GenZ đi xem bói đầu năm: Đừng để tiền mất tật mang
Bắc Giang: Xử phạt thầy bói trẻ làm lễ cầu lộc, trừ tà giá 40 triệu đồng TTTĐ - Xem bói, làm lễ cầu lộc và trừ tà cho một phụ nữ với giá 40 triệu đồng, thầy bói trẻ sinh năm ... |
Bỏ tiền mua sự yên tâm?
Xem bói là một trong những hoạt động đầu năm của nhiều người, đặc biệt là người trẻ. Họ thường đi xem đầu năm để biết được tình về sức khỏe, tài chính, hay hôn nhân, nhà cửa trong năm.
Chỉ cần gõ từ khóa “xem bói online” trên mạng xã hội thì hàng loạt các hội nhóm xuất hiện, hay tên của các cậu, các cô, thậm chí là các thầy 4.0 sẽ xuất hiện. Nắm bắt “thông điệp từ vũ trụ”, tài khoản cá nhân của các thầy cũng thể hiện sự uy tín, chính xác bởi số lượng người theo dõi cực khủng và những phát ngôn rất “đanh thép”.
Xem bói online khá phổ biến trên mạng xã hội |
Với các GenZ, hạng mục xem bói cũng đa dạng hơn, không chỉ giới hạn ở công việc, tình duyên mà gi gỉ gì gi, cái gì cũng hỏi. Từ việc hôm nay nên mặc đồ màu gì, hay xem bói trước đề thi của các môn học,…Những hội nhóm xem bói như vậy có rất nhiều người tham gia và lượt tương tác cũng cực kỳ cao.
“Xem bói trên mạng, nếu có vận hạn, cũng có thầy sẽ nói giảm nói tránh, khuyên răn sao cho đúng hướng, người xem cảm thấy an tâm, thoải mái. Tuy nhiên, nhiều thầy dựa vào vận hạn của người xem để “doạ”, bắt người xem phải làm lễ, cúng bái để giải hạn”, Nguyễn Thu Trang, sinh viên năm thứ 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ.
Trên thực tế, nhiều bạn trẻ đã bị “tiền mất, tật mang” khi nhờ thầy giải hạn, hạn chưa thấy đâu nhưng tiền ăn, tiền sinh hoạt phí phải đi vay mượn, rồi làm thêm tăng ca để kiếm tiền chi phí cho bản thân. Với những bạn không có tiền làm giải hạn, họ luôn luôn sống trong cảnh lo sợ, áy náy, không yên tâm…
Mọi thông tin chỉ mang tính chất tham khảo
Xem bói không phải là xấu, nhưng xem thế nào để bản thân không bị ảnh hưởng tiêu cực, không cảm thấy hoang mang hay quá lo lắng, đồng thời, giúp mình có sự nỗ lực, cố gắng hơn trong tương lai?
Bạn Nguyễn Đức Huy, sinh viên năm cuối Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng: “Hôm vừa rồi mình có đi xem bói, dù thầy phán năm nay mình làm ăn tốt, nhiều tiền, tuy nhiên mình cho rằng nếu bản thân mình không cố gắng, nỗ lực thì cũng không thể giàu được. Vì vậy, thông tin xem bói chỉ mang tính chất tham khảo, mọi thứ đều phải dựa vào chính mình, cứ làm người tốt và làm tốt việc của mình, may mắn sẽ đến với bạn”.
Còn Kiều Linh (22 tuổi, Hà Nội) thường đi gieo quẻ hoặc xem tử vi vào dịp Tết Nguyên đán cùng với gia đình như một hoạt động truyền thống đầu năm và nó thỏa mãn sự tò mò của cô về tương lai.
Linh chia sẻ: "Không chỉ có dịp đầu xuân năm mới, mình thường xem tử vi khi gặp phải những vấn đề quan trọng mà chưa có hướng giải quyết. Dựa vào kết quả xem tử vi đó, mình sẽ tham khảo để đưa ra quyết định hoặc trấn an bản thân".
Dù thế Linh cũng phải thừa nhận, xem bói hay xem tử vi, tất cả đều chỉ là thông tin tham khảo, bản thân cô dựa vào đó để tự tin, tìm hướng đi và quyết đoán hơn trong mọi công việc.
Có thể thấy, giới trẻ ngày nay tìm đến “thầy” xem bói mỗi khi thấy căng thẳng, lo lắng về tương lai của mình. Họ mong nhận được lời khuyên, mách bảo hướng đi để tham khảo.
Lợi dụng niềm tin này, không ít “thầy” đã nắm bắt tâm lý hoang mang của người đi xem bói, dùng những từ ngữ không rõ ràng, gây hoang mang để lừa đảo lòng tin, tiền bạc,…
Xem bói đầu năm, với mục đính là mong muốn một năm được bình an, sung túc. Tuy nhiên, những lời thầy phán chỉ là một "bản phác thảo" tương lai để mọi người tham khảo, không nên quá đặt nặng niềm tin vào đó. Bởi vận mệnh là do con người quyết định, mọi thứ đều có thể thay đổi nếu bạn tự tin vào bản thân.