Giới trẻ “thắt lưng buộc bụng” đón Tết
Sinh viên thử thách bản thân với hành trình “săn tuyết” Lì xì Tết 2021 bắt trend “hút” giới trẻ Quà công nghệ tặng "crush" bắt “trend” giới trẻ |
Giảm ăn, giảm tiêu
Xu hướng cắt giảm, thắt chặt chi tiêu đang lan rộng rắp thế giới chứ không riêng gì các bạn trẻ Việt Nam và điều này càng thấy rõ hơn khi những ngày Tết đang cận kề. Hầu hết các cửa hàng, trung tâm thương mại, siêu thị trên phố đều treo biển khuyến mại, giảm giá tất cả các sản phẩm nhưng đều vắng bóng người mua.
Giới trẻ thăt lưng buộc bụng chi tiêu và tìm thêm việc làm thêm để trang trải dịp Tết |
Chị Cao Thúy Hằng, chủ shop thời trang trên phố Bà Triệu chia sẻ: “Mặc dù cửa hàng đưa ra rất nhiều chương trình ưu đãi nhưng vẫn “vắng như chùa bà Đanh”. Đại dịch Covid-19 khiến nhiều bạn trẻ phải nghỉ việc không có thu nhập nên việc chi tiêu cho mua sắm quần áo những ngày này cũng phải cắt giảm”.
Nhiều điểm bán hàng vắng hoe |
Bằng giờ này các năm trước, mọi người đổ xô đi mua sắm Tết không khí đông vui tấp nập, năm nay mọi người chủ yếu đi xem chứ mua thì thực sự ít, chị Hằng nói thêm.
Giống như nhiều bạn trẻ khác, Ngô Hải Phong, 26 tuổi (ở đống Đống Đa, Hà Nội) đang phải tính toán chi li từng khoản để lo cho Tết. “Tiết kiệm tiền là việc đầu tiên tôi nghĩ đến mỗi ngày. Lương bị cắt giảm, thưởng Tết không có vì nửa năm dịch bệnh công ty không có dự án. Bây giờ, mua thứ gì tôi cũng phải suy tính cân lên đặt xuống xem bản thân có thực sự cần không rồi mới dám đưa ra quyết định”.
Phong cũng tự an ủi bản thân, dù lương ít hơn trước, không còn thoải mái trong việc chi tiêu nhưng may mắn là tôi không bị sa thải, mất việc như nhiều bạn bè khác. “Bóp bụng” lại một chút chắc vẫn đủ sống qua Tết.
“Mặc trên người những bộ quần áo đắt đỏ không thú vị bằng việc phối lại các bộ quần áo cũ nhưng lại hợp mắt với người đối diện. Hạn chế tối đa việc chi tiêu chắc chắn không ảnh hưởng đến sự tròn đầy, hạnh phúc trong những ngày Tết vì điều ý nghĩa nhất trong những ngày này là sự ấm áp của tình thân”, Phong chia sẻ thêm.
Chật vật xoay xở tiền tiêu Tết càng là nỗi ám ảnh với những sinh viên mới tốt nghiệp. Phạm Thị Hải Hà, 22 tuổi, mới tốt nghiệp ngành Du lịch trường Đại học Mở Hà Nội chia sẻ, sau khi tốt nghiệp cô có kế hoạch tìm việc đúng với chuyên ngành nhưng đại dịch Covid-19 khiến mọi kế hoạch của cô bị đổ bể.
Hà cho biết, để có tiền sinh hoạt hàng tháng, cô chấp nhận làm công việc văn phòng tại một công ty tư vấn tài chính, nhưng với đồng lương ít ỏi khiến cô thường xuyên rơi vào tình cảnh kẹt tiền khi đến cuối tháng.
“Sinh viên mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm lại làm trái ngành nên mức lương rất thấp, chưa kể là nhân viên mới nên công ty không có chế độ thưởng Tết. Hàng tháng, tôi vẫn phải trả tiền nhà, gửi tiền về cho bố mẹ nên những nhu cầu của bản thân phải cắt giảm hết mức”, Hà nói.
Ngay cả việc ăn gì mỗi ngày tôi cũng phải tính xem nên mua cái gì, nấu cái gì để có thể ăn dè được nhiều bữa. Còn lại tiền tiết kiệm thì để mua chút quà về quê biếu bố mẹ, thắp hương ông bà tổ tiên. Mình chỉ mong có vậy chứ chưa nói đến mua sắm gì nhiều, Hà thổ lộ.
Cô cũng lạc quan chấp nhận ngày thường “đói” một chút cũng được để dành cho một cái Tết tròn đầy. “Với người Việt mình, nghèo đến mấy thì ngày Tết trong nhà mọi thứ đều phải tươm tất để khởi đầu cho một năm mới may mắn, no đủ hơn”, Hà nói trong hy vọng.
Chạy đua với Tết
Nhiều bạn sinh viên đi làm thêm để kiếm tiền tiêu dịp Tết |
Trong thời buổi kinh tế khó khăn, “ngân khố” có hạn mà tết thì có nhiều thứ phải sắm sửa, do đó người trẻ nào cũng phải thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu hàng ngày cũng là điều dễ hiểu. Bên cạnh việc tiết kiệm chi tiêu, nhiều người trẻ chạy đua với Tết bằng việc nhận thêm việc về nhà làm, làm tăng ca để có thêm một khoản thu nhập những ngày cận Tết.
Bùi Chí Thành (25 tuổi), nhân viên bán hàng tại một trung tâm thương mại cho hay, kinh tế khó khăn nên mọi người hạn chế việc mua sắm, kéo theo lương và doanh số bán hàng của nhân viên không cao. Điều này buộc Thành phải tìm thêm một công việc để có thêm khoản thu.
“Mình trở thành tài xế xe ôm công nghệ bất đắc dĩ để trang trải cuộc sống trong những ngày cận Tết. Mình làm theo ca nên ban ngày mình bán hàng tại trung tâm thương mại, tan ca mình bắt đầu đưa đón khách, những hôm làm ca chiều thì mình lại tranh thủ chạy buổi sáng”, Thành chia sẻ.
Những ngày mưa gió, lượng khách ít mình nhận thêm cả việc đi ship hàng và đồ ăn. Mình cố gắng tranh thủ thời gian rảnh để chạy nhiều nhất có thể, nếu đạt chỉ tiêu trong ngày thì sẽ có thêm tiền thưởng để lo cho Tết, Thành nói thêm.
Cũng giống như Thành, Mai Hoàng Trúc, sinh viên năm cuối Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ: “Ngoài việc lo tiền tiêu Tết, mình còn phải lo tiền đóng học phí để phụ đỡ bố mẹ nên hơn tháng nay mình đăng ký làm tăng ca, thêm giờ tại nhà hàng Nhật”.
Làm thêm giờ, mình được bao ăn tại quán thế là cũng đỡ được một khoản. Làm tăng ca mỗi ngày mình được thêm 100 nghìn đồng, nó không quá nhiều nhưng tích góp lại cũng được một khoản gửi về để bố mẹ lo Tết, Hoàng Trúc tâm sự.
Nhiều bạn trẻ làm đồ ăn để bán online |
Bệnh cạnh việc, chạy xe ôm công nghệ, làm tăng ca tại các nhà hàng ăn uống. Nhiều bạn trẻ không ngại lựa chọn những công việc như dọn nhà dịp Tết theo giờ, làm đồ handmade bán online…
Với tài nấu ăn khéo léo, chị Đặng Phương Nhung (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) tranh thủ làm các loại bánh, mứt bán sau giờ làm hành chính.
“Hai vợ chồng mới cưới nên Tết phải lo sắm sửa, trang trí nhà cửa, chuẩn bị quà cho hai bên nội ngoại cũng khiến hai vợ chồng đau đầu. May mắn được mọi người mua mứt bánh ủng hộ nên mình cũng có thêm thu nhập để lo sắm Tết cho gia đình nhỏ”, chị Nhung chia sẻ.
Tết ngày một cận kề, để có một cái Tết vui vẻ, đầm ấm trong khi lương, thưởng eo hẹp nhiều bạn trẻ đang cố gắng xoay xở với mong muốn “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”.
Giới trẻ tất bật lên kế hoạch cho năm mới 2021 |