Giữa "bão dịch Corona": Không chỉ xuất nhập khẩu ảnh hưởng mà doanh nghiệp sản xuất cũng "khóc"
Để đối phó với dịch do chủng mới virus Corona gây ra đang lây lan nhanh chóng, nhiều quốc gia đã có những biện pháp mạnh mẽ như đóng cửa biên giới, ngừng cấp thị thực, sơ tán công dân khỏi Trung Quốc
Bài liên quan
Việt Nam phát hiện bệnh nhân nhiễm virus Corona (nCoV) thứ 14
Mùa dịch virus Corona, làm thế nào để giao dịch ngân hàng an toàn?
EVN HANOI chung tay ứng phó dịch bệnh do virus Corona
Cẩm nang phòng, chống dịch bệnh nCoV trong trường học
Ra mắt trang tin điện tử về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV
Nguy cơ doanh nghiệp phải dừng sản xuất rất cao
Để gỡ khó cho doanh nghiệp, ngày 7/2, Bộ Công thương đã tổ chức cuộc họp với đại diện các Hiệp hội gồm: Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, Hiệp hội Da giầy và túi xách Việt Nam, Hiệp hội DN điện tử Việt Nam, Hiệp hội Thép Việt Nam, Tập đoàn Samsung…
Tại cuộc họp, đại diện các đại biểu đồng nhất cho rằng, dịch bệnh ảnh hưởng đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam không chỉ giới hạn trong quan hệ thương mại trực tiếp với Trung Quốc mà cả trên các thị trường thứ ba; ảnh hưởng từ xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại cho đến sản xuất công nghiệp, quản lý chuỗi cung ứng.
“Hiện nguyên liệu, lượng hàng tồn kho tại các doanh nghiệp sản xuất đang gần hết, tác động của dịch bệnh do chủng mới của virus Corona (nCoV) sẽ thấy rõ rệt trong vòng 1 - 2 tháng nữa”, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết.
Thực tế, để đối phó với dịch virus Corona đang lây lan nhanh chóng, nhiều quốc gia đã có những biện pháp mạnh mẽ như đóng cửa biên giới, ngừng cấp thị thực, sơ tán công dân khỏi Trung Quốc.
Do đó, một số khó khăn trước mắt có thể chỉ ra cho các doanh nghiệp: Kéo dài thời gian giao hàng, thông quan do phải thực hiện các công tác kiểm dịch y tế nghiêm ngặt ở cả 2 đầu (xuất và nhập); Giao thương qua đường bộ, đường sắt, đường hàng không bị hạn chế; Nhu cầu nhập khẩu phục vụ tiêu dùng và sản xuất của Trung Quốc giảm.
Về nhập khẩu, khó khăn sẽ xảy ra khi nguồn hàng từ Trung Quốc giảm, có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu sang các thị trường thứ ba. Về cân đối cung cầu, có thể xảy ra tình trạng thiếu/thừa một số loại hàng hóa nhất định.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam nhận định: “Lượng hàng tồn kho trong các doanh nghiệp sản xuất hiện đang gần hết. Trong khi đó, các lô hàng đang đặt mới lại tắc ở khâu thông quan tại cửa khẩu đường bộ. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi cung ứng. Từ đó nguy cơ dừng sản xuất rất cao, việc trả lương cho người lao động, cộng thêm tri phí duy trì bảo dưỡng máy móc đang đẩy doanh nghiệp sản xuất đến chỗ khó khăn”.
Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư kí Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Trương Văn Cảm cho biết: “Nguồn nguyên liệu của ngành dệt may có một tỷ lệ đáng kể đến từ Trung Quốc. Việc xảy ra dịch nCoV đã khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu đóng cửa không hoạt động nên nguy cơ thiếu nguyên phụ liệu trong thời gian tới là rất lớn. Theo khảo sát sơ bộ, nguyên liệu trong kho của các doanh nghiệp này cũng chỉ đáp ứng sản xuất một thời gian ngắn nữa”.
Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp
Để giải quyết bài toán này, hiện một số doanh nghiệp dệt may, da giày đã, đang tìm đến phương án nhập nguyên phụ liệu từ các quốc gia khác như: Hàn Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Braxin… Tuy nhiên, phương án này còn gặp nhiều khó khăn về giá cả. Vì đơn giá của các doanh nghiệp Trung Quốc luôn thấp hơn so với các nước trên.
Trước những khó khăn từ doanh nghiệp, đại diện các Hiệp hội kiến nghị Nhà nước cần có nguồn vay ưu đãi, những chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp. Bênh cạnh đó, việc hỗ trợ đầu tư từ chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia của Chính phủ cần thiết thực, thay vì chỉ dừng lại ở khâu quảng bá hỗ trợ kết nối, thông tin tổng quan.
Lắng nghe ý kiến của các đại biểu, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu thông tin, Bộ Công thương đang tiếp tục triển khai các biện pháp để hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, đồng thời giảm khó khăn cho hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu để duy trì đà sản xuất tăng trưởng.
Về những khó khăn khi xuất nhập hàng tại các cửa khẩu, Bộ Công thương đã có trao đổi với Bộ Y tế theo hướng triển khai quyết liệt các biện pháp chống dịch, ngăn dịch những vẫn đảm bảo biện pháp đưa ra không gây khó khăn quá mức cần thiết cho hoạt động giao thương.
Cụ thể, ngày 5/2, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh đã ký văn bản số 709/BCT-XNK đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam khuyến nghị các hội viên cùng chung tay góp sức, có biện pháp hỗ trợ như giảm chi phí lưu kho lưu bãi, giảm phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa để các doanh nghiệp phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị có thể tăng cường thu mua nông sản cho nông dân.