Hải Phòng kiến tạo dữ liệu số để phát triển kinh tế
Ông Hoàng Minh Cường PCT UBND TP Hải Phòng phát biểu khai mạc Diiễn đàn |
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Năm dữ liệu số quốc gia, Ngày Chuyển đổi quốc gia theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, do UBND TP Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức, Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan bảo trợ.
Diễn đàn đã tạo cơ hội gặp gỡ, trao đổi về khả năng, nhu cầu, giải pháp và các chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trên các lĩnh vực và nâng cao nhận thức chuyển đổi số trong các cấp, các ngành, các địa phương; kết nối doanh nghiệp công nghệ và chính quyền thúc đẩy chuyển đổi số; giới thiệu và trải nghiệm công nghệ tiến tiến; trải nghiệm các ứng dụng và sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số cho người dân và doanh nghiệp; thu hút đầu tư công nghệ số.
Phát biểu khai mạc, ông Hoàng Minh Cường, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng khẳng định: “Năm 2023 là năm thứ 2 Thành phố lựa chọn chủ đề Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số khẳng định sự quyết tâm của Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hải Phòng đối với công tác chuyển đổi số.
Thành phố đã ban hành Kế hoạch 12/KH-UBND về chuyển đổi số, trong đó có tổng số 75 nhiệm vụ giao cho 28 đơn vị với tổng kinh phí thường xuyên thực hiện gần 400 tỷ đồng. Các nhiệm vụ được giao tập trung vào việc số hóa, phát triển dữ liệu chuyên ngành hỗ trợ trong quản lý, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính; tiến tới xây dựng kho dữ liệu dùng chung, cổng dữ liệu mở”.
Các đại biểu tham gia diễn đàn |
Theo đó, thành phố đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong chuyển đổi số số với 100% dịch vụ công trực tuyến đạt mức 4 (hơn 1.700 dịch vụ), năm 2023 xử lý hơn 956.000 hồ sơ trực truyến, chiếm 90.7% tổng số hồ sơ, tăng rất nhanh chóng từ 20% năm 2021, 60,2% năm 2022. Tỷ lệ thanh toán trực tuyến chiếm đến 50%. Tỷ trọng gia tăng kinh tế số ICT/GRDP ước đạt 24,5%, đứng 4/63 tỉnh.
Hải Phòng cũng là địa phương đi đầu cả nước thực hiện thành công một số lĩnh vực được Chính phủ lựa chọn Thành phố triển khai thí điểm như xây dựng dữ liệu dân cư, hóa đơn điện tử, cấp đổi giấy phép lái xe. Cơ sở dữ liệu đất đai đã có hơn 650.000 thửa đất có dữ liệu không gian, đạt hơn 50% và đã bắt đầu đưa vào khai thác.
Cơ sở dữ liệu giáo dục đã có 800 cơ sở với trên 32.000 giáo viên, 521.000 học sinh. Học bạ điện tử và sổ điểm điện tử đã được triển khai toàn diện. 100% các bệnh viện đã triển khai phần mềm quản lý và liên thông dữ liệu với bảo hiểm xã hội.
Hơn 2,6 triệu dữ liệu hộ tịch đã hoàn thành đạt 90%. Thương mại điện tử đã kết nối được 250 mã sản phẩm nông sản, 179 sản phẩm OCOP. Cảng biển, logistic đang trong quá trình thử nghiệm liên thông dữ liệu giữa cảng vụ, hải quan và các doanh nghiệp.
Ông Cường nhấn mạnh: “Mục tiêu trong năm 2024 và 2025, Hải Phòng sẽ tập trung vào triển khai các giải pháp phân tích giúp tối ưu nguồn lực, hỗ trợ quản trị điều hành. Thành phố cũng mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp đưa ra các giải pháp, mô hình dịch vụ giá trị gia tăng mới, tạo ra các không gian phát triển kinh tế mới dựa trên dữ liệu.
Thành phố có thể xây dựng chiến lược chuyển đổi số đến năm 2030, hình thành mô hình chuyển đổi số cấp huyện, phát triển nền tảng chính quyền số, đô thị thông minh”,
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam - VINASA cho biết: “Hải Phòng có vị thế đặt biệt quan trọng trong vùng kinh tế Bắc bộ. Chuyển đổi số không chỉ tạo ra sự phát triển cho mình Hải Phòng mà còn là động lực, là sợ dây liên kết kéo theo sự phát triển của cả vùng kinh tế Bắc bộ.
VINASA và các doanh nghiệp hội viên cam kết sẽ luôn sẵn sàng nỗ lực sát cánh cùng Hải Phòng chung tay xây dựng hạ tầng dữ liệu số tiên tiến, hiệu quả; xây dựng mô hình và hợp tác khai thác dữ liệu số nhằm đưa ra các mô hình quản trị, tạo ra những dịch vụ mới phục vụ người dân, doanh nghiệp, tạo ra những giá trị mới cho nền kinh tế - xã hội”.
Trước đó, ngày 26/12 tại Trung tâm Hội nghị Thành phố đã diễn ra Phiên tham vấn Chiến lược Chuyển đổi số và Dữ liệu số TP. Hải Phòng năm 2023.
Phiên tham vấn cũng đã nhận được nhiều ý kiến tư vấn, góp ý của các chuyên gia đầu ngành, doanh nghiệp công nghệ về khung kiến thức dữ liệu số và khai thác dữ liệu số; các biện pháp phát triển kinh tế số, xã hội số; phát triển công nghiệp công nghệ cao TP. Hải Phòng; xây dựng Smart City Hải Phòng.
Năm 2024, theo kế hoạch chuyển đổi số, Hải Phòng tập trung phát triển 3 trụ cột là: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số, trong đó đặt ra 10 nhiệm vụ trọng tâm và 5 giải pháp cơ bản.
Cụ thể: Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp; phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp; nghiên cứu, hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ; thu hút nguồn lực công nghệ thông tin; tăng cường hợp tác quốc tế trong thời gian tới.