Đừng biến mạng xã hội thành nơi để công kích, xuyên tạc, gây rối tình hình đất nước
Mạng xã hội - con dao hai lưỡi
Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, ngày nay, mạng xã hội như đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người trên toàn cầu, nhất là khi nhu cầu kết nối, chia sẻ trong cộng đồng ngày càng gia tăng. Hiện một số mạng xã hội lớn có số lượng người sử dụng lên đến hàng tỷ người như: Facebook, YouTube, Instagram… Số lượng người sử dụng mạng xã hội ngày càng gia tăng trên toàn cầu cho thấy sự phổ biến cũng như tầm ảnh hưởng của nó đối với xã hội.
Tại Việt Nam, nhu cầu sử dụng mạng xã hội vẫn liên tục tăng qua các năm, ước tính, hiện Việt Nam có số người dùng internet là 68,17 triệu người (chiếm tỷ lệ 70% số dân), số thuê bao di động là 145,8 triệu thuê bao (chiếm tỷ lệ 150% so với tổng dân số cả nước); số người dùng mạng xã hội là 65 triệu người (chiếm tỷ lệ 67% số dân), trong đó có một lượng không nhỏ người dùng là cán bộ, công chức.
Thông tin gói thầu Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội tổ chức cho đoàn cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa và cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý đi nghỉ dưỡng tại Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng đang bị một số đối tượng đăng tải sai sự thật trên mạng xã hội. |
Tận dụng các ưu thế của mạng xã hội, hiện nay nhiều cán bộ, lãnh đạo cũng sử dụng mạng xã hội như một phương thức có hiệu quả, vừa để tương tác, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, vừa để kịp thời giải quyết công việc. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy vẫn còn hiện tượng một số cán bộ, công chức sử dụng mạng xã hội khá tùy tiện, gây ảnh hưởng không tốt, thậm chí xâm hại nghiêm trọng đến hình ảnh, lợi ích của cá nhân, tổ chức. Ðây là vấn đề rất đáng quan ngại.
Không ít trường hợp cán bộ, công chức dùng mạng xã hội để nói xấu, xúc phạm, miệt thị người khác bằng loại ngôn từ thiếu văn hóa, đưa ra phát ngôn gây sốc… hay vô tư chia sẻ thông tin độc hại, bịa đặt, xuyên tạc mà không kiểm chứng nguồn gốc, không bảo đảm tính chính xác.
Đơn cử, những ngày gần đây, trên mạng xã hội lan truyền thông tin sai sự thật về việc Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội đăng tải thông tin lựa chọn nhà thầu để tổ chức đi nghỉ dưỡng tại Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng bằng tiền ngân sách khiến dư luận xôn xao. Nhiều thông tin, bình luận cho rằng, đây là số tiền ngân sách chi cho các cán bộ đang công tác tại Thành ủy Hà Nội khiến dư luận bức xúc.
Một số ý kiến phản biện về thông tin đăng tải sai sự thật trên mạng xã hội. |
Đáng nói, thông tin này được xuất hiện trên một tài khoản Facebook được cho là cán bộ, phóng viên đang làm việc tại Hà Nội nên đã gây lên làn sóng tranh luận gay gắt trong cộng đồng mạng xã hội những ngày qua.
Ngay sau khi lan truyền thông tin trên, Ban Tổ chức Thành ủy đã phối hợp với công ty tư vấn thầu bổ sung thông tin rõ hơn (nghỉ dưỡng đối với cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa và cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý; Nội dung có thể bị hoãn, hủy nếu tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp (nội dung này trong hồ sơ đấu thầu chi tiết đều đã được thể hiện) và đã được đăng tải lại trên mạng đấu thầu quốc gia. Đại diện Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cũng cho rằng, việc đăng tải, bình luận đến nội dung trên là không đúng bản chất nội dung công việc thực hiện.
“Phép thử” tinh thần đoàn kết toàn dân tộc
Có thể thấy rằng, việc sử dụng mạng xã hội để tăng tải những thông tin độc hại, bịa đặt, xuyên tạc mà không kiểm chứng nguồn gốc, không bảo đảm tính chính xác không những gây xôn xao dư luận mà còn gây kích động, chia rẽ nội bộ, khiến Nhân dân giảm lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Trở lại câu chuyện Ban Tổ chức Thành ủy tổ chức chuyến nghỉ dưỡng đối với cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa và cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý. Đây là hoạt động thường niên của Thành ủy Hà Nội nhằm tri ân những đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ đã cống hiến công sức để xây dựng và phát triển Thủ đô trong giai đoạn qua. Điều này thể hiện rõ hình ảnh một Hà Nội nghĩa tình.
Những năm qua, Hà Nội đã dành nhiều ngân sách để quan tâm đến các đối tượng chính sách (Trong ảnh là UVBCT, Chủ tịch Quốc hội, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ thăm hỏi người có công). |
Không chỉ chăm lo đối với cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa và cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, hàng năm, Hà Nội đã dành nhiều ngân sách để quan tâm đến các đối tượng thuộc diện chính sách, người có công.
Gần đây nhất, ngày 7/12/2020, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 234/KH-UBND về việc tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 cho các đối tượng chính sách. Theo kế hoạch này, thành phố dành hơn 371 tỷ đồng tặng quà cho gần 847 nghìn đối tượng chính sách và các hộ nghèo trong đợt này.
Cụ thể, người có công với cách mạng là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến, thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động; Người tham gia hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 (lão thành cách mạng); Người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8/1945 (tiền khởi nghĩa) sẽ được nhận quà 1 triệu đồng/người...
Bên cạnh đó, cùng với việc quan tâm, chăm lo đối với người dân Thủ đô, những năm qua, với vai trò là Thủ đô - trái tim của cả nước, Hà Nội đã triển khai nhiều công trình, phần việc ý nghĩa với phương châm “Hà Nội vì cả nước”, mong muốn không ai bị bỏ lại phía sau.
Đơn cử như trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, Hà Nội đã phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ, sẻ chia tinh thần và vật chất để các địa phương sớm vượt qua khó khăn của dịch bệnh; Hay trong những trận mưa lũ lịch sử, các trận thiên tai khốc liệt tại nhiều tỉnh, thành phố trong những năm qua, Hà Nội luôn là địa phương đi đầu cả nước trong việc hỗ trợ, chia sẻ và giúp đỡ người dân nhanh chóng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống...
Tuổi trẻ Thủ đô hỗ trợ nông dân tỉnh Hải Dương tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch Covid-19 |
Những hoạt động hỗ trợ, cứu trợ của thành phố Hà Nội đối với các tỉnh, thành phố trên cả nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 hay thiên tai, bão lũ chỉ là một phần nhỏ trong rất nhiều sự hỗ trợ, sẻ chia của Hà Nội với các tỉnh, thành bạn trong cả nước thời gian gần đây.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: Giúp bạn là tự giúp mình. Hà Nội đang thể hiện tốt vai trò là Thủ đô, đầu tàu kết nối phát triển của miền Bắc và đồng bằng sông Hồng.
Chính vì thế, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu chiến lược xây dựng Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; Là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế. Để hướng tới mục tiêu lớn lao đó, Hà Nội đã và đang thực sự là thành phố kết nối các vùng miền trong cả nước, không chỉ là thành phố Anh hùng, thành phố ngàn năm văn hiến mà còn là thành phố của nghĩa tình, đáng trân trọng và nhân lên sự kết nối bằng yêu thương, bằng sức mạnh văn hóa cao đẹp.
Các thông tin độc hại, bịa đặt, xuyên tạc mà không kiểm chứng nguồn gốc, không bảo đảm tính chính xác trên mạng xã hội không những không làm lung lay lòng tin của Nhân dân, trái lại, nó chính là “phép thử” tinh thần đoàn kết của Nhân dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.