Hà Nội hoàn thành vượt chỉ tiêu phát triển sản phẩm OCOP năm 2024
Đánh giá, phân hạng 118 sản phẩm OCOP tiềm năng 4 sao và 5 sao
Ngày 30/12, Hội đồng OCOP thành phố Hà Nội đã tổ chức khai mạc Hội nghị đánh giá, phân hạng 118 sản phẩm OCOP tiềm năng 4 sao và 5 sao năm 2024.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, theo kế hoạch năm 2024, thành phố dự kiến đánh giá, phân hạng khoảng 400 sản phẩm OCOP.
Theo quy định, trình tự đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được thực hiện qua các cấp. Hội đồng cấp huyện đánh giá, phân hạng các sản phẩm đạt 3 sao; Hội đồng cấp tỉnh (thành phố trực thuộc Trung ương) đánh giá, phân hạng các sản phẩm đạt 4 sao và Hội đồng cấp Trung ương tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm 5 sao.
![]() |
Hội đồng OCOP thành phố Hà Nội đánh giá các sản phẩm tại hội nghị. Ảnh: Minh Phú |
Mặc dù mục tiêu thành phố đặt ra năm 2024 sẽ đánh giá, phân hạng khoảng 400 sản phẩm OCOP nhưng đến nay, 30/30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã hoàn thành việc đánh giá 606 sản phẩm, vượt mục tiêu đề ra.
Trong đó có 118 (chiếm 19,5% tổng số sản phẩm) đạt tiềm năng 4 sao và 5 sao đủ điều kiện trình Hội đồng OCOP thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm.
Công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm được Hội đồng OCOP thành phố Hà Nội thực hiện trong 2 ngày 30 và 31/12. Với những sản phẩm đạt 4 sao, Hội đồng OCOP thành phố sẽ trình UBND thành phố ban hành quyết định phê duyệt kết quả đánh giá và cấp giấy chứng nhận.
Với những sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao, Hà Nội sẽ gửi hồ sơ đến cấp Trung ương để tổ chức đánh giá, phân hạng và ban hành quyết định phê duyệt kết quả đánh giá và giấy chứng nhận cho các sản phẩm.
Đảm bảo công tác đánh giá, phân hạng công khai, minh bạch
Theo ông Trương Thanh Nam - đại diện Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP TP Hà Nội năm 2024, qua giám sát cho thấy, việc đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP được UBND cấp huyện thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch.
“Thực tế quá trình thẩm định ở cơ sở, có 7 hồ sơ của 3 chủ thể đã bị Hội đồng OCOP cấp huyện loại, không thực hiện đánh giá phân hạng. Nguyên nhân là do thiếu hồ sơ về môi trường và thiếu tem điện tử theo quy định…” - ông Trương Thanh Nam nói thêm.
Thực hiện Quyết định số 148/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP, Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP TP Hà Nội đã tiến hành thẩm định, đánh giá hồ sơ, kiểm tra thực tế cơ sở có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2024.
![]() |
Đến nay, 30/30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã hoàn thành việc đánh giá 606 sản phẩm OCOP, vượt mục tiêu đề ra. |
Tổ tư vấn đã thống nhất đề nghị Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng Nông thôn mới TP Hà Nội (cơ quan Thường trực Hội đồng OCOP TP Hà Nội) phối hợp với đơn vị liên quan thực hiện lấy 108 mẫu. Mục đích là để phân tích các chỉ tiêu có liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm đối với 99 sản phẩm và nhóm sản phẩm thực phẩm, đồ uống, thảo dược.
Trên cơ sở kết quả thẩm định hồ sơ sản phẩm, kiểm tra thực tế các cơ sở sản xuất sản phẩm tiềm năng OCOP 4 sao, 5 sao của 17 quận, huyện; đồng thời căn cứ kết quả phân tích chất lượng sản phẩm, 118 sản phẩm tiềm năng 4 sao, 5 sao OCOP của 35 chủ thể đủ điều kiện trình Hội đồng OCOP TP Hà Nội tổ chức đánh giá, phân hạng năm 2024.
Sau khi sản phẩm được chứng nhận OCOP, ông Nguyễn Văn Chí cũng đề nghị UBND các quận, huyện tiếp tục quan tâm hỗ trợ công tác phát triển, nâng cấp sản phẩm; công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm. Đồng thời tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm giúp các chủ thể giới thiệu, quảng bá và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát về việc duy trì và phát triển sản phẩm OCOP đã được chứng nhận, góp phần thúc đẩy chương trình OCOP đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Đối với các chủ thể có sản phẩm được chứng nhận OCOP tiếp tục phát huy những mặt tích cực, duy trì chất lượng sản phẩm, quan tâm đầu tư phát triển nâng cấp sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng. Chấp hành tốt những quy định của pháp luật về Chương trình OCOP.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Cùng nông dân Đan Phượng chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp

Giúp người dân nâng cao kiến thức, làm chủ khoa học kỹ thuật

Lâm Đồng đề xuất hỗ trợ kiểm soát chất lượng sầu riêng phục vụ xuất khẩu

Cần đẩy mạnh công tác tiêm vắc xin phòng dại cho đàn vật nuôi

Bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa gắn với xây dựng Nông thôn mới

Yên Bái: Ấn tượng bức tranh kinh tế nhiều gam màu sáng

Hà Nội tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Yên Bái - điểm sáng về xây dựng Nông thôn mới

Đẩy mạnh liên kết xây dựng chuỗi sản xuất trà hoa vàng Nam Sơn
