Hiệu quả thiết thực từ mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau
Ra mắt câu lạc bộ “Trái tim người lính” Câu lạc bộ của các bạn trẻ đam mê âm nhạc Nhân rộng mô hình sáng kiến "Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau" để thích ứng với già hoá dân số |
Đề án mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau được triển khai thực hiện theo Quyết định số 1533/QĐ-TTg ngày 2/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Mô hình này nhằm nâng cao vai trò của Hội người cao tuổi, huy động sự tham gia của các cấp, các ngành trong xã hội và thông qua cách tiếp cận liên thế hệ tự giúp nhau dựa vào cộng đồng để chăm sóc người cao tuổi, đồng thời phát huy có hiệu quả vai trò của người cao tuổi trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của từng địa phương.
Bà Nguyễn Thị Phương Hoa – Phó Giám đốc Trung tâm Giao dịch Công nghệ thông tin và Truyền thông (Sở Thông tin truyền thông Hà Nội) chia sẻ tại buổi tham quan |
Bà Nguyễn Thị Phương Hoa – Phó Giám đốc Trung tâm Giao dịch Công nghệ thông tin và Truyền thông (Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội) cho hay, để nâng cao chất lượng cuộc sống về vật chất và tinh thần cho người cao tuổi, nhất là người cao tuổi nghèo, khó khăn, khuyết tật cần sự vào cuộc mạnh mẽ và đồng bộ của các cơ quan, tổ chức trên địa bàn thành phố.
Một trong những hoạt động đạt được kết quả tốt trong thời gian vừa qua là sự phát triển và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau.
"Đến nay, thành phố đã thành lập được 94 câu lạc bộ với tổng số thành viên 5.679 người. Trong đó có 65 câu lạc bộ đã tiến hành đủ 8 mảng hoạt động gồm: Tăng thu nhập giảm nghèo; Chăm sóc sức khỏe; Tình nguyện viên chăm sóc tại nhà; Tự giúp nhau và hỗ trợ cộng đồng; Nâng cao nhận thức, kiến thức; Bảo vệ quyền và lợi ích; chăm sóc tinh thần qua văn hóa, nghệ thuật, thăm hỏi và giao lưu. Trong đó, 62 câu lạc bộ sinh nhật theo tháng, còn lại sinh hoạt theo 2 tháng hoặc mỗi quý một lần.
Hi vọng, trong thời gian tới, các thành viên trong câu lạc bộ, đại diện hội người cao tuổi tiếp tục hỗ trợ, để không ngừng nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau", bà Hoa nói.
Ông Nguyễn Xuân Chức, Phó ban đại diện người cao tuổi huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội chia sẻ tại buổi tham quan |
Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau tại thôn Lầy, xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ được thành lập ngày 19/7/2018 và luôn là lá cờ đầu của thành phố trong việc phát triển mô hình câu lạc bộ một cách hiệu quả.
Chia sẻ tại buổi tham quan, ông Nguyễn Xuân Chức, Phó Ban đại diện người cao tuổi huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội cho biết, mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau là mô hình mới, lần đầu tiên Hà Nội triển khai.
Phúc Thọ được chọn làm đơn vị điểm. Hiện nay, huyện Phúc Thọ có 5 Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau. Câu lạc bộ thôn Lầy là một trong 5 câu lạc bộ ấy.
“Thời gian đầu triển khai, chúng tôi gặp nhiều khó khăn do là mô hình mới. Chúng tôi được vào Thanh Hóa thăm quan và học tập mô hình, trang bị những kiến thức về tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ theo 8 mảng và bước đầu đã có những kết quả rất tốt.
Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm của Hội người cao tuổi thành phố. Các đồng chí thường xuyên tham gia các buổi sinh hoạt hàng tháng của câu lạc bộ để kịp thời hướng dẫn chỉ đạo. Nhờ đó, hoạt động của câu lạc bộ luôn đi đúng hướng, bài bản”, ông Chức chia sẻ.
Bà Đặng Thị Dần - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau thôn Lầy cho biết, Câu lạc bộ thôn Lầy hiện có 71 thành viên. Không chỉ chăm sóc, tạo sân chơi, giúp người cao tuổi nâng cao tinh thần, câu lạc bộ còn tiến hành các hoạt động chia sẻ, tập huấn, học tập các mô hình tốt, chuyên giao khoa học kĩ thuật và cho vay vốn để hội viên làm kinh tế.
Từ khi là thành viên của câu lạc bộ, ai cũng khỏe hơn, tự tin hơn khi tham gia các phong trào tại địa phương. Đặc biệt, thôn Lầy có đội tình nguyện viên 10 người, nhận giúp đỡ 2 người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, cô đơn, không nơi nương tựa.
Cụ Đặng Thị Mai, sinh năm 1953, là một trong những hoàn cảnh được các thành viên của câu lạc bộ giúp đỡ |
Cụ Đặng Thị Mai (sinh năm 1953, sống ở thôn Lầy) là một trong những hoàn cảnh khó khăn được các thành viên của câu lạc bộ giúp đỡ. Cụ Mai sống một mình, không nơi nương tựa lại thường xuyên bị bệnh. Từ khi được các tình nguyện viên của câu lạc bộ nhận chăm sóc, giúp đỡ, cuộc sống của cụ đã tốt hơn rất nhiều. Ngoài chăm sóc sức khỏe, các tình nguyện viên tới giúp cụ làm vườn, thu hoạch và bán hoa màu giúp cụ.
Cụ Đặng Thị Mai chia sẻ: “Năm nay, tôi ốm rất nhiều, đi bệnh viện 7 lần. Mỗi lần đau ốm đều nhờ cậy các chị trong câu lạc bộ chăm sóc. Những tháng giãn cách xã hội do dịch Covid-19, Câu lạc bộ còn cung cấp gạo, đồ ăn.
Tôi rất cảm động vì dù không có con cái nhưng nhờ có Câu lạc bộ nên tôi thấy yên tâm và lạc quan sống hơn. Các chị hội viên giống như là người thân của tôi. Tôi thấy mình thật may mắn”.
Mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau đã huy động được sự tham gia tích cực của người cao tuổi, đồng thời góp phần phát huy có hiệu quả vai trò của người cao tuổi trong phát triển kinh tế - xã hội, giúp họ sống vui, khỏe, tự tin hơn.