Giữ gìn hình ảnh để không là "tâm điểm chú ý"
Mỗi hành động ngàn ánh nhìn
Nếu như ở trong gia đình, không gian riêng tư, đôi khi chúng ta có thể suồng sã, tự buông lỏng bản thân nhưng tại nơi công cộng, nhất là chỗ đông người thì mỗi một hành động, cử chỉ của chúng ta sẽ có rất nhiều ánh mắt nhìn vào. Nói như thế không phải là người Hà Nội hiếu kì, hay đánh giá người khác.
Thực tế, nếu chúng ta nói năng, đi lại, cư xử đúng chuẩn mực thì sẽ không ai để ý đến mình. Ngược lại, nếu chỉ một tiếng nói to trong rạp chiếu phim, tiếng khạc nhổ trong quán ăn, nhà hàng hay dáng ngồi ngả ngớn, chiếc áo, chiếc quần không được chỉnh tề ở chốn tâm linh thì chắc chắn sự khó chịu sẽ đổ dồn về người thiếu ý thức.
Người xưa vẫn có câu "Ăn tùy nơi, chơi tùy chốn" còn ngày nay, bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng không còn xa lạ gì với mọi người nữa. Trên các phương tiện truyền thông, hệ thống loa phường, các ban ngành đoàn thể đã tuyên truyền bằng nhiều hình thức giúp chúng ta đều được tiếp cận với bộ quy tắc này. Cùng với hệ thống bảng quy tắc ứng xử được niêm yết tại khắp các địa điểm công cộng, hơn 6 năm qua, những điều này đã trở thành "bảng quy chiếu" cho giá trị người Hà Nội hiện nay.
Chớ nên tùy tiện như ở nhà mình |
Người Hà Nội rất bao dung nhưng chắc chắn sẽ không thể bỏ qua những hành vi lệch chuẩn, đặc biệt là những hành vi ấy lại làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Hãy thử tưởng tượng chúng ta đang thưởng thức bữa ăn ngon lành hay đang thư thái dạo mát trong công viên mà có người bên cạnh khạc nhổ bừa bãi thì chúng ta còn ăn tiếp được nữa không, bước đi trên đường có thấy ghê chân không?
Cũng tương tự, đang xem một bộ phim hay trong rạp, đang đọc một cuốn sách hay trong thư viện mà người bên cạnh nói chuyện rất to, hẳn chúng ta sẽ rất bực mình vì bị phân tán. Còn rất nhiều, rất nhiều những tình huống mà ta có thể bắt gặp trong cuộc sống thường ngày. Đặc biệt là, nếu những hành động đó không bị lên án bằng ánh mắt, bằng sự góp ý, bằng sự phản đối của những người xung quanh thì sẽ rất dễ tạo tiền lệ xấu để những người khác thể làm theo. Không những vậy, những "tấm gương mờ" đó còn ảnh hưởng đến trẻ nhỏ nếu lặp đi lặp lại.
Sống trong xã hội là chúng ta sẽ luôn tự đặt mình vào những quy chuẩn của xã hội để hòa chung vào tập thể, không tác động xấu tới xung quanh và cùng tạo nên những giá trị của cộng đồng. Nếu ai đó tự tách mình ra khỏi đám đông thì chắc chắn sẽ không được ủng hộ.
Hãy tự soi chiếu mình trước
Những hành động đúng và đẹp luôn phải là cả quá trình được giáo dục, rèn luyện trở thành ý thức và bản chất của mỗi con người. Dù vậy, trong suốt cuộc đời, không phải tình huống nào cũng giống tình huống nào nên đòi hỏi chúng ta ngoài nền tảng vững vàng về văn hóa thì còn phải có những kĩ năng xử lý linh hoạt thông qua việc đề cao ý thức, thường trực nhắc nhở mình. Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng chính là một trong những "trợ lý" đắc lực để chúng ta thực hiện điều đó.
Chỉ là những điều khuyến cáo nhẹ nhàng, không có xử phạt nhưng lại có khen thưởng, những điều quy định trong bộ Quy tắc ứng xử từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại. Bộ quy tắc này cũng góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô và đất nước, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Người Hà Nội tìm hiểu quy tắc ứng xử nơi công cộng |
Thời gian hơn 6 năm tuy chưa phải là nhiều nhưng cũng là một dấu mốc đáng kể cho thấy bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng đã phát huy giá trị của mình với đời sống người dân Thủ đô. Cuộc sống vẫn luôn tiếp diễn, nhất là trong một xã hội năng động như hiện nay, nhu cầu xuất hiện tại các nơi công cộng của người Hà Nội ngày càng nhiều lên thì việc đôi khi chúng ta sơ ý làm nên những hành động chưa đẹp mắt cũng rất có thể xảy ra.
Chị Hiền Mai (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) kể rằng dù mình rất cẩn thận khi tham gia giao thông nhưng vì hôm đó có một rắc rối nhỏ khiến chị phải vừa đi vừa nghĩ tìm cách giải quyết. Thật không may, chị vặn tay ga khi đèn đỏ còn vài giây. Lúc đó, một bà lão muốn sang đường nhưng giật mình lùi lại và ngã xuống mà chị không hay biết. Lúc ấy chị đã phóng đi được một đoạn và thấy có người đuổi theo mình nhắc nhở: "Làm người già ngã mà không quay lại xin lỗi hay xem cụ có làm sao không à? Sao chị vô ý thức thế?".
Chị Mai vội vàng quay lại và lúc đó mới biết mình vô tình gây nên chuyện này. Rất may bà già chỉ bị hoảng hốt và đau tay một chút. Khi thấy chị quay lại và tỏ ý ăn năn thì bà vui vẻ bỏ qua ngay bởi bà cũng nhận ra là mình không nên cố sang đường khi tín hiệu đèn giao thông dành cho xe máy sắp chuyển xanh.
"Chuyện rất nhỏ nhưng khiến mình nhớ mãi. Bởi chỉ một sơ sẩy thôi là chúng ta có thể trở thành người vô ý thức với những cư xử không đẹp. Từ đó, khi đi ra đường tôi luôn cẩn thận, không để bị phân tán vì bất cứ điều gì nữa", chị Hiền Mai cho biết.
Luôn tự nhắc nhở mình thì sai sót sẽ bớt xảy ra hơn, đó là những điều mà chúng ta có thể đúc kết lại từ thực tế. Với việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng cũng như vậy. Đóng góp của chúng ta cho cộng đồng, cho thành phố là bởi những hành động đúng và đẹp thường xuyên, liên tục. Mong rằng, mỗi người đều nhớ rõ điều này.