Du lịch nông nghiệp: “Mũi tên” trúng nhiều đích
Khách du lịch được trải nghiệm làm nông dân ở Nhật Bản. Ảnh: Tono Natural Life Network
Bài liên quan
Phụ nữ Hàn Quốc muốn thoát khỏi vẻ đẹp hoàn hảo
Châu Á - “sân chơi” của các băng đảng ma túy
Thanh niên Nhật thuê xe… để ngủ
Người dân Mỹ vật lộn với nắng nóng
Kỷ nguyên “Made in Bangladesh” bắt đầu
Khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thành phố Vlapostok
Philippines “đau đầu” với xử lý rác thải
Học cách vứt rác như người Nhật Bản
Xu hướng toàn cầu
Du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch tạo ra sản phẩm phục vụ du khách chủ yếu dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Loại hình này phát triển mạnh vào thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Tại các quốc gia, nó lại có những tên gọi khác nhau. Ví dụ ở Anh là “Rural-tourism” (du lịch nông thôn), Mỹ là “Homestead” (du lịch trang trại), Nhật Bản là “Green-tourism” (du lịch xanh) còn ở Pháp là “Tourism de verdure” (du lịch với cỏ cây)…
Đã từ lâu, Israel coi du lịch nông nghiệp là hình thức giáo dục bắt buộc từ sớm cho trẻ em. Tại Mỹ, hằng năm đều có các sự kiện lớn về du lịch nông nghiệp. Ở Áo, du lịch nông nghiệp được tổ chức rất chuyên nghiệp dù lượng người làm nghề nông chỉ chiếm 3% dân số.
Tại Hàn Quốc, các tour du lịch nông nghiệp đã được triển khai từ năm 2006 và được xem như một trong những chiến lược phát triển nông nghiệp chính yếu. Thông qua các hoạt động du lịch nông nghiệp, du khách được trải nghiệm toàn bộ quy trình sản xuất, thu hoạch, chế biến các sản phẩm sạch, hữu cơ mang tính bản địa gắn với lịch sử văn hoá truyền thống.
Ở Quảng Tây (Trung Quốc), từ năm 2007 chính quyền địa phương đã xây dựng hơn 15 tuyến du lịch nông nghiệp đặc sắc với 251 vườn du lịch sinh thái nông nghiệp. Từ đó, thu nhập của người dân được cải thiện cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Năm 2010, tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) đã xây dựng 133 khu vườn du lịch nông nghiệp, tạo việc làm cho 14.500 người, doanh thu hằng năm lên tới hàng trăm triệu nhân dân tệ.
Một số mô hình tiêu biểu trên thế giới
Tại nước ta trong những năm gần đây, du lịch sinh thái nông nghiệp đang được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Nó là điểm nhấn thu hút, thúc đẩy tăng trưởng du khách với nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng vùng miền, trải dài từ Bắc tới Nam. Do đó, kinh nghiệm của các nước đi trước trong phát triển du lịch nông nghiệp đều là những bài học thực tiễn quý báu để Việt Nam học hỏi, áp dụng.
Từ những năm 1980, Đài Loan (Trung Quốc) đã triển khai du lịch nông nghiệp. Với mô hình này, Đài Loan tổng hợp các sản phẩm nông nghiệp (chè, gạo, hoa, trái cây, rau, cá, gia súc) để phát triển thành du lịch nông nghiệp theo chủ đề. Từ đó, quốc gia này thúc đẩy du lịch nông nghiệp trở thành mô hình sống xanh kiểu mẫu, mang giá trị đổi mới nông nghiệp…
Ví dụ điển hình là nông trường chăn nuôi Flying Cow ở thị trấn Thông Tiêu, huyện Miêu Lật. Nơi đây có thảo nguyên rộng lớn, du khách có thể trải nghiệm hoạt động vắt sữa bò, cho bê con ăn… Ngoài ra, du khách còn có thể thưởng thức lẩu sữa tươi, nghỉ qua đêm và cảm nhận cảnh sắc thiên nhiên. Nông trường Flying Cow đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Để tiếp tục khai thác nguồn khách hàng, nông trường không ngừng đổi mới, nhập công nghệ làm bánh pudding sữa Hokkaido hấp dẫn và ngon miệng khiến du khách hết sức thích thú.
Mặt khác, các hoạt động trải nghiệm được thiết kế phù hợp theo từng mùa, tận dụng các nguồn tài nguyên tại chỗ, kết hợp nhập công nghệ tiên tiến và các hoạt động phong phú khiến du khách cảm thấy thú vị và mới mẻ. Nhờ đó, mô hình này có sức cạnh tranh cao.
Nhật Bản là một trong những quốc gia công nghiệp phát triển nhưng cũng là đất nước coi trọng phát triển nông nghiệp chất lượng cao. Nhật đã có nhiều sáng tạo trong việc khai thác các giá trị của địa phương và sản phẩm nông nghiệp để phát triển du lịch ở các khu vực nông thôn, miền núi.
Một trong những điển hình đó là thị trấn Yufuin thuộc tỉnh Oita, nằm trên quần đảo Kyushu. Tỉnh Oita cũng là địa phương khởi phát phong trào “Ipson Ipin” (mỗi làng một sản phẩm) cách đây gần 40 năm. Phong trào này đã lan rộng ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Nếu như năm 1971, Yufuin chỉ là ngôi làng nhỏ trong thung lũng với 100% dân số sống bằng nông nghiệp. Nơi đây nổi tiếng với hình ảnh điểm đến của làng quê với cánh đồng lúa vàng, vườn trái cây, tắm Osen. Từ sớm, họ đã xác định các yếu tố để phát triển du lịch của Yufuin là sự kết hợp của sản phẩm nông nghiệp, phong cảnh nông thôn và nước khoáng nóng. Mặc dù, cả ba yếu tố này nếu so sánh riêng rẽ với các vùng lân cận thì hoàn toàn không thể cạnh tranh. Đến nay, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp chỉ còn chưa đến 30% và trên 70% lao động còn lại làm việc liên quan đến du lịch và dịch vụ.
Yufuin cũng chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương, tạo sự khác biệt. Người dân tại Yufuin đã khéo léo gắn logo tên thị trấn lên các sản phẩm thủ công tự sản xuất như khăn mặt hay những bánh xà phòng thảo dược của địa phương. Ngoài ra, họ còn thành lập “Hội nghiên cứu và phát triển ẩm thực Yufuin” nhằm khôi phục, bảo tồn và quảng bá các món ăn truyền thống của địa phương. Họ cũng duy trì và tổ chức thường xuyên các sự kiện, lễ hội làm phong phú thêm trải nghiệm cho khách du lịch. Trong đó, có thể kể đến lễ hội thi hét vào tháng 10 xuất phát từ cuộc thi của những người nuôi bò ngày xưa; cho khách trải nghiệm làm đèn đom đón từ cọng rơm...