Giới trẻ Hàn Quốc ngày càng sống phụ thuộc cha mẹ
Thế hệ chuột túi
Theo báo cáo của Cục Thống kê Hàn Quốc, đất nước này có tổng cộng 54,8% người dân độc thân ở độ tuổi 30 đang sống với cha mẹ thay vì ở riêng. Báo cáo cho thấy 62,3% những người chưa kết hôn trong độ tuổi từ 20 đến 44 đang sống với cha mẹ của họ.
Trong số đó, 42,1% không có việc làm. Điều này cho thấy tình trạng việc làm không ổn định dường như là yếu tố chính đằng sau sự xuất hiện của thế hệ chuột túi. Thế hệ chuột túi là một thuật ngữ dùng để chỉ những người phụ thuộc vào cha mẹ về tài chính và tình cảm ngay cả khi họ đã đủ lớn để tự lập cuộc sống của mình.
Nhiều người trẻ Hàn Quốc đang chọn cách rời xa ba cột mốc quan trọng của cuộc đời là hẹn hò, kết hôn và sinh con vì họ không thể tìm được việc làm ổn định trong bối cảnh kinh tế suy thoái kéo dài và giá nhà tăng chóng mặt.
Giới trẻ Hàn Quốc ngày càng sống phụ thuộc vào cha mẹ (Ảnh: Getty) |
Báo cáo cho thấy 61,6% phụ nữ độc thân trong độ tuổi từ 30 đến 44 nghĩ rằng sẽ ổn ngay cả khi họ không kết hôn. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với 45,9% đối với nam giới độc thân trong cùng nhóm tuổi. Theo số liệu thống kê năm 2020, số cặp đôi kết hôn ở Hàn Quốc là 214.000, giảm 10,7% so với năm trước đó. Đây là con số thấp nhất kể từ năm 1970 khi các số liệu bắt đầu được thu thập, kéo dài đà giảm trong năm thứ 9 liên tiếp. Trong khi đó, mức giảm hằng năm trong năm 2020 cũng là mức cao nhất kể từ năm 1971 (giảm 18,9%), đánh dấu mức giảm hai chữ số đầu tiên trong 23 năm qua.
Theo kết quả một cuộc khảo sát khác của Chính phủ Hàn Quốc vào năm 2020, chỉ có 51,2% số người từ 13 tuổi trở lên nghĩ rằng họ phải lập gia đình sau này, giảm 14 điểm phần trăm so với năm 2010. Dữ liệu mới nhất cũng cho thấy độ tuổi kết hôn trung bình của nam giới Hàn Quốc trong năm 2020 là 33,2 - tăng 1,4 tuổi so với 10 năm trước đó. Độ tuổi kết hôn lần đầu trung bình của phụ nữ là 30,8 - tăng 1,9 tuổi so với một thập kỷ trước.
Nhiều hệ lụy đằng sau
Lập gia đình và sinh con dường như trở thành nỗi sợ hãi đối với thanh niên ở một quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức kỷ lục trong vòng 17 năm qua, theo tổ chức các nền kinh tế OECD.
Theo số liệu được Chính phủ Hàn Quốc công bố ngày 13/1, số việc làm ở nước này trong tháng 12 vừa qua giảm 628.000 công việc so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/1999 - thời điểm Hàn Quốc vừa trải qua cuộc khủng hoảng tài chính.
Đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc làm ngày càng bị thu hẹp tỷ lệ. Do vậy, thế hệ chuột túi có khả năng còn tăng cao hơn nữa.
Giáo sư Liu Zaiyan tại Đại học Gachon cho biết: “Với những khó khăn về việc làm, giá nhà đất tăng và tỷ lệ kết hôn giảm, số lượng chuột túi sẽ tiếp tục tăng trong tương lai”.
Tuy nhiên, chuyên gia nghiên cứu Kim Ji Gyeong của Viện Chính sách cho giới trẻ quốc gia Hàn Quốc nhận định thế hệ chuột túi đang tạo nên hàng loạt những hệ lụy cho xã hội. Không hẹn hò, không kết hôn khiến mức sinh tại xứ sở kim chi ghi nhận mức thấp kỷ lục. Vào thời kỳ đầu thập niên 1970, Hàn Quốc có gần 1 triệu trẻ sơ sinh ra đời mỗi năm. Tuy nhiên đến những năm gần đây, con số này đã giảm mạnh.
Thế hệ chuột túi ngày càng gia tăng ở Hàn Quốc (Ảnh: Yonhap) |
Theo số liệu điều tra dân số mới nhất do Bộ Nội vụ và An toàn Hàn Quốc công bố, năm 2020, tại nước này có 275.815 trẻ được sinh ra, giảm 10,65% so với năm trước đó. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, đến năm 2030 sẽ có 1/3 dân số là người già trên 65 tuổi. Thách thức này có thể khiến Hàn Quốc rơi vào tình trạng thiếu nguồn nhân lực cũng như đè nặng trách nhiệm tài chính, y tế lên vai những người trẻ.
Thiếu hụt nguồn nhân lực có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Số lượng lớn người cao tuổi đồng nghĩa Chính phủ sẽ phải chi nhiều hơn cho an sinh xã hội, lương hưu và người trẻ sẽ phải trả thêm thuế để bù ngân sách.
Bên cạnh đó, thế hệ chuột túi còn làm gia tăng thêm gánh nặng cho các bậc phụ huynh khi nhiều người đến tuổi nghỉ hưu vẫn phải bươn chải để vừa chăm lo cho những đứa con “ăn bám”, vừa phải phụng dưỡng cha mẹ đã già của mình.
Theo một cuộc khảo sát khác của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc, mức tài chính trung bình mà các bậc phụ huynh phải hỗ trợ cho mỗi người con trưởng thành của mình lên tới 740.000 won (650 USD)/tháng.
Báo cáo của Viện Hưu trí Mirae Asset cho thấy, khoảng 34,5% trong số 2.001 người được khảo sát ở độ tuổi 50 - 60 đang phải gánh vác đồng thời trách nhiệm chăm sóc con cái lẫn cha mẹ già.
Cô gái gốc Việt rạng danh xứ sở kim chi |
Hàn Quốc: 84% tờ báo và tạp chí gặp khó khăn |
Hàn Quốc đưa trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy |
“Giải độc công nghệ” trong thời Covid-19 |