“Happy chip” - dự án nhân văn vì học trò vùng cao
Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Hằng
Bài liên quan
Thanh niên Ứng Hoà tiếp sức học trò thi vào lớp 10
Ngập sắc xanh tình nguyện tiếp sức học trò “vượt vũ môn”
Học trò huyện Ứng Hòa về Khu Cháy tưởng nhớ anh hùng liệt sĩ
Cậu học trò ngồi xe lăn mở thư viện cộng đồng
“Happy chip” lọt top 10 dự án xuất sắc của cuộc thi Ý tưởng tình nguyện do Trung ương Đoàn tổ chức.
Câu chuyện của “Happy chip”
Chị Hằng kể: “Khi còn là sinh viên trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội, mình đã yêu chồng mình bây giờ. Anh ấy là người dân tộc Mông đến từ miền núi Yên Bái. Quá trình yêu và tìm hiểu nhau, mình khá sốc khi phát hiện ra anh chưa bao giờ mặc quần lót. Mình có hỏi thì anh bảo từ bé đã mặc vậy quen rồi…”.
Tìm hiểu thêm chị Hằng nhận thấy, không chỉ chồng mà người thân trong gia đình anh đều không mặc đồ lót. Thậm chí những người xung quanh là đồng bào dân tộc thiểu số cũng đa số giống như vậy.
Khi đó, chị Hằng bắt đầu quan tâm đến "chiếc quần chip" nhiều hơn. Chị cũng ấp ủ dự định phải làm một điều gì đó cho cộng đồng. Ý nghĩ đó càng trở nên mạnh mẽ khi chị lên mạng tìm hiểu về ý nghĩa của việc mặc quần lót và cảm thấy lo ngại khi biết bộ phận sinh dục không được bảo vệ đúng cách, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản như thế nào.
“Mình thấy rất lo ngại về tình trạng thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số ở một số vùng, thường không mặc quần lót cho đến tuổi trưởng thành. Con gái thường không mặc quần lót cho đến khi lấy chồng và nam thanh niên cũng như vậy. Họ dường như chưa biết đến tầm quan trọng của sức khỏe sinh sản và chưa có kiến thức về các bệnh lây nhiễm qua đường sinh dục. Đây cũng là một trong những nguyên nhân của tình trạng tảo hôn ở người Mông”, chị Hằng chia sẻ.
Cô giáo trẻ hy vọng dự án sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe của học trò vùng cao |
Lý do khiến thanh thiếu niên vùng cao không mặc đồ lót cho đến khi lập gia đình, chỉ vì ngại mua, ngại bị bình phẩm về kích cỡ, kiểu dáng… Chị Hằng đã vận động mọi người trong gia đình sử dụng quần “chip” đúng cách để đảm bảo vệ sinh. Hầu hết thành viên trong gia đình đều tỏ ra thích thú với việc làm này. Điều đó khiến chị nhen nhóm ý tưởng thay đổi suy nghĩ của thanh niên vùng cao về đồ lót.
Thay đổi nhận thức của học sinh vùng cao
Thời gian đầu chị Hằng có chút đắn đo vì đây là vấn đề nhạy cảm. Mọi chuyện thay đổi khi chị chuyển tới dạy học ở Thủ đô. Hàng ngày được tiếp xúc với học trò, thấy các em ở đây có ý thức bản vệ bản thân rất lớn khiến chị nghĩ đến thanh thiếu nhi vùng cao. Mặt khác, được tiếp xúc nhiều với hoạt động của Đoàn khiến chị Hằng mạnh dạn hơn.
Ngoài giờ lên lớp, chị Hằng dành thời gian xây dựng dự án “Happy chip” với rất nhiều hoạt động nhằm nâng cao ý thức về sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và học sinh.
Trong đó, dự án chú trọng đến truyền thông về sức khỏe sinh sản và lý do mặc đồ lót cho học sinh từ bậc tiểu học trở lên, hướng dẫn các em quy trình vệ sinh thân thể đúng cách. Đối với học sinh bậc THCS và người trưởng thành sẽ được tuyên truyền thêm về một số bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, nếu không vệ sinh đúng cách.
“Mình hy vọng thông qua các hoạt động của dự án sẽ giúp trẻ có kiến thức và kỹ năng về sức khỏe sinh sản. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ sẽ có thái độ đúng đắn với sức khỏe sinh sản của con cái, góp phần tuyên truyền phòng chống tảo hôn”, chị Hằng cho biết.
Địa bàn chị Hằng muốn triển khai dự án đầu tiên chính là trường Tiểu học - THCS Suối Bu (Văn Chấn, Yên Bái), với 312 học sinh. Tại đây, các em không chỉ được tuyên truyền về sức khỏe sinh sản mà còn được trao tặng mỗi học sinh 5-7 chiếc quần lót để sử dụng hàng ngày.
Hiện chị Hằng đang phối hợp cùng Trung ương Đoàn, Đoàn Thanh niên, chính quyền xã Suối Bu (Văn Chấn, Yên Bái) chuẩn bị cơ sở vạt chất để thực hiện dự án vào đầu tháng 8/2020. Sau khi dự án thành công, chị sẽ nhân rộng đến các địa bàn có học sinh dân tộc thiểu số sinh sống.
Để dự án mang lại hiệu quả bền vững, chị Hằng cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn cho những người có khả năng tuyên truyền để trở thành “chiến sĩ nguồn”. Họ sẽ là những tuyên truyền viên thực hiện dự án lâu dài.
“Với thông điệp “Trao yêu thương từ những điều đơn giản nhất”, mình hy vọng dự án sẽ mang đến những điều tốt đẹp cho thanh thiếu nhi vùng cao. Từ đó, các em không chỉ có cuộc sống khỏe mạnh mà còn lưu giữ văn hóa của đồng bào dân tộc”, chị Hằng tâm sự.
Bạn đọc và các nhà hảo tâm muốn tham gia dự án có thể liên hệ với chị Nguyễn Thị Hằng tại địa chỉ: Trường THPT Hoà Bình La Trobe Hà Nội (65, Cảm Hội, Đống Mác, Hai Bà Trưng, Hà Nội); email: ngochangk63@gmail.com.