Hà Nội chủ động phương án phòng chống dịch cúm gia cầm
Tại nhiều chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội còn diễn ra tình trạng giết mổ ngay tại nơi bán làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm
Bài liên quan
Nhân rộng và phát triển thương hiệu gà Mía Sơn Tây
Hà Nội: Khẩn trương triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh
Chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi
Bắt quả tang đối tượng nhập lậu hơn 700 con gia cầm không rõ nguồn gốc
Hỗ trợ 100% kinh phí
Hà Nội hiện có tổng đàn gia cầm đứng tốp đầu cả nước, với khoảng 31 triệu con. Chợ Hà Vĩ (thuộc huyện Thường Tín) bán gia cầm sống lớn nhất khu vực phía Bắc, hàng ngày xuất nhập khoảng 50 - 60 tấn gia cầm, thủy cẩm sống (khoảng 25 - 30 nghìn con). Số lượng trên từ ở khắp các tỉnh thành trên địa bàn cả nước đổ về, kể các tỉnh miền Nam, miền Trung.
Mặc dù chăn nuôi gia cầm có số lượng lớn song phương thức chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội chủ yếu vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ. Hơn nữa do tập quán vẫn sử dụng gà tươi nên ở các chợ truyền thống, chợ trong khu vực nội thành còn nhiều trường hợp giết mổ ngay tại nơi bán làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Từ thực trạng trên cho thấy nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia cầm, thủy cầm tại Hà Nội thời gian tới sẽ rất cao.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội), cho biết: “Bệnh cúm gia cầm là một loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây nên. Hiện nay do biến đổi khí hậu, môi trường chăn nuôi bất lợi nên virus cúm gia cầm đã ở trạng thái biến chủng, nhiều chủng mới phát sinh, phát triển. Đã có nhiều chủng gây bệnh trên gia cầm (như Cúm A/H5N1, H5N6, H5N8 ….), nguy hiểm hơn có chủng virus cúm gia cầm lây nhiễm sang người và có khả năng gây tử vong ở người (như chủng Cúm A/H7N9).
Dịch bệnh xảy ra sẽ làm ảnh hưởng, thiệt hại lớn đến kinh tế, lưu thông vận chuyển, tốc độ phát triển chăn nuôi, đặc biệt ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Bên cạnh đó các chủng virus cúm gia cầm còn có thể xâm nhiễm vào nhiều loại động vật khác nhau (như chim, lợn, ngựa, hải cẩu, cá voi, hổ và con người …) hoặc có thể gây nhiễm trên thức ăn, nước, dụng cụ và quần áo, tốc độ lây truyền thường nhanh, mạnh, rộng ra các vùng miền khác nhau.
Các hộ chăn nuôi phải chủ động thực hiện các biện pháp tiêm phòng dịch cúm gia cầm để tránh dịch bệnh bùng phát và lây lan |
Để chủ động phòng chống bệnh cúm gia cầm, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, người chăn nuôi cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn gia cầm, trong đó có vắc xin cúm gia cầm (cúm A/H5N1). Đây là giải pháp quan trọng nhằm tạo miễn dịch chủ động để phòng chống bệnh cúm gia cầm.
Cùng với đó, các hộ chăn nuôi cần tích cực khử trùng tiêu độc chuồng nuôi, môi trương xung quanh. Đối với hộ kinh doanh gia cầm sống tại các chợ, cần thực hiện nghiêm những quy định của địa phương trong việc mua bán.
Trước nguy cơ bùng phát và lây lan dịch cúm gia cầm trên diện rộng, UBND Thành phố Hà Nội mới ban hành chính sách hỗ trợ 100% kinh phí tiêm phòng cúm gia cầm cho vùng nguy cơ dịch bệnh cao. Đây là một trong những chính sách tối ưu được đề cập tới trong kế hoạch triển khai phòng, chống bệnh cúm gia cầm trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2019 – 2025.
Kiểm soát tốt dịch bệnh
Theo kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội, trong giai đoạn 2019 - 2025, Thành phố đặt mục tiêu kiểm soát tốt dịch bệnh; chủ động giám sát phát hiện sớm, xử lý kịp thời ổ dịch và không để dịch bệnh lây lan diện rộng; ngăn chặn không để các nhánh, chủng vi rút mới nguy hiểm xâm nhiễm vào và lây lan trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, các địa phương trên địa bàn toàn thành phố cần tổ chức tiêm phòng đạt tỷ lệ tối thiểu 80% tổng đàn gia cầm thuộc diện tiêm; xây dựng các cơ sở, vùng chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh góp phần giảm thiểu hoặc không để phát sinh ca bệnh cúm gia cầm ở người do nhiễm chủng vi rút cúm nguy hiểm.
Các ngành chức năng cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển gia cầm sống và các sản phẩm từ gia cầm để ngăn chặn dịch bệnh lây lan |
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, thành phố sẽ chú trọng tuyên truyền về tình hình dịch bệnh, nguy cơ dịch tái phát trên diện rộng, xâm nhiễm của các chủng vi rút cúm nguy hiểm vào Việt Nam theo quy định. Đối với các hộ chăn nuôi, thành phố cũng khuyến cáo sử dụng giống gia cầm rõ nguồn gốc, đã qua kiểm dịch của cơ quan thú y. Đặc biệt, khi sử dụng thịt gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh…
Cùng với giám sát dịch bệnh, thành phố tập trung cho tiêm phòng vắc xin cho đàn gia cầm. Đối với huyện nguy cơ cao, ngân sách TP bố trí kinh phí mua vắc xin dự phòng, chi phí tiêm phòng bao vây ổ dịch và tiêm phòng vắc xin định kỳ cho 100% tổng đàn gia cầm sinh sản (2 đợt/năm). Tùy theo tình hình dịch bệnh cúm gia cầm trên địa bàn thành phố, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đề xuất kinh phí cho phù hợp, bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch bệnh.
Thành phố cũng sẽ chỉ đạo tập trung cho công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; quản lý, kiểm soát chợ buôn bán gia cầm sống; kiểm soát giết mổ gia cầm; kiểm soát ấp nở gia cầm; vệ sinh tiêu độc, khử trùng; xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn bệnh cúm gia cầm…
Ngoài các biện pháp phòng chống nêu trên thời gian tới, người dân cần đổi mới phương thức chăn nuôi, cách xa khu dân cư theo qui trình chăn nuôi khép kín.