Hà Nội triển khai quyết liệt, đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Ảnh minh họa.
Bài liên quan
Chiều nay, thành phố Hà Nội đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Hơn 4.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 3 tháng đầu năm
Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp chiều 16/4, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Quý I/2020, tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì. Tuy nhiên, do hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh Covid-19 nên hầu hết các chỉ tiêu tăng trưởng đều thấp hơn so với cùng kỳ.
Tổng sản phẩm trên địa bàn quý I tăng ở mức 3,72% (trong đó: dịch vụ tăng 3,2%; Công nghiệp và xây dựng tăng 5,46%; Nông nghiệp giảm 1,17% so với cùng kỳ); Thu NSNN trên địa bàn đạt 71.383 tỷ đồng, bằng 25,6% dự toán, tăng 6,7% (cùng kỳ tăng 30,3%). Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 2.744 triệu USD, giảm 18,1%; Dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 21,77%; Ngành hoạt động nghệ thuật, vui chơi và giải trí giảm 7,41%.
Các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách và nhiều lĩnh vực dịch vụ như y tế, giáo dục, ăn uống, lưu trú, du lịch, giải trí, nhà hàng, khách sạn... bị ảnh hưởng rõ rệt.
Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động. Riêng 3 tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động là 4.240 doanh nghiệp (tăng 36% so với cùng kỳ); số lao động thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 13.215 người, tăng 22,2% so với cùng kỳ.
Hầu hết các ngành đều sụt giảm doanh thu: Dệt may ước tính sụt giảm 30%; Da giày sụt giảm khoảng 20%; Thiết bị, linh kiện điện tử, ô tô, xe máy giảm khoảng 20%; Du lịch, vận tải, hàng không, khách sạn giảm từ 20% đến 50% cho đến cuối tháng 2/2020; Các điểm đến nghỉ dưỡng trọng điểm giảm khoảng 50% công suất.
Đến thời điểm tháng 31/3/2020, việc đóng cửa của rất nhiều quốc gia trên thế giới, làm cho gần như 100% dịch vụ của ngành du lịch, vận tải bị đóng băng hoàn toàn; Lĩnh vực thương mại và dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm do thực hiện các biện pháp cách ly xã hội.
Triển khai 5 nhóm giải pháp điều hành phát triển kinh tế- xã hội
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thành phố đã xây dựng 3 kịch bản điều hành phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng ứng phó với dịch bệnh Covid-19, bao gồm: Dịch bệnh sớm được kiểm soát, quý II lấy lại đà tăng trưởng và quý III, IV có sự bứt tốc, tăng trưởng cả năm đạt 7,5%, hoàn thành kế hoạch đề ra; Dịch bệnh được kiểm soát vào quý III nhưng tăng trưởng tiếp tục bị ảnh hưởng, không thể bứt tốc, cả năm đạt 6,42%, không đạt kế hoạch đề ra; Dịch bệnh kéo dài đến hết năm, tăng trưởng cả năm 2020 đạt 5,34%, không đạt kế hoạch đề ra (cả nước dự báo tăng trưởng khoảng 5%).
Ngoài ra, thành phố đã xây dựng một số nhóm chính sách hỗ trợ đặc thù của Hà Nội trình HĐND, dự kiến trình thông qua để thực hiện, như: Hỗ trợ doanh nghiệp chi phí trả kết quả thực hiện TTHC về đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn; Hỗ trợ 50% tiền thuê nhà trong 3 tháng đối với sinh viên đang thuê nhà tại các khu nhà ở Pháp Vân - Tứ Hiệp, Mỹ Đình II và công nhân thuê nhà tại khu nhà ở xã Kim Chung; Hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu bị sụt giảm lớn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; Bổ sung thêm đối tượng được hưởng chế độ đặc thù trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 so với nội dung quy định tại Nghị quyết số 37/NQ-CP như: Người bị cách ly tại khu vực phong tỏa cách ly; Cán bộ, người lao động (y tế, công an, quân đội, dân phòng, lực lượng tự quản,....) tham gia thực hiện việc khoanh vùng, phong tỏa cách ly; Cán bộ, người lao động thuộc các cơ sở y tế dự phòng tham gia chống dịch; Người bảo vệ địa điểm cách ly;…
Trên cơ sở đó, thành phố đã ban hành và triển khai các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh Covid-19.
Cụ thể, thành phố đã bổ sung 1.020 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân.
Thực hiện Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020 của Chính phủ về chế độ đặc thù trong phòng chống dịch bệnh Covid-19, thành phố đang rà soát các đối tượng được hưởng chế độ với tổng số kinh phí dự kiến khoảng 7.000 tỷ đồng.
Thành phố đã triển khai thực hiện nghiêm túc 7 nhóm nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 bằng 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Trong đó, hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thành lập mới; hướng dẫn trả lương ngừng việc, giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc; tiếp nhận hồ sơ, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh…
Thành phố cũng đã phê duyệt quy hoạch phát triển cụm công nghiệp (CCN), trong đó, tổng số CCN quy hoạch đến năm 2020, có xét đến năm 2030 là 159 cụm với 3.204,31 ha nhằm hỗ trợ về mặt bằng sản xuất tập trung cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.
Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo được đẩy mạnh với việc ban hành và triển khai thực hiện 2 Đề án hỗ trợ khởi nghiệp đến năm 2020 và khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn 2019-2025.
Thành phố cũng tập trung thúc đẩy phát triển mạnh các ngành có ưu thế, có cơ hội phát triển như: sản xuất nông nghiệp; sản xuất các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (thiết bị bảo vệ sức khỏe, khẩu trang; hóa chất vệ sinh, khử trùng; thiết bị y tế: máy thở, dụng cụ xét nghiệm; dược phẩm); thúc đẩy phát triển mạnh các lĩnh vực dịch vụ: thông tin, truyền thông; thương mại điện tử; thanh toán online; giáo dục trực tuyến;…theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị quyết.
Đến nay, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của thành phố đang được triển khai quyết liệt, đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, ứng phó với dịch bệnh Covid-19.
Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai 7 nhóm giải pháp để hạn chế ảnh hưởng của dịch Covid-19, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế. Trong đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện 100% thủ tục hành chính qua mạng điện tử mức độ 3, đẩy mạnh đăng ký trực tuyến mức độ 4 tất cả các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp; nâng cao chất lượng, đa dạng hoá các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; triển khai nhanh các cơ chế, chính sách của Chính phủ hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh và an sinh xã hội...