Hậu phương Hà Nội: Từ truyền thống trở thành thương hiệu
Chi viện, “chia lửa” với miền Nam ruột thịt
Lần giở lại lịch sử của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Hà Nội đã đóng một vai trò vô vùng quan trọng khi cùng hậu phương lớn miền Bắc tích cực chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam.
Sau ngày giải phóng (10/10/1954), Hà Nội vừa khôi phục vừa phát triển mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội... vừa sát cánh, thể hiện tình cảm sâu nặng đối với đồng bào miền Nam thông qua những cuộc đấu tranh chính trị phản đối Mỹ - Diệm vi phạm Hiệp định Geneve, tàn sát người yêu nước; Đòi tiến tới hiệp thương Tổng tuyển cử thống nhất nước nhà.
Từ giữa năm 1964, Hà Nội dấy lên phong trào thi đua mạnh mẽ: Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt. Đặc biệt, ngày 9/8/1964, thanh niên Thủ đô đã phát động phong trào Ba sẵn sàng mở đầu làn sóng thanh niên miền Bắc lên đường "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".
Trong 10 năm từ 1965 - 1975, với 29 đợt động viên tuyển quân, Hà Nội đã có hơn 89.000 thanh niên lên đường chiến đấu; Đã tổ chức huấn luyện đưa 42 tiểu đoàn quân tăng cường cho chiến trường miền Nam. Nhiều nhà máy, xí nghiệp cử cán bộ, gửi máy móc, phương tiện kỹ thuật, trang bị đưa vào chiến trường.
Thanh niên Thủ đô vào chiến trường niềm Nam chiến đấu năm 1971. Ảnh tư liệu |
Cùng với sức người, đã có hàng nghìn tấn hàng vì đồng bào miền Nam được làm ra bởi công sức công nhân, lao động Thủ đô. Nêu cao tinh thần yêu nước, Hà Nội nỗ lực đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao cho sự nghiệp giải phóng miền Nam. Tại các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, trường học... phong trào thi đua ngày càng sôi nổi, mạnh mẽ...
Không chỉ vậy, suốt những năm tháng chống Mỹ, Hà Nội đã cùng “chia lửa” với chiến trường miền Nam mà điểm nhấn là Chiến dịch 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không” tháng 12/1972. Trong 12 ngày đêm đánh phá Hà Nội, Mỹ đã tiến hành một cuộc ném bom rải thảm mà sự tàn phá lớn hơn sự tàn phá của các cuộc ném bom trong suốt cả cuộc chiến tranh từ trước cho đến lúc bấy giờ. Song, Hà Nội vẫn hiên ngang và bình tĩnh đánh trả từng đợt bom B-52 của kẻ thù và đã giành thắng lợi vẻ vang.
Đây là nhân tố quyết định góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc, buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam, tạo ra bước ngoặt lịch sử làm tiền đề để đi đến thắng lợi trọn vẹn của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước năm 1975.
Nhiều nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra, vai trò hậu phương của Hà Nội vững vàng từ sản xuất đến chiến đấu chính là nơi bao bọc an toàn cho "bộ não" của cuộc kháng chiến. Những quyết sách kịp thời, đúng đắn từ Trung ương tại Thủ đô Hà Nội là mấu chốt đem lại thắng lợi cuối cùng 48 năm về trước.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong thay mặt Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố trao tặng 40 triệu đồng hỗ trợ người dân huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi xây sửa nhà sau bão số 9 |
Luôn sẵn sàng vì cả nước
48 năm qua, Thủ đô Hà Nội luôn vẫn luôn vẹn nguyên tinh thần sẵn sàng vì cả nước. Trong nhiều năm, thành phố đã có nhiều hoạt động thiết thực chi viện "chia lửa "với người dân các địa phương, chung tay khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh.
Giữa lúc còn đang phải đối diện với muôn vàn khó khăn của dịch COVID-19 nhưng khi các tỉnh bạn như Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang bị bùng phát dịch, Hà Nội ngay lập tức cử các đoàn y, bác sĩ hỗ trợ các tỉnh tổ chức lấy mẫu, tiếp nhận, xử lý hàng chục nghìn xét nghiệm cho các “điểm nóng” này. Trước diễn biến phức tạp của đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ 4, Hà Nội đã gửi tặng TP Hồ Chí Minh 5.000 tấn gạo và tỉnh Bình Dương 1.000 tấn gạo; Hệ thống xét nghiệm PCR tự động 72 giếng cùng với máy tách chiết tự động 96 giếng và test chẩn đoán COVID-19; Dành 54 tỷ đồng hỗ trợ 18 tỉnh, thành phố phía Nam đang gặp khó khăn do dịch, mỗi địa phương 3 tỷ đồng.
Đặc biệt, nhiều đoàn cán bộ, giảng viên, sinh viên tình nguyện khối trường y, dược của Thủ đô đã gấp rút lên đường vào Nam, chi viện cho cuộc chiến chống dịch với tâm thế “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Hình ảnh ấy khiến không ít người xúc động, gợi lại nhiều kỷ niệm trong lòng bao thế hệ đi qua một thời hoa lửa, khi Hà Nội luôn là một hậu phương vững chắc, sẵn sàng chỉ viện và “chia lửa” cùng chiến trường miền Nam năm xưa...
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng họp Ban Chỉ đạo triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô với các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên |
Không chỉ trong dịch bệnh, khi Nhân dân các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên bị thiệt hại do thiên tai, với tinh thần “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”, người dân Thủ đô trong đó có nhiều cụ tuổi cao đã ủng hộ cả tháng lương hoặc có em nhỏ đã dùng số tiền tiết kiệm từ vẽ tranh để ủng hộ người dân nơi đây…
Với mong muốn kịp thời san sẻ những khó khăn, mất mát và mong muốn đóng góp một phần để giúp nhân dân miền Trung được đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 an vui, hạnh phúc, trực tiếp đồng chí Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã dẫn đầu đoàn công tác của TP Hà Nội, mang theo tình cảm nồng ấm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô tới thăm, tặng quà tại 3 tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và Quảng Bình…
Hà Nội cũng luôn xác định trách nhiệm hợp tác với các tỉnh, TP trong vùng kinh tế trọng điểm và các địa phương trong cả nước, nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, tạo ra sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đại dịch COVID-19, xác định thị trường nội địa là cứu cánh cho nền kinh tế, Hà Nội đã liên tục tổ chức các sự kiện liên kết phát triển kinh tế, du lịch với các địa phương trong cả nước.
Kết quả, thành phố đã phối hợp, hỗ trợ các tỉnh, thành phố tổ chức hơn 20 hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại, tuần lễ trái cây, nông sản thực phẩm các địa phương tại Thủ đô; Kết nối, tiêu thụ hơn 10 nghìn tấn nông sản thực phẩm, thủy sản; Tổ chức và mời doanh nghiệp tham gia 12 hoạt động giao thương kết nối sản phẩm trái cây, nông sản thực phẩm, sản phẩm OCOP… của các tỉnh; Đồng thời, bố trí 28 địa điểm trên địa bàn hỗ trợ các tỉnh, thành phố đưa hàng về bán, giới thiệu..
TP Hà Nội tổ chức gặp mặt kỷ niệm 50 năm "Chiến thắng trở về" của các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày thành phố Hà Nội |
Những ngày này, Hà Nội đang quyết liệt triển khai dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô. Đây là dự án có ý nghĩa rất lớn, mở ra không gian phát triển và động lực để đẩy mạnh liên kết vùng trên tất cả các lĩnh vực, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của các địa phương trong Vùng Thủ đô.
Xác định tầm quan trọng của dự án, với vai trò là Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Dự án (gồm Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đề nghị các địa phương thể hiện sự quyết tâm cao, tinh thần đoàn kết, tập trung, đồng bộ trong chỉ đạo thực hiện; Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương trong triển khai dự án; Tổ chức thực hiện nhanh, hiệu quả từng nội dung có liên quan đến địa phương mình, đảm bảo tiến độ chung của toàn bộ dự án.
TP cũng liên tục tổ chức các cuộc họp để xem xét tháo gỡ kịp thời những khó khăn, thúc đẩy nhanh chóng tiến độ từng khâu, từng việc. Để triển khai Dự án, TP Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên đã ký cam kết tiến độ và ký giao ước thi đua trong công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư cho Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội với mục tiêu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp trước ngày 30/6/2023 để phục vụ khởi công Dự án và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023.
48 năm đã trôi qua, Hà Nội vẫn luôn nỗ lực phát triển không ngừng, để mỗi khi khúc ca giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được ngân vang, bài học về phát huy sức mạnh hậu phương được nhắc lại, “trái tim của cả nước” lại thêm những nhịp đập mạnh mẽ, sẵn sàng cùng cả nước, vì cả nước.