Giải đáp thắc mắc về chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội
Phát biểu tại buổi giao lưu trực tuyến, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Lê Thị Bích Ngọc cho biết: Với mong muốn góp phần giúp người lao động, người sử dụng lao động tiếp cận và hiểu những điểm mới của các luật vừa ban hành liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên, để áp dụng vào thực tế đúng và trúng nhất, báo Lao động Thủ đô chọn chủ đề chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội cho cuộc đối thoại lần này. Đây là 2 lĩnh vực người lao động cũng như người sử dụng lao động hết sức quan tâm, là một trong những thành tố quan trọng quyết định đời sống, việc làm của mỗi người dân.
Bà Lê Thị Bích Ngọc, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô phát biểu tại buổi giao lưu |
Tham gia buổi giao lưu, rất nhiều cán bộ, công chức, viên chức cũng như người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp đã đặt câu hỏi cho các chuyên gia.
Chị Đỗ Thị Thanh Hải, trường Trung học cơ sở Dũng Tiến hỏi: Theo Luật An toàn vệ sinh lao động, các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải được chủ sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe định kì, trong đó lao động nữ sẽ được khám chuyên khoa phụ sản. Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong khối công lập có được khám không? Ai là người tổ chức và việc thanh toán như thế nào? Đơn vị tôi là trường công lập có giáo viên nam sinh năm 1970 đã tham gia BHXH được 27 năm 10 tháng. Vì lý do sức khỏe anh đó muốn về hưu sớm thì có được không, thủ tục cách tính lương hưu như thế nào?
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng - Trưởng ban Chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động thành phố giải đáp, Luật An toàn vệ sinh lao động có đối tượng áp dụng là tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang nhân dân. Do vậy cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên người lao động trong khối các trường công lập cũng thuộc đối tượng áp dụng thực hiện Luật An toàn vệ sinh lao động.
Trong Luật này quy định, việc khám sức khỏe định kì ít nhất mỗi năm một lần và những người giáo viên, công chức, viên chức thuộc lĩnh vực lao động độc hại nguy hiểm thì ít nhất 6 tháng một lần. Chi phí đối với đơn vị hành chính sự nghiệp trích từ chi phí thường xuyên, doanh nghiệp được hạch toán bằng chi phí sản xuất. Riêng lao động nữ được khám chuyên khoa, chi phí này do trường, đơn vị phải chi trả.
Chị Đỗ Thị Thanh Hải, trường Trung học cơ sở Dũng Tiến đặt câu hỏi tại buổi giao lưu |
Về câu hỏi thứ hai của chị Hải, chuyên gia Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội trả lời: Điều kiện nghỉ hưu trước tuổi người lao động phải được xác định là suy giảm khả năng lao động, tối thiểu 60%. Đối tượng chị hỏi là sinh năm 1970, mới 50 tuổi thì phải được xác định là suy giảm lao động 81%. Trừ khi anh đó là trường hợp thuộc đối tượng được nghỉ hưu trước tuổi không thuộc đối tượng bị trừ tỷ lệ như tinh giản biên chế hoặc làm việc nặng nhọc, độc hại… đã được quy định tại các Thông tư, Nghị định thì nếu người đó về hưu trước tuổi sẽ bị trừ tỉ lệ là 2%/năm. Nếu anh chỉ đủ 27 năm đóng BHXH thì nghỉ hưu sẽ được hưởng 65% lương (lao động nam đóng đủ 33 năm mới được hưởng 75% lương) đồng thời trừ tiếp tỷ lệ nghỉ sớm là 2%/năm.
Anh Dương Thanh Tuấn, Công đoàn xã Khánh Hà đặt câu hỏi |
Anh Dương Thanh Tuấn (Công đoàn xã Khánh Hà) hỏi: Trong thẻ BHYT ghi là 5 năm liên tục. Vậy tham gia trên 5 năm và dưới 5 năm thì các chính sách được tính như thế nào?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu trả lời: Nếu thời gian mua BHYT bị ngắt quãng quá 3 tháng thì sẽ bị tính lại 5 năm từ đầu. Vì vậy nên mua BHYT liên tục để được hưởng các chế độ tốt hơn. Người bệnh tham gia BHYT trên 5 năm có thể được thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến.
Ngoài việc giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và chủ sử dụng lao động đến những chế độ, chính sách mới về tiền lương và bảo hiểm xã hội, buổi giao lưu còn là dịp để Liên đoàn Lao động huyện Thường Tín nói riêng, thành phố Hà Nội nói chung cũng như tổ chức Công đoàn lắng nghe ý kiến từ thực tiễn để tiếp tục đề nghị các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện chính sách, pháp luật tiệm cận hơn với thực tiễn đời sống của người lao động, cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn huyện.