Hà Nội: Nỗ lực bao phủ vắc xin gắn với đảm bảo an sinh cho người dân mùa dịch
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong kết luận giao ban. |
Dự hội nghị có các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành uỷ, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, các Phó Chủ tịch UBND TP, Phó Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy TP, lãnh đạo một số sở, ngành của Hà Nội.
Tại hội nghị, các đại biểu tại các điểm cầu được thông tin về tình hình phòng, chống dịch Covid-19; công tác an sinh xã hội cho những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và các nhiệm vụ tiếp tục triển khai trong thời gian tới.
Đã tiêm được trên 80,8% số vắc xin được cấp
Theo số liệu của ngành chức năng, số ca mắc công bố ngày 7/9 (18h ngày 7/9 đến 12h ngày 8/9): 39 ca (trong đó có 7 ca tại cộng đồng; 29 ca tại khu cách ly; 3 ca tại khu vực phong tỏa).
Tổng số điểm phong tỏa tính đến 15h00 ngày 8/9/2021 là 601 điểm. Trong đó, số điểm phong tỏa mới trong ngày là 10 điểm. 381 điểm phong tỏa mới từ 24/7 đến nay. 96/601 điểm đang còn phong tỏa.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông báo cáo nhanh về nhiệm vụ được giao |
Về vắc xin phòng Covid-19, đến 4/9/2021, tổng số vắc xin TP đã được phân bổ theo các Quyết định của Bộ Y tế là trên 3,3 triệu liều. Thực lĩnh về kho Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội và phân bổ cho các đơn vị là trên 3,1 triệu liều. Cộng dồn đến 12h ngày 7/9/2021, TP đã triển khai tiêm được hơn 2,5 triệu liều (đạt tỷ lệ 80,8% số lượng vắc xin được cấp), trong đó 26,9% dân số đã được tiêm mũi 2 (Số liệu chưa bao gồm kết quả tiêm cho người dân TP của các Bệnh viện Trung ương và ngành trên địa bàn nhận vắc xin trực tiếp từ Bộ Y tế cấp).
Liên quan đến công tác xử lý vi phạm các quy định phòng, chống dịch Covid-19 trong ngày 8/9 có 405 trường hợp bị xử phạt. Các vi phạm chủ yếu vẫn là không đeo khẩu trang nơi công cộng; Cơ sở không thực hiện tạm dừng kinh doanh; Không thực hiện biện pháp cách ly; Tập trung đông người; Ra khỏi nhà khi không cần thiết; Đeo khẩu trang không đúng quy cách...
Riêng ngày 8/9 có trên 5.600 lượt người dân cài đặt Bluzone, lũy kế đến nay có trên 3,3 triệu lượt cài đặt ứng dụng. Một số địa phương có tỷ lệ cài đặt thấp: Ứng Hòa (38%), Phú Xuyên (39%), Ba Vì (38%).
Theo thống kê của ngành chức năng, lũy kế đến nay có 6.396.306 tờ khai y tế, riêng ngày 8/9 có 564 trường hợp khai báo có triệu chứng ho, sốt, khó thở.
Lũy kế từ ngày 22/7/2021 đến thời điểm báo cáo, qua các kênh tiếp nhận phản ánh của công dân (hotline, zalo, Bluezone) do Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện có 22.276 cuộc gọi, tin nhắn. Trong đó, giải đáp 17.486 phản ánh, chuyển xử lý 4.790 phản ánh.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Sở Chỉ huy công tác phòng chống dịch Covid-19 Sở Thông tin và Truyền thông |
1,63 triệu người lao động ảnh hưởng bởi đại dịch được hỗ trợ
Bên cạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác an sinh xã hội, nhất là liên quan đến công tác đảm bảo cuộc sống cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tiếp tục được TP quan tâm.
Theo đó, TP triển khai thực hiện việc hỗ trợ cho 12 nhóm đối tượng (theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ)
Đến nay, các sở, ngành có liên quan và các quận, huyện, thị xã đã ra quyết định hỗ trợ cho 1,63 triệu người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 với kinh phí 468,674 tỷ đồng (trong đó, đã thực hiện hỗ trợ cho 1,608 triệu người lao động, người sử dụng lao động với kinh phí 424,98 tỷ đồng).
Phòng chống dịch đi đôi với tiếp tục đảm bảo cung ứng hàng hoá
Ngành chức năng tổ chức phun khử khuẩn các cơ sở giáo dục thuộc địa bàn trước khi đón học sinh quay trở lại học trực tiếp.
Tổ chức triển khai Kế hoạch đảm bảo hàng hóa đã ban hành; chủ động thực hiện các giải pháp bảo đảm hỗ trợ tối đa cho các hệ thống phân phối trên địa bàn hoạt động bình thường (đặc biệt là có phương án hỗ trợ các điểm bán bị đóng cửa được mở cửa lại trong thời gian sớm nhất, chỉ đạo cụ thể thời gian đóng, mở cửa trở lại để giúp doanh nghiệp chủ động triển khai phương án bán hàng phục vụ Nhân dân).
Trong trường hợp có các điểm bán trên địa bàn bị đóng cửa, Sở Chỉ huy TP cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã cho triển khai tổ chức bán hàng lưu động, mở thêm các điểm bán, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện (địa điểm, nhân sự, vận chuyển, đơn vị cung ứng hàng hóa, phương án đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 tại điểm bán….) để đảm bảo cung ứng hàng hóa đầy đủ cho người dân cho người dân trên địa bàn.
Các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát các khu nhà ở công nhân, nhà trọ có công nhân đang sinh sống và người dân khu vực lân cận, đề xuất các điểm bán hàng lưu động, phối hợp với Sở Công Thương, các doanh nghiệp triển khai bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu của người lao động.
Đối với các địa phương có chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh hàng hóa… thuộc hệ thống phân phối có liên quan đến trường hợp dương tính với Covid-19, đề nghị UBND quận/huyện chỉ đạo phòng, ban liên quan hướng dẫn các điểm bán thực hiện đúng quy trình đóng cửa/ngừng hoạt động và mở cửa trở lại đối với các điểm bán khi xuất hiện trường hợp F0 tại các điểm bán trên địa bàn TP Hà Nội (theo văn bản số 3733/HD-SCT ngày 23/8/2021 của Sở Công Thương) để sớm mở cửa hoạt động trở lại đảm bảo cung cấp hàng hóa phục vụ Nhân dân.