Giá xăng dầu tăng cao kỷ lục trong vòng hai năm qua
Giá xăng ngày mai (12/7) có thể tăng cao |
Theo Liên Bộ Công thương - Tài chính, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm; OPEC+ không đạt được thỏa thuận tăng cung dầu thô cho thị trường; Những trở ngại trong đàm phán thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Iran; Diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại các nước Mỹ, Châu Âu đang dần được kiểm soát, kinh tế tại nhiều nước bắt đầu phục hồi cùng với các gói kích thích kinh tế làm tăng cung tiền... đã đẩy giá xăng, dầu tăng mạnh trong thời gian qua.
Giá xăng dầu tăng cao kỷ lục trong vòng hai năm qua |
Giá dầu thô ngày 6/7/2021 đã đạt mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Giá xăng dầu thành phẩm thế giới trong 15 ngày vừa qua tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chung là tăng khá cao, nhất là đối với các mặt hàng xăng.
Cụ thể, giá bình quân các sản phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 12/7/2021 là: 83,146 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 3,341 USD/thùng, tương đương tăng 4,19% so với kỳ trước); 85,223 USD/thùng xăng RON95 (tăng 3,956 USD/thùng, tương đương tăng 4,87% so với kỳ trước); 78,326 USD/thùng dầu diesel 0.05S (tăng 0,692 USD/thùng, tương đương tăng 0,89% so với kỳ trước); 77,355 USD/thùng dầu hỏa (tăng 0,597 USD/thùng, tương đương tăng 0,78% so với kỳ trước); 422,216 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S (tăng 7,184 USD/tấn, tương đương tăng 1,73% so với kỳ trước).
Chi thống kê giá thành phẩm xăng dầu thế giới 15 ngày gần đây |
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh trong nước tiếp tục diễn biến rất phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành trên cả nước, nhất là tại các tỉnh phía Nam. Nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, Liên Bộ Công thương - Tài chính đã thực hiện chi sử dụng liên tục Quỹ Bình ổn giá (BOG) ở mức cao.
Từ đầu năm 2021 đến nay, Quỹ BOG đã chi liên tục ở mức cao đối với các loại xăng dầu với từ 100-2.000 đồng/lít/kg. Do chi Quỹ BOG liên tục ở mức cao như trên nên giá xăng dầu trong nước đã có mức biến động thấp hơn thế giới. Giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường thế giới dùng để tính giá cơ sở từ kỳ điều hành ngày 11/1/2021 đến nay đã tăng từ 35-50%, trong khi giá xăng dầu trong nước tăng 28,5 - 33,6% tùy loại sản phẩm.
Nhằm tiếp tục hạn chế mức tăng giá của các mặt hàng xăng dầu có biến động giá lớn, hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đồng thời thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với các mặt hàng có giá ổn định hơn để có dư địa điều hành giá trong các tháng cuối năm 2021, Liên Bộ Công thương - Tài Chính quyết định tiếp tục chi Quỹ BOG ở mức cao đối với các mặt hàng xăng; Thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với các loại dầu.ư
Biến động giá bán lẻ xăng dầu trong nước tháng 9/2020 - 7/2021 |
Việc điều hành giá xăng dầu nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường năm 2021, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ.
Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ BOG, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Xăng E5RON92 không cao hơn 20.610 đồng/lít (tăng 850 đồng/lít so với giá hiện hành, nếu kỳ điều hành này không chi Quỹ BOG 1.300 đồng/lít thì giá sẽ tăng 2.150 đồng/lít và giá bán là 21.910 đồng/lít).
Xăng RON95-III không cao hơn 21.783 đồng/lít (tăng 867 đồng/lít so với giá hiện hành, nếu không chi Quỹ BOG 350 đồng/lít thì giá sẽ tăng 1.217 đồng/lít và giá bán là 22.133 đồng/lít).
Dầu diesel 0.05S không cao hơn 16.537 đồng/lít (tăng 418 đồng/lít so với giá hiện hành); Dầu hỏa không cao hơn 15.503 đồng/lít (tăng 452 đồng/lít so với giá hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 15.670 đồng/kg (tăng 221 đồng/kg so với giá hiện hành).