Giới trẻ Hà Nội sống văn minh để đẩy lùi dịch bệnh
Tạm dừng tổ chức lễ hội, khóa tu mùa hè cho giới trẻ Một bộ phận giới trẻ Hà Nội vẫn lơ là trong phòng, chống Covid 19 Bài 3: Sử dụng mạng xã hội thế nào là tích cực |
Nói không với tụ tập đông người
Theo ghi nhận của phóng viên, chiều 1/8 các quán trà chanh vỉa hè khu vực Nhà thờ Lớn Hà Nội và Cầu Giấy trở nên đìu hiu hẳn so với ngày thường. Nếu như ngày thường, hàng quán ở đây vẫn dày đặc những dãy bàn san sát nhau thì hôm nay, nhiều hàng nước đã thu vào khu vực trong nhà và hầu như không có khách. Riêng chỗ ngồi bán hàng của những quán trà đá, hôm nay khoảng vỉa hè đó trống trải hẳn...
Quán trà chanh trên đường Nguyễn Khánh Toàn dọn vào trong nhà nhưng cũng không có khách |
Anh Nguyễn Thành Nam (quận Đống Đa) quyết định ở nhà từ tối cuối cùng các hàng quán vỉa hè được mở cửa. “Đó phải là nơi có nguy cơ lây nhiễm thì chính quyền mới quyết định đóng cửa. Tôi hoàn toàn đồng tình với lệnh cấm này. Riêng bản thân tôi đã chấp hành ngay từ tối qua”, anh Nam nói.
Một số quán ăn vỉa hè khu vực chợ Nghĩa Tân (Cầy Giấy) vẫn mở cửa nhưng không có khách |
Lác đác vẫn còn một vài nhóm bạn trẻ đến quán trà chanh “chém gió” ở khu vực Nhà thờ Lớn. Bạn Đoàn Xuân Hùng (quận Hoàn Kiếm) cho rằng: “Chúng mình đến đây do thói quen. Bắt đầu từ tối nay, mình sẽ chấp hành nghiêm chỉnh chỉ thị của UBND thành phố Hà Nội”.
Các quán ăn vỉa hè trên phố Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) ngày thường rất tấp nập. Tuy nhiên hôm nay các quán vỉa hè cũng đóng cửa, một số quán thì vẫn mở nhưng rất ít khách. Người bán hàng ở đây cho biết, lượng khách giảm đáng kể so với ngày thường.
Địa điểm các quán ăn vỉa hè ngày thường kinh doanh nhộn nhịp nhưng nay đã đóng hết (đường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) |
Trước nguy cơ dịch bệnh lan rộng, người trẻ lại dần quen với làm việc online, gọi đồ ăn giao tận nhà hoặc tự nấu ăn. Chị Phùng Thị Vân (quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Gia đình tôi đã tự thực hiện giãn cách xã hội từ mấy hôm nay, ngừng ăn nhà hàng, nhất là hàng quán vỉa hè đông đúc, chật chội. Tôi thấy việc tự nấu ăn, hoặc gọi đồ ăn giao tận nhà rất tiện lợi. Tôi và gia đình vẫn có thể ăn món yêu thích và đảm bảo được an toàn trước nguy cơ dịch Covid-19 lây lan trở lại.”
Các quán karaoke trên đường Trần Thái Tông đồng loạt đóng cửa |
Là một người bán hàng phải đóng cửa để phòng chống dịch, chị Nguyễn Thu Hương, chủ quán nước vỉa hè trên đường Nguyễn Khánh Toàn gặp không ít khó khăn. “Phải đóng cửa thì mình thiệt hại không nhỏ về mặt kinh tế. Tuy nhiên cả nước đang đồng lòng chống dịch, mình nghĩ mình cũng có trách nghiệm thực hiện lệnh cấm này”, chị Hương tâm sự.
Còn với các quán karaoke, lệnh cấm dường như được chấp hành nghiêm chỉnh. Các quán trên đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy đồng loạt đóng cửa, treo biển dừng hoạt động theo lệnh của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội.
Các chủ quán karaoke tại quận Ba Đình nghiêm túc chấp hành lệnh cấm |
Cùng trong tình trạng “cửa đóng then cài”, các quán karaoke tại quận Ba Đình dừng hoạt động hoàn toàn.
Các tụ điểm vui chơi, giải trí và hàng quán vỉa hè chỉ hữu ích khi chúng không chưa đựng nguy cơ lây nhiễm. Người trẻ Hà Nội đang tỉnh táo, đề phòng và chung tay cùng cộng đồng phòng chống dịch bằng ý thức và hành động.
Kêu gọi nhau phòng chống dịch
Có thể nói, trong những ngày này, khi nhiều người dân còn đang hoang mang vì dịch Covid-19 bùng phát trở lại, không ít bạn trẻ đã tiên phong trong việc phòng, chống dịch bệnh, là lực lượng đi đầu lan tỏa lối sống hiện đại, văn minh đến những người xung quanh. Từ đó, giới trẻ cùng với gia đình họ tích cực phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
Chấp hành lệnh cấm của thành phố Hà Nội, người trẻ mong muốn giữ sức khỏe cho mình, cũng như bảo vệ những người thân cận, gần gũi nhất. Khỏe để làm việc, khỏe để khi đất nước cần, các bạn trẻ có thể là lực lượng xung phong phòng chống dịch.
Nhiều bạn trẻ thay đổi ảnh đại diện thể hiện lòng quyết tâm chung tay đẩy lùi dịch Covid-19 |
Không chỉ bằng hành động trong cuộc sống, trên mạng xã hội Facebook, nhiều bạn trẻ thay đổi ảnh đại diện với các khẩu hiệu như: Quyết tâm đẩy lùi dịch Covid, Việt Nam cố lên, Cùng Đà Nẵng đẩy lùi dịch Covid 19...
Nguyễn Trung Dũng, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: “Với mình, thay đổi hình đại diện và khẩu hiệu phòng chống dịch Covid-19 trên Facebook là để nhắc nhở bản thân luôn có trách nghiệm với xã hội. Trước tiên là tuân thủ quy định phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế, sau đó thôi thúc bản thân cống hiến, tình nguyện trong công tác đẩy lùi dịch Covid-19 của Đoàn trường”.
Không chỉ trên mạng xã hội, thực tế người trẻ đang nhận thức được trách nghiệm của bản thân trong đại dịch Covid-19. Các tụ điểm vui chơi, giải trí và hàng quán chỉ hữu ích khi chúng không chưa đựng nguy cơ lây nhiễm. Khi mọi thứ yên bình trờ lại, đất nước không còn dịch Covid-19, người trẻ lại tiếp tục tụ tập, vui chơi giải trí cũng chưa muộn.
Để chống lại đại dịch Covid-19, cần có sự chung tay của các bạn thanh niên bằng những hành động thiết thực. Nếu người trẻ đồng lòng thực hiện lệnh cấm, sẽ không có hàng quán nào mở cửa trái phép. Từ đó, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, cùng toàn dân đẩy lùi dịch bệnh.
Bài 1: Những hội nhóm xấu trên Facebook đang đầu độc giới trẻ |