Hà Nội mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản ở "vùng xanh" ngoại thành
Mở rộng thêm 600ha diện tích nuôi trồng thủy sản
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện nay diện tích nuôi trồng thủy sản của Hà Nội là 23.400ha. Từ đầu năm 2021 đến nay, sản lượng thủy sản toàn thành phố ước đạt 73.800 tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ 2020.
Nhờ duy trì sản xuất, các chuỗi liên kết phát huy giá trị nên đã bảo đảm nguồn cung cho Thủ đô, nhất là trong 2 tháng giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá các loại nguyên liệu phục vụ sản xuất thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản tăng 30-35%, thậm chí có nguyên liệu tăng hơn 50%, từ đó tác động lớn đến giá thành sản xuất. Giá sản phẩm thủy sản cũng giảm 10-20% so với những năm trước...
Để bảo đảm nguồn cung cho người tiêu dùng Thủ đô, từ nay đến cuối năm 2021, ngành Nông nghiệp sẽ rà soát, mở rộng khoảng 600ha diện tích nuôi kết hợp cá - lúa; Phấn đấu nâng tổng diện tích nuôi trong năm 2021 đạt 24.000ha, cho sản lượng 120.000 tấn thủy sản các loại.
Theo đó, Hà Nội sẽ mở rộng diện tích nuôi trồng, cụ thể đối với các khu vực: Tại huyện Thanh Trì, sẽ phát triển thêm 5ha nuôi cá chép, rô phi cỡ lớn; Tại huyện Mê Linh mở rộng 59ha nuôi các loại cá chép, trắm, rô phi, mè, trôi, ếch...
Một số huyện khác cũng dự kiến mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản như: Mỹ Đức (79ha), Phú Xuyên (50ha), Thạch Thất (60ha), Ứng Hòa (111ha), Thường Tín (77ha)...
Hà Nội mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản đảm bảo cung ứng cho người dân (Ảnh minh họa) |
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Huy Đăng cho biết: Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục tham mưu thành phố tập trung nguồn lực hỗ trợ người nuôi trồng thủy sản về con giống nuôi ngắn ngày, có năng suất cao, như: Cá rô phi đơn tính, cá chép lai; Giống có kích cỡ lớn để kịp thời gian thu hoạch vào cuối năm 2021. Ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương khuyến cáo nông dân thực hiện thả giống xong trong tháng 9/2021.
Cùng với đó, Hà Nội cũng sẽ hỗ trợ hóa chất, chế phẩm sinh học khử trùng môi trường ao nuôi tại vùng nuôi thủy sản tập trung; Tăng cường công tác quan trắc môi trường, phòng chống dịch bệnh; Xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị cho vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, quy mô lớn.
Tăng cường liên kết chuỗi để tiêu thụ thủy sản
Cùng với việc mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, ngành Nông nghiệp Thủ đô cùng các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, kịp thời kết nối, hỗ trợ nông dân tiêu thụ thủy sản.
Trưởng Phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch cho biết: Để tiêu thụ thủy sản hỗ trợ bà con nông dân, huyện đã thành lập các tổ kết nối tiêu thụ nông sản trên địa bàn, cử cán bộ làm đầu mối kết nối giữ liên lạc với phòng Kinh tế huyện và các đơn vị liên quan; Cùng với đó, tổng hợp danh sách các tổ chức, cá nhân, phương tiện vận chuyển thu mua thủy sản địa bàn.
Tuy nhiên, theo ông Hoạt, đây chỉ là giải pháp trong lúc tình thế. Để phát triển bền vững ngành thủy sản, cần có giải pháp căn cơ lâu dài, trong đó cần đẩy mạnh chuỗi liên kết.
Ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ rà soát, mở rộng khoảng 600ha diện tích nuôi kết hợp cá - lúa tại một số huyện |
Đưa ra giải pháp phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản, ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho biết: Huyện tiếp tục có chính sách hỗ trợ người dân nuôi trồng thủy sản như nạo vét kênh mương thủy lợi nội đồng, đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi, hỗ trợ nông dân mua chế phẩm xử lý nguồn nước.
Đặc biệt, để đảm bảo nguồn cung thủy sản cho thị trường vào dịp cuối năm, huyện sẽ tập trung hỗ trợ, hướng dẫn nông dân phát triển một số đối tượng thủy sản ngắn ngày, có năng suất cao như cá rô phi đơn tính, cá chép lai… ứng dụng công nghệ cao, tập trung phòng chống dịch bệnh để tăng năng suất. Bên cạnh đó, huyện cũng duy trì và mở rộng mô hình nuôi kết hợp cá - lúa khoảng 400ha ở các xã ven sông Tích.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Tạ Văn Sơn cho rằng, việc bổ sung, hoàn thiện các văn bản dưới luật để cụ thể hóa những quy định và giải pháp nhằm khuyến khích liên kết sản xuất, tiêu thụ thủy sản, các sản phẩm từ thủy sản rất cần thiết.
Để khai thác tốt tiềm năng, thúc đẩy nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh, ngành Nông nghiệp tiếp tục tham mưu thành phố xem xét bố trí kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng cho các dự án phát triển nuôi trồng thủy sản đã được phê duyệt; Liên kết vùng giữa các tỉnh, thành phố lân cận nhằm tăng cường kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm thủy sản, tạo tiền đề thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, phát triển lĩnh vực nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.