Giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho xã viên hợp tác xã
Tạo việc làm ổn định cho lao động nghèo
Thực hiện chủ trương của Đảng về thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, cụ thể hóa các mục tiêu được nêu tại Nghị quyết số 20- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới phát triển kinh tế tập thể trong tình hình mới, đến nay, các cấp Hội Nông dân cả nước đã vận động thành lập được tới gần 3.800 hợp tác xã và khoảng 20.000 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và các ngành nghề khác.
Các kết quả trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã hỗ trợ đắc lực cho kinh tế hộ phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho hội viên, nông dân.
Đơn cử như Hợp tác xã Dịch vụ và Phát triển nông lâm nghiệp nông thôn Tùng Dương, xã Mỹ Hòa, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) đã triển khai hiệu quả mô hình "Chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã không chỉ giúp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân |
Ông Đinh Long Dương, Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ: Hợp tác xã hiện có 30 thành viên, trong đó 25 thành viên trong hệ thống và 5 thành viên liên kết. Hợp tác xã thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng đáp ứng nhu cầu thị trường, chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang cây có giá trị kinh tế cao hơn; chú trọng phát triển vùng nguyên liệu xuất khẩu, đặc biệt là vùng nguyên liệu mía của tỉnh. Đồng thời, tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp của hợp tác xã và các hộ dân tham gia hợp tác. Hợp tác xã đã xây dựng mô hình "Chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp” từ năm 2019.
Đến nay, Hợp tác xã Tùng Dương đã xây dựng thành công 3 mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với với các đối tác. Trong đó có "Chuỗi cung ứng liên kết sản xuất và tiêu thụ ngô sinh khối”. Nắm bắt nhu cầu thị trường, với sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Lạc, hợp tác xã đã ký kết sản xuất và tiêu thụ ngô sinh khối với Công ty T&T 159. Kết quả, tổng sản lượng đã đạt 560 tấn/vụ, tổng doanh thu đạt 672 triệu đồng; trung bình đạt 42 triệu đồng/ha/vụ, hiệu quả kinh tế tăng 1,5 lần so với trồng ngô truyền thống nhưng thời gia thu hoạch giảm 1/3. Sản phẩm của hợp tác xã đã được các công ty chăn nuôi và các trại bò trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận biết đến.
Từ sự thành công của mô hình, từ năm 2021 đến nay, hợp tác xã đã ký hợp đồng cung ứng tiêu thụ sản phẩm ngô sinh khối thường xuyên với Công ty T&T 159; Công ty Cổ phần Fai Group Lạc Thủy; Công ty Cổ phần Bò sữa Mộc Châu - Sơn La…
Năm 2021, hợp tác xã đã sản xuất, tiêu thụ trên 3.000 tấn, doanh thu đạt 3 tỷ đồng; năm 2022 sản xuất, tiêu thụ trên 4.500 tấn, doanh thu đạt 4,5 tỷ đồng và 6 tháng năm 2023 sản xuất, tiêu thụ trên 1.300 tấn, doanh thu đạt trên 1,2 tỷ đồng. Mô hình tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho các hộ tham gia vào chuỗi liên kết.
Với việc triển khai thực hiện thành công mô hình "Chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”, đặc biệt là chuỗi cung ứng liên kết sản xuất và tiêu thụ ngô sinh khối đã giúp hàng trăm hộ dân chuyển từ ngô lấy hạt sang ngô sinh khối đem lại doanh thu 3 - 4 tỷ đồng/năm, lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt từ 2 - 3 tỷ đồng. Mô hình của hợp tác xã đã cung cấp giống chất lượng cao cho vùng nguyên liệu xuất khẩu của huyện Tân Lạc nói riêng và tỉnh nói chung. Từ đó, tạo việc làm và thu nhập ổn định 4 - 5 triệu đồng/tháng cho hàng trăm lao động, trong đó lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo chiếm 30%.
Tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã
Có thể thấy rằng, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã không chỉ giúp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống của thành viên, đặc biệt nông dân và khu vực nông thôn.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất hàng hóa phi tiêu chuẩn sẽ rất khó cạnh tranh và tiếp cận thị trường nếu không có sự hợp tác, liên kết với nhau.
Đáng chú ý, số lượng hợp tác xã nông nghiệp chiếm tới 2/3 tổng số hợp tác xã trên cả nước. Hợp tác xã nông nghiệp là một mắt xích quan trọng trong hình thành và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, giúp nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa. Phát triển hợp tác xã nông nghiệp là tiền đề hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực (tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây) gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã, thời gian tới, các địa phương cần xác định, tập trung nguồn lực, tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, sản xuất gắn với chuỗi giá trị, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, tại các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Đồng thời, đổi mới cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể theo hướng khuyến khích tăng số lượng thành viên, quy mô hoạt động của hợp tác xã, thúc đẩy liên kết sản xuất phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường sản phẩm của các tổ chức kinh tế tập thể, hoạt động của các hợp tác xã...
Có thể nói rằng, kinh tế tập thể, hợp tác xã là mô hình kinh tế của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, nhất là những người dân yếu thế. Phát triển mạnh mẽ kinh tế tập thể, hợp tác xã chính là phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".