Hà Nội: Giải pháp phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP
Agribank cùng tiếp sức đưa sản phẩm OCOP vươn xa |
Hiệu quả thiết thực từ chương trình OCOP
Theo thông kê, Hà Nội hiện nay có hơn 2.700 sản phẩm thuộc chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) từ 3 đến 5 sao; trong đó, nhiều sản phẩm thuộc nhóm ngành ẩm thực, đồ lưu niệm...
Trên thực tế, nhiều ngành, nhiều địa phương đã đưa sản phẩm OCOP vào hoạt động du lịch, điển hình như các quận, huyện, thị xã: Gia Lâm, Hoàn Kiếm, Sơn Tây, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Trì...
Du khách trải nghiệm vườn nho tại huyện Đông Anh |
Đáng chú ý, điểm dịch vụ du lịch làng quê Hồng Vân (Thường Tín) và Khu sinh thái Phù Đổng Green Park (Gia Lâm) sau khi được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao đã trở thành điểm du lịch thu hút du khách.
Ông Mai Văn Ngần, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân cho biết, Hồng Vân còn là nơi in đậm dấu ấn truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung và tín ngưỡng thờ Mẫu cùng với nhiều di tích văn hóa, lịch sử. Xã có "Chợ Mới ông Già" được tổ chức Kỷ lục Việt Nam tôn vinh giá trị kỷ lục là "Ngôi chợ lâu đời gắn liền với truyền thuyết về Cha con Chử Đồng Tử vào thời Hùng Vương".
Bên cạnh đó, Hồng Vân là xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới năm 2016 và có 2 làng được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) công nhận là làng nghề sinh vật cảnh năm 2008, với nhiều nghệ nhân giỏi và các tác phẩm cây cảnh nghệ thuật nổi tiếng.
Mỗi năm, sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống xã Hồng Vân đón tiếp hàng vạn du khách |
Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, hình ảnh du lịch làng quê Hồng Vân đã tạo sức hút đối với đông đảo du khách, trung bình hàng năm xã đã đón 3,5 vạn lượt khách, giá trị thu được từ du lịch ước đạt trên 10 tỷ đồng. Điểm du lịch Hồng Vân được Sở Du lịch thành phố đánh giá là điểm du lịch chất lượng cao và có tiềm năng phát triển của thành phố.
Một ví dụ điển hình khác là làng Bát Tràng (Gia Lâm). Với tiềm năng làng nghề truyền thống tồn tại và phát triển liên tục nhiều trăm năm lịch sử, làng gốm Bát Tràng ngày càng phát triển về sản xuất, kinh doanh và du lịch.
Các sản phẩm gốm, lò nung gốm, thậm chí là toàn bộ không gian kiến trúc cổ hay con người tại làng Bát Tràng đều được "trưng dụng" trở thành một phần của tour du lịch Bát Tràng. Nếu như với bảo tàng truyền thống, khách tham quan chỉ được tiếp xúc với hiện vật, mẫu vật, tại Bát Tràng, du khách được tiếp xúc trực tiếp với một không gian mở, với những người tạo ra hiện vật, làm nên giá trị của làng nghề và tìm hiểu trực tiếp về cuộc sống hàng ngày, văn hoá của họ.
Nhờ cách làm đổi mới này, hàng năm, làng Bát Tràng đón khoảng 100.000 lượt du khách quốc tế và 70.000 lươt du khách nội địa.
Làng gốm Bát Tràng ngày càng khẳng định vị thể là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế |
Tại thị xã Sơn Tây, các mô hình du lịch gắn với sản phẩm OCOP đã và đang được chú trọng phát triển.
Chủ tịch UBND xã Kim Sơn (Sơn Tây) Lê Thị Chính, xã có nhiều mô hình, như: Nuôi ong lấy mật, chăn nuôi bò sữa, nuôi trai nước ngọt lấy ngọc, trồng hoa cúc chi hữu cơ để sản xuất trà thảo mộc… Các sản phẩm nông sản này được giới thiệu tới du khách thông qua hình thức du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái.
Du khách được tham quan các mô hình chăn nuôi, xem quy trình sản xuất sữa chua, quay cầu ong lấy mật, tách trai lấy ngọc… Ngoài ra, du khách còn được đến vùng trồng cúc chi rộng 2ha ở thôn Kim Trung của xã để vừa thưởng thức trà hoa cúc, vừa tham quan, chụp ảnh tại vườn. Bên cạnh đó, các sản phẩm từ sữa bò và mật ong của xã đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3-4 sao.
“Thời gian tới, xã tiếp tục khuyến khích các hộ, chủ thể phát triển thêm nhiều sản phẩm OCOP, giúp đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với nông nghiệp sinh thái, nâng cao thu nhập cho người dân”, bà Lê Thị Chính cho hay.
Song hành sản phẩm OCOP và du lịch
Để phát triển kinh tế làng nghề từ du lịch và phát triển du lịch nông nghiệp, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 73/2022/KH-UBND về “Phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025”.
Theo đó, Hà Nội đề ra mục tiêu đến năm 2025, mỗi huyện, thị xã có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp triển khai ít nhất từ 1 đến 3 sản phẩm “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”; phấn đấu có ít nhất 50% số sản phẩm này được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và công nhận OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên.
Thị xã Sơn Tây kết hợp du lịch với sản phẩm OCOP |
Để phát triển sản phẩm OCOP gắn với kinh tế du lịch, Hà Nội đang triển khai xây dựng hàng chục trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá làng nghề gắn với du lịch như: Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại Bát Tràng (Gia Lâm); xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên); xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ);…
Mục tiêu của các trung tâm này là nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, làng nghề, xây dựng chuỗi liên kết từ thiết kế sáng tạo, sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các làng nghề gắn với hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn trong kinh tế tuần hoàn.
Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, việc thành lập các Trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch sẽ giúp kiến tạo môi trường triển khai các hoạt động hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn, chủ thể sản xuất kinh doanh làng nghề hình thành và phát triển hoạt động thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển các hình thức du lịch trải nghiệm góp phần tái cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó sẽ nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, làng nghề, xây dựng chuỗi liên kết từ thiết kế sáng tạo, sản xuất - chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các làng nghề gắn với hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn trong kinh tế tuần hoàn, góp phần xây dựng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Thành phố Hà Nội phấn đấu mỗi huyện, thị xã có tiềm năng xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù có sự tham gia của các chủ thể là nông dân, hợp tác xã, hộ kinh doanh và doanh nghiệp; hỗ trợ bồi dưỡng kiến thức du lịch cho tối thiểu 80% người dân, cán bộ quản lý du lịch nông nghiệp tại địa phương. Những chính sách này kỳ vọng thời gian tới, du lịch nông nghiệp và sản phẩm OCOCP, Hà Nội sẽ bứt phá, giúp người dân phát triển kinh tế. |