Giá vàng hôm nay 15/1: Vàng tiếp tục giảm mạnh
Giá vàng trong nước
Trên thị trường trong nước, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn chi nhánh Hà Nội hiện tại đang niêm yết vàng SJC ở mức: 55.800 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,420 triệu đồng/lượng (bán ra). Giảm 100.000 đồng/lượng theo chiều mua vào và chiều bán ra.
Tập đoàn Vàng Bạc Đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 55,850 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,300 triệu đồng/lượng (bán ra). Giảm 50.000 đồng/lượng theo chiều mua và giảm 100.000 đồng/lượng theo chiều bán ra.
Giá vàng SJC giao dịch lẻ của Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức giá 55,880 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,250 triệu đồng/lượng (bán ra). Giảm 40.000 đồng/lượng theo chiều mua vào và giảm 150.000 đồng/lượng theo chiều bán ra.
Công ty Phú Quý niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 55,850 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,250 triệu đồng/lượng (bán ra). Giảm 50.000 đồng/lượng theo chiều mua vào và giảm 150.000 đồng/lượng theo chiều bán ra.
Giá vàng hôm nay 15/1: Vàng tiếp tục giảm mạnh |
Giá vàng thế giới
Giá vàng thế giới chiều 14/1/2021 (theo giờ Việt Nam) đang giao dịch quanh ngưỡng 1.841 USD/ounce - giảm 7 USD so với đầu giờ sáng cùng ngày.
Giá vàng thế giới tiếp tục giảm mạnh trong bối cảnh đồng USD tăng giá so với nhiều đồng tiền mạnh khác. Đặc biệt, Mỹ đã công bố lạm phát tăng hơn kỳ vọng. Đồng thời Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Richard Clarida cho biết nền kinh tế Hoa Kỳ đã có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Từ đó, không ít nhà đầu tư suy đoán Fed sẽ giảm dần số tiền hỗ trợ cho nền kinh tế và tăng lãi suất. Nghĩa là trong tương lai, USD tiếp tục tăng giá, bất lợi cho giá vàng.
Hiện giới đầu tư đang theo dõi sát các diễn biến mới liên quan tới lễ nhậm chức tổng thống tiếp theo của ông Joe Biden, trong bối cảnh những kẻ cực đoan đe dọa bạo lực trên khắp nước Mỹ và Hạ viện Mỹ chuẩn bị để luận tội Tổng thống Trump lần thứ hai trong tuần cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống.
Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ nhậm chức vào ngày 20/1 tới. Ông chủ mới của Nhà Trắng từng phát biểu, người Mỹ cần thêm cứu trợ kinh tế và ông sẽ đưa ra một gói kích thích kinh tế "khủng" trị giá hàng nghìn tỷ USD.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các ngân hàng trung ương trên thế giới đã ở thế bán ròng vàng trong tháng 11 với dự trữ vàng toàn cầu chính thức giảm 6,5 tấn. Trước đó vào tháng 8 và 9, các ngân hàng cũng bán ròng lượng vàng nắm giữ. Giám đốc nghiên cứu của WGC Krishan Gopaul cho biết, 23,3 tấn vàng được bán ra, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ là nước dẫn đầu; thế nhưng, một số nước mua vào 16 tấn để bổ sung lượng dự trữ như Uzbekistan với 8,4 tấn, Qatar với 3,1 tấn, Ấn Độ với 2,8 tấn và Kazakhstan với 1,7 tấn.
Nhu cầu của ngân hàng trung ương đối với vàng đã trở nên dễ biến động, do sự không chắc chắn và áp lực chi tiêu tài khóa ngày càng gia tăng bởi đại dịch Covid-19. Dù bán ròng 3 tháng, nhìn chung trong năm 2020, ngân hàng trung ương các nước vẫn ở trạng thái mua.
Chuyên gia Sahil Kapoor và nhà kinh tế học Ankita Pathak của Edelweiss nhận định, các nhà đầu tư nên giành lấy vàng ở mức 1.850 USD/ounce trước khi giá kim loại quý hướng tới 2.800 USD trong vài năm tới.
Theo hai chuyên gia này, vàng đang trải qua tuần thứ hai của năm mới không mấy thuận lợi khi đánh mất mốc quan trọng 1.900 USD/ounce trong bối cảnh USD và lợi suất của Mỹ cao hơn. Tuy nhiên, về dài hạn, vàng là một chu kỳ tăng giá trong nhiều năm và sẽ được hỗ trợ nhiều bởi sự giảm giá của đồng bạc xanh.