Đủ nghiêm khắc, đủ nhân văn với người chưa thành niên phạm tội
Xử lý người chưa thành niên phạm tội: Nhân đạo nhưng phải công bằng |
Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp
Theo Ban tổ chức, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Tòa án Nhân dân tối cao đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan soạn thảo dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Mục tiêu dự thảo hướng tới là: Hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội; tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm, cải thiện hành vi thông qua xử lý chuyển hướng, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp mang tính chất trừng phạt, giam giữ nhưng vẫn bảo đảm sự an toàn của cộng đồng và trật tự xã hội.
Dự thảo cũng hướng tới: Xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với độ tuổi, tâm lý, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức và vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên; bảo đảm các quyền cơ bản của người chưa thành niên trong xử lý chuyển hướng, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; thu hút, huy động nguồn nhân lực có chuyên môn về công tác xã hội; tăng cường trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức hữu quan hỗ trợ, giám sát, giáo dục người chưa thành niên...
Các đồng chí chủ trì hội nghị |
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Tòa án Nhân dân tối cao đã trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên; đồng thời đang tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.
Vì vậy, hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên được Trung ương Đoàn tổ chức nhằm: Phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp; kiến nghị, đề xuất những nội dung góp phần đảm bảo tính đúng đắn, phù hợp, khả thi; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên; phát huy tính dân chủ và đồng thuận trong xã hội khi Luật được áp dụng triển khai trong thực tiễn.
Toàn cảnh hội nghị |
Nhân rộng các mô hình của Đoàn Thanh niên
Tại hội nghị, GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ việc sớm ban hành dự thảo luật này, nhất là trong điều kiện Đảng ta chủ trương đẩy mạnh công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát biểu tại hội nghị |
GS.TS Trần Ngọc Đường đề nghị không những dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên mà các dự thảo luật khác trình Quốc hội sắp tới phải đầu tư làm rõ đối tượng và phạm vi điều chỉnh quy định. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên có nhiệm vụ giám sát việc tổ chức thực hiện luật này và các luật có liên quan.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu thanh niên Đặng Vũ Cảnh Linh, những năm qua Đảng, Nhà nước làm khá tốt công tác chỉ đạo, nghiên cứu, xây dựng và thực thi các chính sách pháp luật về phòng chống vi phạm pháp luật, pham tội người chưa thành niên. Đặc biệt, Nhà nước không chỉ chú trọng việc giáo dục phòng ngừa trẻ khỏi các hành vi vi phạm pháp luật, phạm tội mà còn có biện pháp giáo dục chuyển hướng giúp các em đã vi phạm thay đổi nhận thức, hành vi để không tái phạm, đồng thời xóa án tích cho các đối tượng vi phạm.
Đại biểu phát biểu ý kiến tại hội nghị |
Các biện pháp xử phạt, xử lý đối tượng vi phạm là người chưa thành niên luôn đảm bảo phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, tạo điều kiện để các em có cơ hội sửa sai, không ảnh hưởng đến giai đoạn phát triển sau này. Bên cạnh đó, từ năm 2001 đến nay, tổ chức Đoàn Thanh niên luôn chủ động xây dựng các quy chế phối hợp với các cơ quan, ban ngành trong vấn đề tư pháp người chưa thành niên nhằm phối hợp triển khai các hoạt động giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phòng ngừa từ xa tội phạm trong thanh thiếu niên; hỗ trợ các nhóm thanh thiếu niên vi phạm pháp luật tái hòa nhập cộng đồng...
Vì vậy, theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu thanh niên Đặng Vũ Cảnh Linh cần xác định rõ vị trí, vai trò trách nhiệm của Đoàn Thanh niên tham gia tố tụng và hỗ trợ người chưa thành niên tái hòa nhập cộng đồng đảm bảo hướng đến “tính thân thiện” trong hoạt động tố tụng người chưa thành niên. Đặc biệt, chúng ta cần thúc đẩy các giải pháp xử lý chuyển hướng, phát huy thế mạnh, sáng kiến và mô hình thực tiễn của tổ chức Đoàn trong hỗ trợ người chưa thành niên vi phạm pháp luật, phạm tội tái hòa nhập cộng đồng.
Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên gồm 173 điều được bố cục thành 5 phần, 11 chương quy định về xử lý chuyển hướng, hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội; thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng; thi hành án; tái hòa nhập cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên. |