Hà Nội: Lan tỏa các mô hình khuyến nông hiệu quả
Thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái
Thành phố Hà Nội có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển cây ăn quả đặc sản, như: Cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn, nho hạ đen… Việc đưa công nghệ cao vào phát triển cây ăn quả gắn với du lịch sinh thái, không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô, mà còn mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp Hà Nội, góp phần bảo đảm môi trường sinh thái, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đơn cử, vườn trồng nho Hạ đen 9.000m2 của hộ anh Nguyễn Đăng Quý ở xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao mà còn thu hút nhiều đoàn khách tham quan, trải nghiệm hái nho và mua sản phẩm tại vườn. Với mức giá khoảng 140.000 đồng/kg, quả căng bóng, vị ngọt, giòn, nho Hạ đen được đông đảo người tiêu dùng đón nhận.
“Trồng nho Hạ đen là hướng phát triển kinh tế mới, tuy chi phí đầu tư ban đầu khá cao nhưng khung giàn có thể dùng trong 15-20 năm. Một ưu điểm nữa là qua từng năm, năng suất quả cũng tăng dần theo độ tuổi của cây” – anh Nguyễn Đăng Quý chia sẻ.
Mô hình trồng nho Hạ Đen không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao mà còn thu hút nhiều đoàn khách tham quan, trải nghiệm hái nho và mua sản phẩm tại vườn |
Không chỉ tại Đan Phương, mô hình trồng nho Hạ đen còn được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội thực hiện tại xã An Thượng (huyện Hoài Đức). Mô hình lựa chọn giống nho Hạ đen do Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ nông, lâm nghiệp (Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang) cung cấp giống và chuyển giao công nghệ thực hiện. Theo đó, Trung tâm đã hỗ trợ các hộ tham gia mô hình 50% chi phí giống, vật tư làm giàn và phân bón.
Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai mô hình sản xuất hoa sen cao sản (giống sen Bách diệp và sen Quan âm), quy mô 10ha tại 2 xã Mê Linh và Đại Thịnh (huyện Mê Linh). Kết quả cho thấy, cả 2 giống sen đều sinh trưởng phát triển tốt, sen Bách diệp đạt 18.000 bông/ha, sen quan âm đạt 25.000 bông/ha.
Đặc biệt, diện tích sen Quan âm cho thu hoa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11, đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Dự kiến trong những năm tiếp theo, khi cây hoa sen đã phát triển ổn định, đạt độ che phủ kín mặt nước thì sản lượng hoa cho thu hoạch sẽ tăng lên rất nhiều.
Trồng sen còn thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, nghề ướp chè sen nên hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn, mang lại nguồn thu bền vững cho người trồng. Ngoài ra hiệu trồng sen còn mang lại hiệu quả xã hội lớn khi vừa nâng cao đời sống cho người nông dân vừa tạo cảnh quan môi trường xanh.
Mở rộng vùng trồng cây ăn quả chất lượng cao
Có thể thấy, bước đầu các mô hình khuyến nông mang lại hiệu quả kinh tế cao, song các mô hình này kết hợp với du lịch sinh thái trên địa bàn thành phố Hà Nội phần lớn mang tính tự phát, chưa có quy hoạch vùng phát triển bài bản; Còn thiếu sự đầu tư về kết cấu hạ tầng, dịch vụ đặc thù để phát triển bền vững...
Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai mô hình sản xuất hoa sen cao sản (giống sen Bách diệp và sen Quan âm), quy mô 10ha tại 2 xã Mê Linh và Đại Thịnh (huyện Mê Linh) |
Để mở rộng vùng trồng cây ăn quả chất lượng cao gắn với du lịch sinh thái, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, thời gian tới, trung tâm tiếp tục hỗ trợ người dân về trồng các mô hình cây ăn quả mới cho giá trị kinh tế cao. Trung tâm sẽ mở các lớp tập huấn về trồng cây ăn quả an toàn gắn với phát triển du lịch.
Về phía các địa phương, cần khuyến khích doanh nghiệp du lịch xây dựng tour, tuyến để khai thác sản phẩm du lịch nông nghiệp; Động viên, hỗ trợ nông dân cải tạo, chỉnh trang cơ sở vật chất phục vụ du lịch, giữ gìn cảnh quan môi trường; Có thái độ ứng xử thân thiện, mến khách, hỗ trợ, phục vụ khách du lịch trong quá trình tham quan, du lịch tại địa phương.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, thành phố Hà Nội sẽ mở rộng các mô hình trồng cây ăn quả đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, GlobalGAP theo hướng hữu cơ và gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm.
Thành phố cũng đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng trồng cây ăn quả, áp dụng cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất quy mô lớn. Từ nay đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu có khoảng 50-70% diện tích cây ăn quả được chứng nhận đạt chuẩn chất lượng; Đồng thời bố trí đầy đủ nguồn lực phục vụ thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Mục tiêu mà ngành Nông nghiệp hướng tới là từng bước phát triển vùng sản xuất cây ăn quả đồng bộ theo hướng chất lượng cao kết hợp với du lịch sinh thái để tạo cơ hội tiêu thụ sản phẩm cho người dân và khuyến cáo nông dân trồng các loại cây ăn quả ở mức phù hợp, tránh tình trạng cung vượt cầu, ảnh hưởng đến giá bán khi vào vụ thu hoạch.
Trang thông tin có sự phối hợp của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội |