Hai “Trạng Nguyên Tiếng Việt” toàn quốc đều giỏi tiếng Anh
Vượt qua 32.000 thí sinh đến từ 49 tỉnh thành ở vòng loại, em Võ Hải Nam (Lớp 4A1, trường Tiểu học An Hưng, Hà Đông, Hà Nội) và em Nguyễn Bảo Vy (Lớp 5, trường tiểu học Tiền An, Bắc Ninh) tiếp tục chiến thắng 162 đối thủ ở vòng chung kết cấp quốc gia để trở thành “Trạng Nguyên Tiếng Việt” nhỏ tuổi toàn quốc năm học 2016-2017. Lễ vinh danh, trao giải Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa cho các thí sinh nhỏ tuổi toàn quốcvừa diễn ra tại Hà Nội.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vinh Hiển trao giải cho 2 “Trạng Nguyên nhí.
Võ Hải Nam chia sẻ, em thích tiếng Việt bởi nó rất bổ ích và là một phần của con người, đất nước Việt Nam. Hàng ngày, Nam trau dồi kiến thức nhờ sự giúp đỡ của bố mẹ qua mạng và nhất là các bộ sách bài tập tiếng Việt.
“Điều em thích nhất là cuộc thi nhưng lại mang ý nghĩa của một sân chơi tự nguyện, không quá đề cao đến thi cử do vậy em thi bình tĩnh, không lo lắng hay đặt nặng thành tích. Cuộc thi gắn liền với lịch sử nước ta thời Hậu Lê do vậy em cũng tích cực học sách Địa lý, Lịch sử. Mỗi ngày em dành khoảng 30 phút - 1 giờ để tìm hiểu”, Trạng Nguyên 10 tuổi chia sẻ.
Còn Nguyễn Bảo Vy cho biết, em đạt kết quả thi tốt như vậy nhờ chăm chỉ nghe thầy cô giảng trên lớp và rất thích đọc sách Tiếng Việt, Văn học.
Điểm chung của 2 “Trạng Nguyên nhí” là dành tình yêu lớn và thời gian ôn luyện hàng ngày cho ngôn ngữ mẹ đẻ nhưng cũng học rất tốt ngoại ngữ. Bảo Vy cho biết, ở lớp em thường đạt điểm cao nhất ở môn Tiếng Anh, đồng thời khẳng định “yêu thích Tiếng Việt và Tiếng Anh như nhau”.
Mỗi “Trạng Nguyên nhí” nhận được phần thưởng 10 triệu đồng.
Các thí sinh đạt giải cao nhất cuộc thi.
Mô phỏng các kỳ thi khoa bảng thời xưa của Việt Nam, sân chơi trực tuyến “Trạng Nguyên Tiếng Việt” năm nay thu hút sự tham gia của hơn 1 triệu học sinh và giáo viên trên toàn quốc.
Phát biểu khai mạc, ông Tạ Ngọc Trí – Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục Tiểu học cho biết, có 157 học sinh đại diện 30 tỉnh, thành phố cả nước về dự lễ. Nhiều gương mặt trong số đó là các em học sinh tiêu biểu đến từ các tỉnh địa đầu đất nước hoặc miền núi khó khăn. Năm nay, 4 tỉnh thành có số lượng học sinh đông đảo nhất tham dự là Lào Cai, Hải Phòng, Hòa Bình, Bắc Ninh.
Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục Tiểu học đánh giá cao đóng góp của cuộc thi vào công tác triển khai Đề án "Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025” và nhiệm vụ đẩy mạnh thực hiện công nghệ thông tin vào giáo dục theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Ông nhấn mạnh, việc tạo các hoạt động phát triển và giao lưu trí tuệ công bằng, khách quan trên môi trường Internet rất ý nghĩa đối với các em học sinh cả nước, đặc biệt ở khu vực vùng sâu, vùng xa.
Năm nay, vòng thi Hương (cấp quận/huyện) có hơn 32.000 thí sinh của 49 tỉnh thành tham dự. Vòng thi Hội (cấp tỉnh/thành phố) có hơn 1.000 thí sinh. Ở Vòng thi Đình (cấp quốc gia) có hơn 162 thí sinh thí sinh của 31 tỉnh thành về Thủ đô tranh tài.
Kết quả, ở khối 4 và khối 5, mỗi khối có 1 Trạng Nguyên, 1 Bảng Nhãn, 1 Thám Hoa. Khối 4 có 10 Giải Nhất 10, 18 giải Nhì, 18 giải Ba, 19 giải Khuyến khích. Ở khối 5,có 14 giải Nhất, 24 giải Nhì, 24 giải Ba và 24 giải Khuyến khích.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký giao lưu cùng các em thiếu nhi.
Từ TP.HCM ra dự lễ vinh danh, nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký cho rằng sân chơi là cơ hội tuyệt vời để các em học sinh tiểu học ham thích tiếng Việt hơn vì khi thi các em phải tìm hiểu sâu. “Nhìn chung cuộc thi vừa có “độ cứng” trong chương trình nhưng cũng có “độ mềm” nhất định trong việc mở rộng kiến thức về lịch sử, nhân văn, ngoại ngữ…”, ông nói.