TP Hồ Chí Minh sẽ là động lực tăng trưởng của đất nước
Chuyển đổi xanh là trọng tâm, chuyển đổi số là nhiệm vụ đột phá Thủ tướng Chính phủ dự khánh thành Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 Cơ hội để hợp tác, lắng nghe, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động |
Chiều 25/9, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP Hồ Chí Minh lần thứ 5, năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có phiên Đối thoại chính sách với lãnh đạo các tỉnh thành, với các khách mời, các tập đoàn trong nước và quốc tế.
Phát biểu chỉ đạo, kết luận phiên đối thoại, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh TP Hồ Chí Minh khi tổ chức thành công Diễn đàn lần thứ 5 với khoảng 1.500 đại biểu từ nhiều quốc gia, nhiều ngành; diễn đàn lần sau tốt hơn, toàn diện hơn, nhiều người tham gia hơn lần trước; cảm ơn đại biểu, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, trong nước tới tham gia, cổ vũ cho diễn đàn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên Đối thoại chính sách (Ảnh: VGP) |
Nhận xét về bối cảnh hiện tại, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, tình hình thế giới về tổng thể thì hòa bình nhưng cục bộ có chiến tranh; tổng thể thì hòa hoãn nhưng cục bộ có căng thẳng; tổng thể thì ổn định nhưng cục bộ có xung đột.
Thế giới đang đối mặt những vấn đề toàn cầu, toàn dân, do đó phải có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện để giải quyết, trong đó có vấn đề chuyển đổi, ứng dụng cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.
Đối với Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng, Thủ tướng cho biết, đến nay đất nước đã hình thành được hệ thống lý luận tương đối hoàn chỉnh về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Cùng với đó, Việt Nam cũng xác định các định hướng lớn, bao gồm việc thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hóa, là bạn tốt, đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Quang cảnh phiên Đối thoại chính sách (Ảnh: VGP) |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam xác định việc phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, lấy nguồn lực bên trong (con người, tài nguyên thiên nhiên, truyền thống văn hoá, lịch sử) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài (vốn, khoa học công nghệ, quản lý, nhân lực chất lượng cao) là quan trọng, đột phá.
Tiếp đó, đất nước luôn luôn củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc và thực hiện chính sách quốc phòng "4 không".
Theo Thủ tướng Chính Phủ, Việt nam định hướng bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của Nhân dân; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Việt Nam xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, lấy văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, toàn diện; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo đồng thuận xã hội...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với lãnh đạo, đại biểu trong nước và quốc tế (Ảnh: VGP) |
Đánh giá kết quả đã đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại quy mô GDP năm 2023 của nước ta đạt khoảng 433 tỷ USD, đứng 34 trên thế giới, nằm trong nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất về quy mô thương mại quốc tế; kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm...
Trong thành tựu chung của cả nước, Thủ tướng đánh giá TP Hồ Chí Minh luôn đi đầu trong đổi mới, luôn là trung tâm tăng trưởng, tiên phong trên nhiều lĩnh vực, trong đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân.
Qua tham dự diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng tình cao với ý kiến của các đại biểu về yêu cầu chuyển đổi công nghiệp toàn diện tại TP Hồ Chí Minh, xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại, ngang tầm lịch sử.
Nhân dân năm sau luôn được hạnh phúc, ấm no hơn năm trước, phát triển hài hòa giữa thiên nhiên và con người, giữa kinh tế, xã hội, môi trường.
Thủ tướng tin rằng với truyền thống vẻ vang, sự nỗ lực của TP Hồ Chí Minh, sự hỗ trợ của Trung ương, của bạn bè, đối tác quốc tế, sự tham gia của người dân và doanh nghiệp, TP Hồ Chí Minh nhất định sẽ đạt được mục tiêu đã đề ra.
Thủ tướng tin tưởng với những ý kiến đóng góp nhận được trong phiên đối thoại, TP Hồ Chí Minh nhất định sẽ hoàn thành những mục tiêu đề ra (Ảnh: VGP) |
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, chuyển đổi công nghiệp phải vừa làm mới các ngành công nghiệp truyền thống (như cơ khí chế tạo, hóa chất…) vừa phải phát triển các ngành công nghiệp mới với khái niệm rộng hơn, liên quan tới các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm...
Để làm được điều đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh TP Hồ Chí Minh phải xây dựng và hoàn thiện thể chế; phải phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao; quản trị thông minh... ngoài ra cũng phải có các giải pháp huy động nguồn lực thông qua đẩy mạnh hợp tác công tư.
Thủ tướng cũng đề nghị TP Hồ Chí Minh và các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền nghiên cứu, rà soát các ý kiến, tham luận, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư và các chuyên gia, nhà khoa học để sớm giải quyết, xử lý và tiếp thu, hoàn thiện cơ chế, chính sách.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu khánh thành Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 (C4IR) tại TP Hồ Chí Minh vào sáng 25/9 (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại, Việt Nam cam kết không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhưng kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu, trốn thuế…
Thủ tướng mong các đối tác phát triển ủng hộ TP Hồ Chí Minh và Việt Nam về ưu đãi tài chính; từng bước chuyển giao công nghệ để Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, cung ứng toàn cầu; góp phần đào tạo nhân lực; nâng cao năng lực quản trị hiện đại, thông minh; góp phần xây dựng và hoàn thiện thể chế.
"Trong quá trình phát triển sẽ không tránh khỏi những mâu thuẫn cần giải quyết, những khó khăn, thách thức cần vượt qua. Điều quan trọng là cùng lắng nghe, thấu hiểu, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm, cùng hưởng, cùng chiến thắng và cùng phát triển, cùng có niềm vui, hạnh phúc và tự hào", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Thủ tướng tin tưởng sau diễn đàn này, các đại biểu đều thu hoạch được nhiều điều, trong đó cái được lớn nhất là sự chân thành, tình cảm và tin tưởng để trao đổi thẳng thắn, góp ý với tinh thần xây dựng...