Hệ thống cảng biển TP Hồ Chí Minh: Phá vỡ rào cản, sức bật tương lai
TP Hồ Chí Minh sẽ là động lực tăng trưởng của đất nước Điểm tựa vững để TP Hồ Chí Minh phát huy sức mạnh dân tộc Khách quốc tế khám phá vẻ đẹp kinh tế đêm TP Hồ Chí Minh |
Ưu thế sẵn có
Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang sở hữu 26 bến cảng biển lớn nhỏ, trong đó phải kể đến như: Cảng Sài Gòn, Cảng Cát Lái, Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, Tân Cảng - Phú Hữu, Tân Cảng - Hiệp Phước, Cảng Container quốc tế Việt Nam (VICT), Cảng Container quốc tế SP (SP-ITC), Cảng Container Trung tâm Sài Gòn (SPCT)…
Nổi bật, Tân Cảng - Cát Lái là cảng container quốc tế lớn và hiện đại nhất nước ta, đồng thời cũng được xếp thứ 30 cảng có sản lượng lớn nhất thế giới. Tân Cảng - Cát Lái sở hữu quy mô 160ha bãi, 1.500m cầu tàu, thiết bị xếp dỡ và tự động hóa gần như toàn bộ các khâu lập kế hoạch và quản lý bãi.
Cảng Cát Lái - một trong những cảng nổi bật trong hệ thống cảng biển của TP Hồ Chí Minh |
Tiếp theo phải kể đến Cảng Sài Gòn - một hệ thống cảng biển tổng hợp cấp quốc gia, gồm các cảng tại TP Hồ Chí Minh. Đây cũng là hệ thống cảng biển lớn nhất Việt Nam, có vị trí chiến lược quan trọng trong việc phát triển kinh tế, đóng vai trò là cửa ngõ quốc tế của cả nước trong các hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu.
Theo số liệu thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển TP Hồ Chí Minh năm 2023 là 756,8 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó hàng container ước đạt 24,7 triệu TEU.
Cụm Cảng Sài Gòn, Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải sẽ trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi logistics, tạo ra nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và cho xã hội (Ảnh: VIMC) |
Có thể thấy, hệ thống cảng biển của TP Hồ Chí Minh mang trong mình một lợi thế lớn, với tầm quan trọng trong việc giao thương hàng hóa giữa các địa phương trong cả nước, hơn hết là với các nước trong khu vực và thế giới.
Còn đó những “rào cản”
Bên cạnh những lợi thế sẵn có, hệ thống cảng biển của TP Hồ Chí Minh vẫn còn tồn đọng nhiều hạn chế và khó khăn, cần được khơi thông sớm.
Theo các chuyên gia, hạn chế đầu tiên phải kể đến chính là hệ thống hạ tầng xung quanh các cảng chưa phát triển tương xứng và đồng bộ; hệ thống đường bộ chưa hoàn thiện hoặc đang được thi công cũng gây ra sự cản trở trong quá trình vận chuyển, tăng chi phí vận tải do giá nhiên liệu và phí cầu đường tăng.
Tiếp đến, sự thiếu hụt bãi đỗ container và kho bãi chất lượng cao cũng đang tạo ra những khó khăn không nhỏ cho quá trình lưu thông và bảo quản hàng hóa, cùng với chi phí logistics cao do giá cước vận tải và phí dịch vụ tăng lên.
Theo Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, những hạn chế tồn tại của cảng biển thành phố là các khu cảng nằm gần các khu dân cư, không có các tuyến đường chuyên dùng; không có đường sắt kết nối vùng, do đó kết nối giao thông đường bộ vào các cảng còn khó khăn, tăng chi phí vận tải cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, vận tải đường thủy nội địa đến các cảng khai thác còn hạn chế; chưa phát triển đồng bộ hệ thống bến sà lan, hệ thống cảng cạn kết hợp thực hiện dịch vụ logistics phục vụ hoạt động của cảng biển.
Sức bật trong tương lai
Từ những điểm hạn chế nêu trên, TP Hồ Chí Minh cũng đề ra nhiều nhóm giải pháp. Theo đó, thành phố đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm, cấp bách gồm: Dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, nút giao thông An Phú, mở rộng Quốc lộ 50, nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, nút giao thông Mỹ Thủy, mở rộng Quốc lộ 13…
TP Hồ Chí Minh đang đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm |
TP Hồ Chí Minh cũng định hướng phát triển 7 trung tâm Logistics, gồm: Trung tâm Logistics Long Bình; Trung tâm Logistics Cát Lái; Trung tâm Logistics Linh Trung; Trung tâm Logistics Khu Công nghệ cao; Trung tâm Logistics Tân Kiên; Trung tâm Logistics Củ Chi; Trung tâm Logistics Hiệp Phước tại huyện Nhà Bè.
Về mặt thủ tục, trong những năm gần đây, các Chi cục Hải quan trực thuộc Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh và doanh nghiệp khai thác cảng đều ký quy chế phối hợp, với nhiều nội dụng cụ thể nhằm đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập và phát triển Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, trong chiến lược phát triển, TP Hồ Chí Minh sẽ cùng với khu vực Đông Nam Bộ kết nối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long để khai thác trên tinh thần “bám sông, hướng biển”, phát huy hơn nữa, mở rộng cửa hơn nữa về hướng biển để kết nối với thế giới.
Để những nỗ lực này đi vào trọng tâm và đạt được kết quả, đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị cần có cơ chế gặp gỡ đối thoại về chiến lược chính sách giữa TP Hồ Chí Minh và rộng hơn là vùng Đông Nam Bộ với Hiệp hội và các hội thành viên, để việc hoạch định của thành phố và Đông Nam Bộ sát với xu hướng phát triển và nhu cầu phát triển của Hiệp hội và các hội thành viên.
Đồng thời, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thực hiện di chuyển các cảng bên trong ra ngoài thành phố để thuận lợi hơn, gắn với phát triển đô thị cảng Hiệp Phước và phát triển các cảng trên hệ thống sông Đồng Nai, sông Sài Gòn.
Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang rà soát lại và bổ sung, nâng cấp để trở thành trung tâm dịch vụ lớn, trong đó có trung tâm dịch vụ về logistics, về tài chính, đây là những định hướng rất quan trọng đối với kinh tế cảng biển.
Siêu cảng Cần Giờ được kỳ vọng sẽ tạo nên bước đột phá mạnh mẽ đối với kinh tế cảng biển của TP Hồ Chí Minh |
Nổi bật, dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn (Cảng Cần Giờ) đang được triển khai về hồ sơ chủ trương và đầu tư chung, hứa hẹn sẽ giúp TP Hồ Chí Minh tiến ra biển lớn, giữ vững vai trò là trung tâm logistics của khu vực Đông Nam Á và Châu Á; đồng thời mang lại nguồn thu ngân sách, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy hoàn thiện cơ sở hạ tầng xung quanh và thu hút được các các nguồn đầu tư lớn.