Hà Nội: Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm mới
Hiệu quả từ mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp
Là một trong những cơ sở đào tạo nghề đi đầu trong việc liên kết với doanh nghiệp, ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết, trong lĩnh vực sản xuất ô tô, nhà trường ký kết với VinFast triển khai mô hình đào tạo song hành đầu tiên tại Việt Nam theo chuẩn của ngành công nghiệp Đức.
Ông Ngọc cho biết, đây là mô hình đào tạo khép kín giữa nhà trường và doanh nghiệp, bảo đảm được 3 yếu tố quan trọng nhất. Thứ nhất, học viên được học lý thuyết tại trường rồi thực hành với máy móc hiện đại tại nhà máy VinFast với tỷ lệ 30/70 (30% lý thuyết, 70% thực hành). Thứ hai, chương trình đào tạo chuẩn quốc tế nên bảo đảm chất lượng đầu ra. Thứ ba, học viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội là một trong những đơn vị phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp khi đào tạo nghề. |
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường lao động Navigos Search, để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực có tay nghề, các doanh nghiệp phải chú trọng hợp tác với các cơ sở đào tạo ngay từ khâu giảng dạy. Con số 49% các doanh nghiệp chọn liên kết với giáo dục nghề nghiệp cho thấy tầm quan trọng của học nghề, đào tạo nghề đối với tương lai kinh tế đất nước.
Cựu sinh viên Khoa Cơ khí (Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội) Lê Tấn Tài cho biết: “Học nghề chất lượng cao theo chương trình liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp, tôi được Công ty TNHH DENSO Việt Nam nhận vào làm việc từ khi chưa tốt nghiệp”.
Bà Phạm Thị Hường, Hiệu trưởng trường Cao Đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội cho biết, hiện nay việc kết hợp với doanh nghiệp tại nhà trường đang được đẩy mạnh. Ngay từ năm thứ nhất, sinh viên của trường đã được thăm quan, học tập, thực tập tại các doanh nghiệp có liên kết với nhà trường để sinh viên có nhiều cơ hội trải nghiệm thực hành làm quen với doanh nghiệp. Vì vậy, sinh viên Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội ra ra trường hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu làm việc tại các doanh nghiệp. Chính nhờ sự gắn kết hợp tác này, phía nhà trường hiện cũng cam kết 100% sinh viên tốt nghiệp ra trường sẽ có việc làm ngay.
Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và xúc tiến việc làm của Trường Trung cấp Kinh tế Du lịch Hoa Sữa Nguyễn Ngọc Thanh cho biết, nhiều năm nay, nhà trường đã chủ động liên hệ, hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp để có thể đưa học sinh vào thực hành, rèn kỹ năng tại doanh nghiệp ngay trong quá trình học. Sau khi tốt nghiệp, học sinh được vào làm luôn. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh ra trường có việc làm luôn đạt mức gần 100%, với mức lương khởi điểm khá cao, từ bẩy đến tám triệu đồng/tháng/người, nhất là với ngành nghề chế biến bánh mỳ - bánh ngọt.
Giới chuyên gia nhìn nhận, những mô hình liên kết đào tạo theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp cần được lan tỏa, kết nối thành mạng lưới mô hình đào tạo nghề kiểu mẫu. Trong đó, các bên cũng cần xây dựng tiêu chuẩn nghề nghiệp căn cứ vào nhu cầu thực tiễn và cần vươn tới tiêu chuẩn quốc tế.
Để giáo dục nghề nghiệp gắn kết với việc làm
Hiện, Hà Nội có 362 đơn vị giáo dục nghề nghiệp và có hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN); trong đó 122 đơn vị công lập, 240 đơn vị ngoài công lập, hơn 255.000 doanh nghiệp trên địa bàn. Trung bình mỗi năm, hơn 360 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 200.000 lượt người. Số người học nghề tăng lên, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Thủ đô tăng từ 34,2% vào năm 2010 lên 70,25% vào năm 2020, thuộc nhóm cao của cả nướcNhững năm gần đây, TP Hà Nội thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Năm 2021, giáo dục nghề nghiệp Thủ đô đề ra mục tiêu tuyển sinh và đào tạo mới cho 220.500 lượt người, phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 71,5%, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 50,5%.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp ký kết hợp tác tại Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2021 |
Để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu trên, tháng 4/2021, TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị thường niên gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2021. Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, Hội nghị được tổ chức nhằm đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Đồng thời nhằm góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp học nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS, THPT... hướng tới mục tiêu chung đó là nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô trong thời kỳ hội nhập quốc tế, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Bên cạnh đó, để giáo dục nghề nghiệp tiệm cận hơn với thị trường việc làm, lãnh đạo TP Hà Nội đã yêu cầu các bên liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của xã hội, sự đồng hành của doanh nghiệp trong việc phát triển giáo dục nghề nghiệp và nhân lực có kỹ năng nghề. Cùng với đó, triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy mạnh sự gắn kết doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo, giải quyết việc làm.
Để thu hút người lao động tham gia học nghề, ngoài sự nỗ lực của các nhà trường, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm tiến hành thu thập, phân tích thông tin về thị trường lao động, từ đó xây dựng kế hoạch tuyển sinh, đào tạo nghề cho sát nhu cầu, bảo đảm chất lượng.
Nhận định về chất lượng sinh viên tại các trường GDNN hiện nay, ông Nguyễn Hải Đức, Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam cho rằng, với sự năng động gắn kết đào tạo rất sát với mục tiêu của doanh nghiệp của các tổ chức đào tạo trên địa bàn Hà Nội hiện nay đã giúp chất lượng sinh viên ra trường ngày càng nâng cao, các kỹ năng kiến thức nền sinh viên có được khi theo học tại các cơ sở GDNN giúp doanh nghiệp sử dụng lao động hiệu quả. Theo đó, mức lương sinh viên ra trường nhận được có thể lên tới 13 -14 triệu đồng.
Năm 2021, TP Hà Nội có mục tiêu giải quyết việc làm cho 160.000 người. Để thực hiện mục tiêu TP đề ra, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của TP, địa phương đồng thời chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nghiên cứu, dự báo, đánh giá tình hình thị trường lao động hiện tại, xu hướng phát triển trong thời gian tới.
Trao đổi về tạo việc làm cho người dân trong độ tuổi lao động, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết, huyện đã có kế hoạch chi tiết về đào tạo nghề và giải quyết việc làm thông qua tổ chức các phiên GDVL; kết nối đào tạo nghề trên địa bàn. Đồng thời yêu cầu các DN khi có dự án trên địa bàn huyện cam kết có trách nhiệm quan tâm, đào tạo, tạo điều kiện công ăn việc làm cho người dân.
Theo đánh giá, việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề là giải pháp quan trọng để tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hà Nội là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của đất nước, tập trung đông đảo người lao động nên việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động cần được các bên quan tâm thực hiện nhiều hơn nữa và là một giải pháp quan trọng, bền vững để tạo việc làm cho người lao động không chỉ trong bối cảnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay.