Hình thành chuỗi liên kết các hợp tác xã
Chuỗi liên kết tạo "đầu ra" cho sản phẩm nông sản
Liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị là giải pháp quan trọng nhằm khắc phục tình trạng canh tác manh mún, nhỏ lẻ, mất an toàn thực phẩm và bảo đảm “đầu ra” cho nông sản.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, đến hết quý III/2021, Hà Nội đã có 141 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm (tăng 386% so với năm 2015). Nhiều chuỗi được tổ chức khép kín, chủ động hoàn toàn từ khâu sản xuất giống, vật tư, tổ chức trồng trọt, chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tạo ra các thương hiệu mạnh trên thị trường...
Bà Đặng Thị Cuối, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) |
Nhờ phát triển sản xuất theo chuỗi khép kín, nhiều hợp tác xã tại Hà Nội phát huy vai trò nâng cao hiệu quả kinh tế khu vực nông thôn, đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành các tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới. Để thúc đẩy hơn nữa nền kinh tế tập thể khu vực nông thôn, tạo nguồn lực giúp các địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển hợp tác xã theo chuỗi giá trị.
Đánh giá về hoạt động của các hợp tác xã theo chuỗi giá trị, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: "Toàn thành phố hiện có 70 hợp tác xã tham gia liên kết chuỗi trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 50 hợp tác xã ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.
Các hợp tác xã theo chuỗi đang đóng góp nguồn lực rất lớn cho kinh tế khu vực nông thôn, giúp các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao".
Để nhân rộng các mô hình hợp tác xã theo chuỗi, thời gian tới, ngành Nông nghiệp thành phố tiếp tục phối hợp các quận, huyện, thị xã trong đánh giá tình hình hoạt động hợp tác xã nông nghiệp, đề xuất các chỉ tiêu, nội dung; rà soát, đề xuất kinh phí thực hiện nội dung hỗ trợ kế hoạch củng cố, kiện toàn hợp tác xã nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã và đang phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã thành phố trong quá trình tham gia góp ý vào chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025; đề án nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã giai đoạn 2021-2025.
Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) là đơn vị điển hình trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Nhiều năm qua, việc liên kết chuỗi giữa đơn vị này với các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn Hà Nội tạo được sự ổn định trong đầu ra của rau sạch sản xuất theo hướng hữu cơ.
Bà Đặng Thị Cuối, Giám đốc HTX Cuối Quý chia sẻ: “Trong nhiều năm qua thương hiệu rau hữu cơ của HTX Cuối Quý đã nổi tiếng khắp trong ngoài, thành phố Hà Nội. Việc liên kết để với các hệ thống thực phẩm, trường học, siêu thị… ngay trên địa bàn Hà Nội để tiêu thụ sản phẩm là một phương án hoàn toàn mang lại thu nhập cao cho HTX.
Việc sản xuất nông nghiệp gắn với liên kết tác nhân theo chuỗi, đã và đang đóng góp hiệu quả kinh tế cao, giúp người nông dân ổn định cuộc sống".
Nâng cao chất lượng sản phẩm
Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị và kết nối tiêu thụ nông sản đang trở thành hướng đi mới giúp người nông dân nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời, những mô hình này tạo vị thế và nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Mô hình nuôi thỏ theo chuỗi khép kín của Hợp tác xã thỏ Việt Nhật (xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ) |
Được thành lập năm 2020, mô hình nuôi thỏ của Hợp tác xã thỏ Việt Nhật (thôn Đại Từ, xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ) là mô hình mới, điển hình của Hà Nội được triển khai theo chuỗi khép kín.
Giám đốc Hợp tác xã thỏ Việt Nhật Lâm Thị Hương cho biết: "Với diện tích 1ha, hợp tác xã đang nuôi 700 con thỏ nái và 50 con thỏ đực để phối giống. Trung bình mỗi tháng, hơn 4.000 thỏ con được sinh ra và được nuôi trong vòng 45 ngày thì xuất bán. Hợp tác xã đang xuất bán thỏ thương phẩm 3 lứa/tháng, trừ các khoản chi phí, hợp tác xã thu gần 100 triệu đồng tiền lãi".
Mô hình nuôi thỏ của hợp tác xã được thực hiện theo hướng an toàn sinh học và tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ số kỹ thuật. Trên các lồng nuôi đều có bảng theo dõi cụ thể từng con, mỗi con thỏ được đánh mã vạch và quản lý theo tiêu chuẩn Nhật Bản; phía Nhật Bản xây dựng kế hoạch chăn nuôi - tiêu thụ nên hợp tác xã luôn yên tâm về đầu ra.
Theo lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam, để đẩy mạnh tổ chức liên kết sản xuất nông nghiệp, hình thành chuỗi liên kết hoàn chỉnh cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các chủ thể gồm: HTX, doanh nghiệp và chính quyền địa phương.
Sự liên kết này giúp các HTX xây dựng quy trình sản xuất theo hướng an toàn; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, liên kết theo chuỗi gắn với tiêu thụ; tổ chức nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng cho cán bộ quản lý HTX, kỹ năng đàm phán ký kết hợp đồng... Từ đó, thành viên HTX hiểu được nhu cầu của người tiêu dùng, làm ra những sản phẩm theo yêu cầu với giá trị kinh tế cao hơn, thay vì sản xuất và tiêu thụ theo truyền thống "bán cái mình có" như trước.