Hà Nội: Thay mới rào chắn tại tuyến đường dành riêng cho xe đạp
Việc lắp các rào chắn dọc điểm ra vào tuyến đường dành riêng cho xe đạp dọc sông Tô Lịch khiến nhiều người ngại đi vào làn đường này. Thống kê cho thấy, muốn đi hết hơn 2km thì người đi xe đạp phải dừng và bê xe qua các rào chắn tới... 10 lần.
Về vấn đề trên, đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết: Trong ngày 28/3, Sở đã tháo rào chắn ở điểm đầu - cuối tuyến đường dành riêng cho xe đạp. Phần rào này được gỡ ra là để xử lý lại, lắp đặt khác sao cho phù hợp hơn với người đi xe đạp. Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, việc tháo dỡ và xử lý lại rào chắn sẽ được hoàn thành trong tuần này.
Loại rào chắn mới đơn giản, thuận tiện cho người dân di chuyển qua đây. Ảnh: Nhật Minh |
Theo đó, rào chắn mới được lắp đặt đơn giản, giữa các rào chắn có khoảng trống đủ cho người đi xe đạp, người đi bộ di chuyển vào làn đường. Loại rào này có chiều cao khoảng 30cm và chiều rộng 60cm.
Điểm đầu và cuối các nút giao tại cầu Tô Lịch, cầu Hoà Mục và cầu Cống Mọc đã được thay thế loại rào chắn mới. Tuy nhiên, điểm đầu và cuối các nút giao tại cầu 361, cầu Cót và cầu Yên Hoà chưa được thay thế loại rào mới khiến nơi đây trở thành điểm đỗ xe trái phép của nhiều phương tiện.
Ngoài ra, tuyến đường này vẫn có bầu không khí khó chịu, hôi thối khi nằm cạnh bờ sông Tô Lịch đang ô nhiễm nặng nề. Dọc tuyến đường xuất hiện nhiều bãi tập kết rác tự phát, cản trở việc di chuyển của người dân.
Người dân di chuyển bằng xe đạp qua các nút giao dễ dàng hơn |
Đi dọc tuyến đường, không khó để bắt gặp các bãi rác tự phát, từ phế thải xây dựng, rác sinh hoạt, đồ dùng gia đình, vật liệu bằng sành sứ bị vứt bỏ lộ ra các mảnh vỡ sắc nhọn hay những điểm tập kết rác bị đốt nham nhở, cháy đen.
Một công nhân vệ sinh môi trường thường xuyên xử lý rác thải tại khu vực này cho biết: "Ngày nào cũng dọn, thường thường mỗi ngày phải 5-6 xe rác, ngày lễ, Tết thì nhiều hơn. Người dân thường xuyên mang rác đến đây để bỏ, gỗ rồi trạc thải, chẳng ngày nào không bốc đi mà vẫn cứ nhiều thế này".
Mặc dù việc thay mới đồng loạt rào chắn ở các điểm đầu và cuối làn đường đầu tiên dành riêng cho xe đạp nằm dọc theo sông Tô Lịch giúp cho việc di chuyển của người dân qua đây thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nhiều người dân cũng lo ngại rằng, loại rào chắn mới sẽ khiến các xe máy, xe điện dễ dàng di chuyển vào làn đường này, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm.
“Từ hôm thay mới các rào chắn, tôi bắt gặp nhiều phương tiện xe máy, xe điện cố ý di chuyển qua làn đường này để tránh ùn tắc vào những giờ cao điểm. Điều này dễ gây tai nạn cho người đi bộ tại đây. Do đó, cần phải có quy định rõ ràng, nhằm ngăn chặn những hành vi vi phạm giao thông trên tuyến đường này”, một người dân thường xuyên đi qua tuyến đường này chia sẻ.
Từ ngày 1/2, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã khánh thành thí điểm tuyến đường ưu tiên cho xe đạp đầu tiên trên địa bàn Thủ đô, mang tên "Đường ven sông Tô Lịch" |
Trước đó, từ ngày 1/2, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã khánh thành thí điểm tuyến đường ưu tiên cho xe đạp đầu tiên trên địa bàn Thủ đô, mang tên "Đường ven sông Tô Lịch".
Tuyến đường dành riêng cho xe đạp dài 2,3km từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy, chạy dọc sông Tô Lịch, kết nối ga Láng (thuộc đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông) với ga S8 (thuộc tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội) và kết nối với 11 tuyến xe buýt. Trong đó, có 3m dành riêng cho người đi xe đạp và 1m dành cho người đi bộ.
Loại hình xe đạp được phép tham gia giao thông trên tuyến đường thí điểm là xe đạp di chuyển hoàn toàn bằng sức người (các loại xe đạp điện không được phép đi vào).
Xe đạp trên tuyến được kết nối với đường xe đạp đi chung trên các tuyến đường khác như đường Láng, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Lê Văn Lương... thông qua các nút giao: Cầu Mọc, Láng - Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng, đường Láng - Lê Văn Lương, cầu 361, cầu Cót, cầu Yên Hòa.
Trên tuyến đường đơn vị triển khai dịch vụ xe đạp công cộng đã bố trí 100 xe trên 6 trạm dọc theo tuyến đường dành riêng cho xe đạp.
Như vậy, cùng với các trạm được bố trí trước đó tại khu vực ga Láng, trên dọc tuyến đường đã có 7 trạm xe đạp. Những trạm này đều được bố trí ngay điểm dừng xe buýt và ga đường sắt trên cao.