phát triển du lịch cộng đồng, giờ đây, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số đang dần “thay da đổi thịt”, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Đây được coi là tín hiệu tốt để tỉnh Kon Tum tập trung phát triển mạnh mẽ du lịch cộng đồng và sớm đưa loại hình du lịch này “cất cánh” trong tương lai.